Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng trong buổi làm việc với chủ đầu tư về dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng hồi đầu tuần đã bày tỏ bức xúc về việc dự án kéo dài gây đội vốn do nhà thầu thiếu năng lực, và yêu cầu phải có biện pháp với các nhà thầu làm việc theo kiểu "ăn đong và tay không bắt giặc".

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo Bộ GTVT kiểm tra tiến độ dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng cuối năm 2013 Ảnh:VIDIFI

Tại buổi làm việc về tiến độ dự án hôm 21-4, ông Đào Văn Chiến, Tổng giám đốc Tổng công ty phát triển hạ tầng đầu tư tài chính (VIDIFI), công ty con của Ngân hàng phát triển (VDB) là chủ đầu tư dự án, đã báo cáo với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng rằng năng lực nhà thầu gây ảnh hưởng nhiều đến tiến độ dự án.

Theo đó, các nhà thầu lớn như Keangnam (Hàn Quốc), Sơn Đông (Trung Quốc) không huy động đủ vốn lưu động như cam kết trong hồ sơ dự thầu để đảm bảo tiến độ thi công. Mặt khác, họ dùng nguồn thanh toán hàng tháng của chủ đầu tư để thực hiện dự án theo kiểu “mỡ nó rán nó” và đi thuê tiếp các nhà thầu phụ, thiết bị, nhân sự tại Việt Nam với giá thấp dẫn đến sự phụ thuộc, dây dưa làm chậm tiến độ dự án.

Theo nội dung buổi báo cáo, dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã chậm tiến độ hai năm và đội vốn gấp đôi, và năng lực thi công cùng sự chây ỳ của các nhà thầu đang khiến cho dự án trở thành một “điểm đen” về vốn và tiến độ.

Dự án này khởi công từ năm 2008, dự kiến hoàn thành năm 2011, sau điều chỉnh sang năm 2013 nhưng nay dự kiến cuối năm 2015 mới hoàn thành. Đây cũng là dự án giao thông trọng điểm đầu tiên triển khai mô hình BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) quy mô lớn với 105 km tiêu chuẩn cao tốc quốc tế, nhằm giảm tải cho quốc lộ 5 hiện đang xuống cấp.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhận định: “Nhà thầu mang danh thương hiệu khổng lồ nhưng làm ăn như chú lùn”. Thậm chí ông còn không loại trừ khả năng các nhà thầu bán thương hiệu cho các đối tác tại Việt Nam để “ăn” phần trăm chứ thực tế không thực hiện. Do đó, ông yêu cầu các nhà thầu phải thực hiện nghiêm hợp đồng và gia hạn đến tháng 7 tới, nếu tiến độ đã ký vẫn bị chậm và ảnh hưởng thì sẽ phạt hợp đồng và cấm cửa các nhà thầu này tại các dự án giao thông của Việt Nam.

“Không được chắp vá, ăn đong, tay không bắt giặc, chạy từng đồng vốn,” ông thẳng thắn.

Vấn đề là dự án nay đã đội vốn từ 24.566 tỉ đồng lên đến gần 50.000 tỉ đồng, sau khi rà soát lại dù giảm được 3000 tỉ đồng nhưng vẫn đội vốn gấp đôi tổng mức đầu tư ban đầu.

Hơn nữa, tuy không phải vay vốn ODA và tính vào nợ quốc gia, nhưng tiến độ và hiệu quả kinh tế của dự án cũng sẽ là gánh nặng đối với chủ đầu tư và xa hơn là gánh nặng với ngân hàng do nhà nước tài trợ vốn hoạt động.

Tình trạng các nhà thầu thi nhau đòi tăng tổng mức đầu tư ở các dự án nhưng lại chây ỳ trong việc thi công, làm chậm tiến độ nhiều dự án giao thông lớn ở Việt Nam đang là một thách thức. Hiện tượng này cũng diễn ra phổ biến ở các nhà thầu nước ngoài

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã bị chậm tiến độ hơn 2 năm đồng thời bị đội vốn hơn 61% (339 triệu đô la Mỹ) so với tổng mức đầu tư ban đầu khiến Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ GTVT phải chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tập thể cá nhân liên quan đang còn nóng. Và Bộ GTVT liên tục những ngày qua phải giải trình.

Việc này diễn ra khi những điều tra về nghi án đưa và nhận hối lộ ở dự án đường sắt số một (tuyến Yên Viên-Ngọc Hồi) chưa được làm rõ nhưng chi phí tư vấn phải trả cho nhà thầu Nhật làm tư vấn cho dự án đã bị tăng thêm 40%.

Điểm chung của hai dự án nêu trên là đều sử dụng vốn ODA của Trung Quốc (tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông) và vốn ODA của Nhật Bản (dự án đường sắt Yên Viên-Ngọc Hồi) nên phải dùng các nhà thầu của quốc gia vay vốn như một điều kiện đã ký tại các hợp đồng vay vốn giữa các Chính phủ.

Việc đội vốn quá nhiều, thời gian thi công kéo dài, chậm trễ khiến tổng mức đầu tư của các dự án giao thông tăng mạnh gây ảnh hưởng đến việc vay trả nợ. Một nguyên nhân quan trọng được ban quản lý các dự án nói trên nêu ra là mặc dù trình độ của các nhà thầu (tư vấn, thiết kế, thi công) yếu nhưng họ vẫn trúng thầu nhờ lợi thế là nhà thầu của các quốc gia mà Việt Nam đi vay vốn.

Trong thực tế không phải tất cả các dự án hạ tầng, giao thông lớn, sử dụng vốn vay đều đội vốn. Cùng thời điểm đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 28.000 tỉ đồng từ nguồn vay Ngân hàng thế giới, JICA (Nhật Bản) đã giảm tổng mức đầu tư hơn 3000 tỉ đồng.

Ngọc Lan (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.