Chưa khi nào thanh khoản thị trường BĐS giảm thê thảm như hiện nay. Từ đầu quý II/2012 tới nay, đã xuất hiện lác đác những dự án nhà ở chung cư giá rẻ do một số chủ đầu tư uy tín mở bán thu hút được lực mua. Tuy nhiên, đích ngắm tới của nhiều người lao động tại thủ đô lại là những căn hộ chung cư cũ bất chấp không ít rủi ro.

Những căn chung cư cũ đang được nhiều người săn tìm

Điểm được những dự án nhà ở hút lực mua của người có nhu cầu thực chỉ trên đầu ngón tay. Đáng chú ý, yếu tố mấu chốt khiến người mua tỏ ra hào hứng và quan tâm tới sản phẩm nhà ở loại này nằm ở việc ngân hàng cam kết hỗ trợ mua nhà của chủ đầu tư. Rõ ràng, đây là quãng thời gian vàng của người mua. Họ được quyền ngắm nghía, lựa chọn, cân nhắc đắn đo thoải mái trước khi xuống tiền mà không chịu bất cứ áp lực về cháy hàng như vài năm trước. Tuy nhiên, những dự án kiểu như tổ hợp chung cư Mường Thanh do Cty Điện Biên bán với giá rẻ chỉ lác đác nên sức cầu về nhà ở giá rẻ không được đáp ứng đủ (nếu không muốn nói là không đáng kể). Vậy nên thay vì mỏi mắt trông chờ những sản phẩm nhà “3 tốt” (giá tốt – chất lượng đảm bảo – pháp lý tốt), người có nhu cầu ở thực buộc phải tìm tới các căn hộ chung cư cũ.

Chung cư cũ chủ yếu nằm tại các quận nội thành Hà Nội như Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa…với tuổi đời công trình hầu hết trên 20 năm. Hiện tại, các chung cư cũ như vậy tại quận Hai Bà Trưng, Ba Đình có giá dao động 60 đến 70 triệu/m2 (diện tích tính trong sổ đỏ). Một mẩu tin rao bán nhà tập thể tầng 2, Số 16B ngách 3 ngõ 9 Đào Tấn, Q.Ba Đình diện tích 17m2 hiện cũng thét với giá 1,5 tỷ, tương đương hơn 88 triệu đồng/m2. Một căn hộ tầng 2 tại Ngõ Gạch diện tích chưa đầy 18m2 liên tục được khách hàng hỏi nhưng chủ nhà vẫn “kiêu” dù giá đã vượt trên 3 tỷ. Theo ông Sơn – một cán bộ hưu trí ngành nước, giá chung cư cũ, nhất là tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình luôn giữ giá ở mức cao. Ông đã săn một căn hộ 20m2 tại 1 chung cư cũ ở Liễu Giai từ đầu năm nay nhưng mới đây chủ nhà mới đồng ý bán với giá …gần 3,5 tỷ. Không còn là nhu cầu chơi “đồ cổ” như nhiều người nghĩ, căn hộ chung cư cũ đang lọt vào tầm ngắm của nhiều người lao động sau nhiều năm tích lũy để tìm một chỗ an tâm cư ngụ.

Lý giải thêm nguyên nhân về sự lựa chọn tình thế (vì không còn sự lựa chọn nào khác trừ khi chấp nhận đi thuê trọ), đa phần khách hàng đều chung quan điểm về tính “thực” cũng như sự yên tâm về giấy tờ sở hữu pháp lý. Thay vì được nhân viên giao dịch môi giới dẫn tới xem công trình hoặc chỉ cho xem trên sa bàn, người mua được tận mắt quan sát, kiểm tra chất lượng nhà và các yếu tố khác với sự hợp tác chủ động từ người bán. Lo ngại về tiến độ bị thất hứa như mọi khi của chủ đầu tư cũng không còn. Việc còn lại chỉ là người mua và người bán có đi tới thỏa thuận về giá cả. Tuy nhiên, rủi ro vẫn tiềm tàng trong các giao dịch này. Yếu tố đầu tiên là tranh chấp về sở hữu trong cùng một số nhà (việc thường xuyên xảy ra tại khu phố cổ), rồi việc tách sổ đỏ, xây dựng cơi nới của hàng xóm gây ra khiếu kiện kéo dài. Thêm nữa, cơ sở hạ tầng xã hội như điện, nước, chỗ để xe, lối đi chung…tại các chung cư cũ thường đã xuống cấp và không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của cư dân nên người mua thường đắn đo, tặc lưỡi mua rồi sau “hối không kịp”. Cuối cùng, nếu mua phải căn hộ chung cư tập thể cũ đang nằm trong diện “nóng” về giải tỏa đền bù GPMB để sửa chữa, xây mới, người mua sẽ gặp không ít vấn đề đau đầu trong trường hợp người bán không công khai đầy đủ giấy tờ pháp lý liên quan tới căn hộ…

Người mua, kẻ bán vẫn tìm nhau mỏi mòn trong vòng tròn về giá – pháp lý – tiến độ dựa trên cơ chế thị trường. Khi chưa thể tìm được sự gặp nhau đối với các sản phẩm mới bung hàng, người có nhu cầu thực sẽ tìm tới chung cư cũ như một sự cực chẳng đã. Đó cũng là lẽ thường.

Theo Đông Hưng – Hồng Quang (Báo Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.