19/07/2025 8:03 AM
Xuất khẩu trái cây Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội lớn để khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, đặc biệt với 4 sản phẩm chủ lực: sầu riêng, thanh long, chuối và dừa.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Hôm nay (18/7), Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức Diễn đàn "Tăng cường cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu 4 sản phẩm trái cây chủ lực".

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện Việt Nam có hơn 1,3 triệu ha cây ăn quả với sản lượng khoảng 15 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, chuối chiếm diện tích 161.000ha với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 380 triệu USD vào năm 2024, giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu chuối lớn thứ 9 thế giới.

Sản phẩm chuối Việt đã có mặt tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác. Dứa cũng đạt diện tích trên 52.000ha, dừa gần 202.000ha và chanh leo hơn 12.000ha. Tất cả đều đang có xu hướng mở rộng xuất khẩu và phát triển chế biến sâu.

Bốn sản phẩm trái cây chủ lực – sầu riêng, thanh long, chuối và dừa – đều có tiềm năng lớn để gia tăng giá trị xuất khẩu. Sầu riêng, với sản lượng tăng mạnh ở các tỉnh như Tiền Giang và Đồng Nai, đang được định hướng phát triển theo hướng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Thanh long, dù diện tích không còn mở rộng do nguy cơ cung vượt cầu, đang chuyển sang sản xuất vụ nghịch và chế biến sâu để giữ vững thị trường.

Chuối, với lợi thế chi phí thấp và thời gian thu hoạch ngắn, có thể mở rộng sang Ấn Độ và Nhật Bản.

Dừa tươi, với kim ngạch xuất khẩu đạt 390 triệu USD trong năm 2024, đang tận dụng cơ hội từ Hoa Kỳ và Trung Quốc để phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng như nước dừa đóng hộp.

Chuyên gia tại diễn đàn nhấn mạnh rằng, thay vì chạy đua sản lượng, Việt Nam cần tập trung vào chất lượng, truy xuất nguồn gốc và câu chuyện thương hiệu. Việc xây dựng mã số vùng trồng và áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý chuỗi cung ứng sẽ giúp các sản phẩm trái cây Việt Nam cạnh tranh hiệu quả hơn với Thái Lan, Philippines và Brazil.

Nâng tầm tỷ đô

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho rằng trong ngành hàng rau quả, chanh leo, dứa, dừa và chuối đang có năng lực cạnh tranh, sản xuất và nhu cầu thị trường tiềm năng.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, tổng diện tích canh tác 4 loại trái cây trên hiện đạt khoảng 420.000ha với sản lượng trên 6,3 triệu tấn, cho thấy nguồn lực sản xuất dồi dào. Nhu cầu thị trường đối với các mặt hàng này cũng rất lớn, thậm chí nhiều doanh nghiệp phản ánh không đủ nguồn cung để đáp ứng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng chỉ ra những con số cần suy ngẫm. Mặc dù dừa đã đạt kim ngạch xuất khẩu 1,1 tỷ USD vào năm 2024, thuộc top 7 mặt hàng nông sản chủ lực, nhưng chuối mới đạt 380 triệu USD, chanh leo 222 triệu USD và dứa thậm chí chưa đến 50 triệu USD.

"Điều này cho thấy chúng ta, từ góc độ Nhà nước, HTX, người trồng… còn rất nhiều việc phải làm để đưa các mặt hàng này lên tầm tỷ đô, có thể là vào năm 2026 hoặc 2027", Thứ trưởng nói.

Đặc biệt, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã đưa ra một gợi mở quan trọng: một "cuộc cách mạng công nghệ" cho 4 mặt hàng trái cây chủ lực này". Đây có thể là điểm khởi đầu cho một chương trình lớn. Nếu các hiệp hội đồng ý, chúng ta có thể cùng nhau xem xét để thúc đẩy các mặt hàng này sớm trở thành mặt hàng tỷ đô la", lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường chia sẻ.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, cả 4 mặt hàng đều có lợi thế tuyệt đối hoặc tương đối, nhưng đang đối diện với các thách thức giống nhau: bộ giống còn đơn điệu, thiếu giống tốt, giống chống chịu với các loài sâu bệnh hại quan trọng, thiếu vùng nguyên liệu đạt chuẩn, liên kết rời rạc, tỷ lệ chế biến thấp, thiếu thương hiệu quốc gia, và thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Công tác truy xuất nguồn gốc vẫn gặp vướng mắc, đặc biệt là trong bảo hộ giống cây trồng.

Trong bối cảnh đó, Nghị định số 88/2025/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 193/2025/QH15 đã tháo gỡ nhiều rào cản, mở ra cơ hội đột phá trong nghiên cứu giống mới. "Đây là thời điểm các viện, trường cần tập trung cải tiến và đa dạng hóa nguồn giống, trong khi doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư, chủ động liên kết trong quá trình sản xuất giống", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói và nhấn mạnh vai trò của các hiệp hội trong việc xây dựng các vùng nguyên liệu.

Theo Thứ trưởng, hiện nay, việc phân cấp cho các vùng địa phương theo Nghị định số 145/2025/NĐ‑CP đặt ra 17 nhiệm vụ cho từng xã về vùng nguyên liệu, cấp mã số vùng trồng. Đây là cơ sở quan trọng để địa phương chủ động phối hợp với doanh nghiệp và hợp tác xã trong quản lý và phát triển vùng trồng một cách bài bản, hiệu quả.

"Riêng với vùng nguyên liệu, yếu tố then chốt để truy xuất nguồn gốc và tiếp cận các thị trường khó tính, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với hợp tác xã để xây dựng mô hình liên kết chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra. Việc cung cấp giống, phân bón đến bao tiêu sản phẩm không chỉ đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định.

  • Xuất khẩu nông sản tăng mạnh

    Xuất khẩu nông sản tăng mạnh

    Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu 14,32 tỷ USD; xuất siêu 4,74 tỷ USD, tăng 71,5%, theo số liệu của Bộ NN&PTNT.

  • Khởi công nhà máy chế biến nông sản lớn nhất miền Tây

    Khởi công nhà máy chế biến nông sản lớn nhất miền Tây

    Sáng 27/9, tại Khu Công nghiệp Sông Hậu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), Tổ hợp Nhà máy Chế biến Nông sản Thực phẩm Hậu Giang đã chính thức khởi công. Đây được xem là một trong những nhà máy chế biến nông sản lớn nhất miền Tây.

  • Tìm chỗ đứng cho nông sản Việt

    Tìm chỗ đứng cho nông sản Việt

    CafeLand - Trước đây, một bác sĩ Đông Y từng chia sẻ với tôi kinh nghiệm trị bệnh khá độc đáo, đó là nếu bị rắn cắn ở trong rừng thì cứ nhắm mắt lại đi lùi ba bước đưa tay bứt một nhúm lá bất kỳ ven đường rồi vò nát đắp vào vết thương sẽ là phương thuốc giải độc hữu hiệu.

Đỗ Hương
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.