ThS. Trần Hương Giang

ThS. Trần Hương Giang
Thạc sỹ Chính sách công (MPP) Đại học Fulbright Việt Nam

Tìm chỗ đứng cho nông sản Việt

05/09/2020 9:30 AM
ThS. Trần Hương Giang ThS. Trần Hương Giang
CafeLand - Trước đây, một bác sĩ Đông Y từng chia sẻ với tôi kinh nghiệm trị bệnh khá độc đáo, đó là nếu bị rắn cắn ở trong rừng thì cứ nhắm mắt lại đi lùi ba bước đưa tay bứt một nhúm lá bất kỳ ven đường rồi vò nát đắp vào vết thương sẽ là phương thuốc giải độc hữu hiệu.

Lý giải nguyên nhân cho câu chuyện đó, anh cho rằng bất cứ nơi nào cũng vậy, những loại thực vật hay động vật tồn tại và tăng trưởng ở vùng đất đó sẽ tự động tạo ra những kháng thể chống lại độc tố và mang những dưỡng chất giúp phát huy ưu điểm phù hợp điều kiện thổ nhưỡng.

Gần đây, tôi tình cờ đọc nguyên lý này trên một cuốn sách nhưng được trình bày theo một cách nhìn khác hơn khi cho rằng người dân sống ở vùng đất nào nên ăn thực phẩm được nuôi trồng ở nơi đó. Đây là một phương thức chăm sóc sức khỏe tự nhiên và hữu hiệu nhưng ít được lưu ý. Vũ trụ xung quanh chúng ta luôn được tuần hoàn theo một nguyên lý tương sinh, tương khắc rất đặc biệt và nếu hiểu được dòng chảy của trời đất, con người chắc chắn sẽ biết chọn cho mình một cách sống thuận thiên bền vững.

Tuy nhiên, dường như xuất phát từ việc thiếu niềm tin vào thực phẩm sản xuất trong nước và thu nhập ngày càng tăng cao trong đại bộ phận các hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu trở lên, người Việt ngày càng tăng tiêu dùng nhập khẩu, đặc biệt là đối với nông sản. Ở một đất nước mà nông nghiệp vốn là thế mạnh và niềm tự hào của người dân thì việc thị trường nội địa bị chiếm lĩnh bởi hàng ngoại nhập là điều rất cần phải suy ngẫm.

Có một thực trạng thoạt nhìn cảm thấy rất nghịch lý nhưng lại đang thường xuyên xảy ra ở thị trường nông thôn, đó là trong khi nông dân khó tìm kiếm được đầu ra cho rau củ quả tại vườn thì các mặt hàng nông sản được bày bán tại các trung tâm thương mại, thậm chí là ở những khu chợ dân sinh lại là mặt hàng nhập khẩu từ nơi khác. Nông sản nội địa bị rẻ rúng khiến nghề nông là một công việc mang lại thu nhập thấp và khá bấp bênh.

Đa phần trong các cuộc họp thảo luận hướng đi cho nông sản và nông nghiệp, người ta thường quan tâm đến việc làm thế nào để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu rau củ quả Việt ra thế giới, đặc biệt là những thị trường lớn và uy tín, đây là một nội dung quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, vẫn còn đó một thị trường rất gần và tiềm năng đó là nội địa cũng cần được lưu tâm và khai thác như một hướng đi cho đầu ra của ngành.

Dân số Việt Nam gần 100 triệu người, thu nhập của người dân cũng đang được cải thiện cùng với sự ngày càng lớn mạnh của tầng lớp trung lưu, lẽ ra đây nên là tín hiệu đáng mừng cho ngành nông nghiệp vì sẽ góp phần giúp đầu ra nông sản được nâng cao, cải thiện doanh số và thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, sự thực là những ưu điểm của thị trường lại chưa đóng góp nhiều cho ngành nông nghiệp. Khi nghiên cứu về vấn đề này, tôi cho rằng có 3 nguyên nhân chính khiến nông sản Việt khó lòng đến với người Việt.

Thứ nhất, thị trường tiêu dùng nội địa sơ khởi ban đầu ở Việt Nam còn khá dễ dãi, nhu cầu mua hàng nông sản của các bà nội trợ ở những khu chợ dân sinh trước đây chủ yếu chạy theo sản phẩm có giá cả rẻ và hình thức đẹp mắt chứ chưa quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Một phần của thực trạng này cũng vì thị trường có hiện tượng thông tin bất cân xứng, bằng mắt thường người mua cũng rất khó nhận diện được đâu là nông sản sạch, đâu là những sản phẩm lạm dụng hóa chất không an toàn.

Ngày nay, khi thị trường tiêu dùng có sự phát triển, nhu cầu của người mua ngày càng nâng cao thì khâu sản xuất của ngành lại chưa thể thay đổi để đáp ứng. Khoảng cách lớn giữa sản xuất và tiêu dùng trong ngành rất khó được thu hẹp nếu không có một cú huých mạnh từ các chính sách Nhà Nước hướng đến các quy chuẩn quốc tế.

Thứ hai, hoạt động thương mại trung gian của ngành nông sản tuy phát triển mạnh về số lượng nhưng lại chủ yếu tồn tại dưới dạng sơ đẳng và thiếu chuyên nghiệp, trong đó hệ thống thương lái nhỏ lẻ chiếm 90% tỷ trọng thu mua đầu ra. Từ các tên gọi dân dã như “cò, sáo” để gọi giới trung gian mua bán nông sản từ vườn của người trồng đem đến tay người mua, hoạt động giao dịch này nở rộ nhưng lại thiếu một luật chơi chung và một tinh thần đạo đức kinh doanh đủ sức lan tỏa đến từng đối tượng. Đặc biệt, sự thiếu vắng vai trò kiểm soát chất lượng từ một nhân tố đủ uy tín và năng lực làm cho hoạt động thương mại ngành.

Cuối cùng, nguyên nhân khiến nông sản Việt khó nắm bắt cơ hội lại đến từ hệ thống logistics mà điểm nghẽn lớn nhất chính là sự yếu kém của hệ thống giao thông. Đồng bằng sông Cửu Long được mệnh danh là vựa nông sản lớn nhất của cả nước những đã rất nhiều năm không được chú trọng cải thiện giao thông đường bộ và đường thủy. Bất lợi này đang trực tiếp khiến chi phí vận chuyển ngành gia tăng dẫn đến giá thành nông sản khó cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, thời gian vận chuyển lâu do giao thông ách tắc đang khiến chất lượng các loại nông sản đi xuống khi độ tươi ngon không thể đảm bảo dù đoạn đường đến thị trường nội địa không xa, lẽ ra đây phải là thế mạnh của ngành nếu so với sản phẩm nhập khẩu với đoạn đường dịch chuyển xa hơn rất nhiều.

Trong giai đoạn ngành nông sản đang đối diện với những khó khăn từ thị trường đầu ra do tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại quốc tế, vẫn còn đó một cơ hội bằng vàng để điều chỉnh những vấn đề tồn tại qua nhiều năm khiến ngành khó phát triển. Một chính sách điều chỉnh hành vi trồng trọt của người nông dân thông qua các thể chế nghiêm minh và cơ chế tạo động cơ canh tác theo quy chuẩn an toàn sẽ giúp thay đổi chất lượng sản phẩm nông sản.

Trần Hương Giang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.