Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây là một hệ lụy tất yếu và cũng là hiện tượng bình thường của một thị trường bất động sản mới phát triển và có một thời kỳ tăng trưởng quá nóng.
Đầu năm 2011, sau khi các phương tiện thông tin truyền thông đồng loạt phản ánh tình trạng biệt thự bỏ hoang tại nhiều dự án đô thị, Bộ Xây dựng đã tiến hành kiểm tra 16 dự án trên địa bàn TP. Hà Nội, với 2.684 biệt thự. Kết quả kiểm tra, có đến 698 căn (chiếm 35%) biệt thự chưa được đưa vào sử dụng, vẫn trong tình trạng xây thô.
Ngay sau khi có kết quả rà soát do Cục Quản lý nhà công bố, Bộ Tài chính đã tính đến phương án đánh thuế, thậm chí yêu cầu chủ dự án phải mua lại những biệt thự bỏ hoang. Mặc dù phương án đánh thuế và mua lại biệt thự bỏ hoang chưa được “luật hóa”, vì mới chỉ là “đề xuất” của cơ quan chức năng, nhưng dưới sức ép chính quyền địa phương và chủ dự án, không ít chủ nhân của những biệt thự bỏ hoang đã phải tiến hành sửa sang, hoàn thiện.
Nhiều nhà liền kề bỏ hoang nằm xen kẽ khu dân cư
Những tưởng sau giải pháp mạnh đủa cơ quan quản lý, việc tiến hành hoàn thiện các căn biệt thự tại các khu đô thị mới sẽ được các chủ sở hữu tiến hành nghiêm chỉnh, liên tục. Thế nhưng, rất nhiều chủ biệt thự chỉ làm việc này nhằm đối phó.
Bởi tại những khu đô thị Bộ Xây dựng đã tiến hành thanh, kiểm tra và nhiều khu đô thị ở ngay tại trung tâm Hà Nội hiện nay vẫn còn nhan nhản biệt thự bị bỏ hoang. Thậm chí, số lượng biệt thự bỏ hoang và cả khu đô thị vắng bóng người đang có xu hướng tăng lên khi thị trường bất động sản đi xuống.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Hà Nội cho rằng, tình trạng biệt thự, liền kề bị bỏ hoang ngày càng tăng là hệ quả của việc phát triển đô thị không có tính chiến lược trước đây. Tình trạng nhà bỏ hoang tăng lên còn có nguyên nhân lớn từ việc thị trường bất động sản đi xuống quá lâu, chủ đầu tư và khách hàng cạn vốn để sang sửa.
Tuy nhiên, ông Nghiêm cũng cho rằng, tình trạng biệt thự bị bỏ hoang không phải là chuyện hiếm tại các đô thị trên thế giới, đặc biệt là những đô thị có tốc độ đô thị hóa cao, thị trường bất động sản phát triển quá nóng.
Để giải quyết thực trạng này, theo kiến trúc sư Nghiêm, cần phải phân loại các đối tượng sở hữu biệt thự bỏ hoang để có cách ứng xử khác nhau. Chẳng hạn, những đối tượng mua để ở nhưng chưa sử dụng sẽ phải ứng xử khác với những nhà đầu tư mua bất động sản chỉ để kinh doanh.
Đặc biệt, nếu tới đây chủ đầu tư nào khi xây dựng dự án đô thị cũng đảm bảo tỷ lệ 80% nhà ở phải là nhà ở cao tầng được quy định trong Chiến lược phát triển nhà ở của Chính phủ thì tình trạng nhà biệt thự, liền kề bỏ hoang sẽ dần được giải quyết.