Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Giàu đã “đính chính” thông tin cấm kinh doanh vàng miếng

alt


Điều hành kinh tế-xã hội còn nặng về “chống” hơn “phòng”. Cải thiện tình hình cung ứng điện. Phải tìm được thị trường tốt và ổn định.


Ngày 26/3, Quốc hội thảo luận toàn thể tại Hội trường về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2010; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2011.


Các đại biểu cho rằng Chính phủ đã đạt được những thành tựu nhất định trong công tác điều hành năm 2010 nhưng kinh tế vĩ mô trong năm qua còn ẩn chứa nhiều vấn đề. Việc điều hành kinh tế của chúng ta bao năm qua cứ mãi lâm vào cảnh “có một thành tích lại phải đi kèm một khuyết điểm”. Hầu hết các giải pháp đều mang tính đối phó, nặng “chống” hơn “phòng”.


Tăng giá ảnh hưởng bữa cơm


Đại biểu Nguyễn Thị Loan (Hà Nội) cho rằng nếu chỉ nhìn vào những con số tăng trưởng là chưa đủ mà cần phải nhìn vào thực tế cuộc sống của dân. Tăng giá đã ảnh hưởng đến rất nhiều bữa cơm của các gia đình; doanh nghiệp nhỏ cũng khó khăn vì chính sách tiền tệ lúc thì thắt chặt, lúc thì thả lỏng nền cần quan tâm đến chất lượng tăng trưởng.


Nhìn nhận về nguyên nhân dẫn đến lạm phát, đa số các đại biểu đều chung ý kiến là công tác quản lý, điều hành vĩ mô còn nhiều bất cập. “Nếu năm ngoái chúng ta không ồ ạt đầu tư thì giờ đây chúng ta sẽ không phải chạy đua chống lạm phát” - đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) nói.


Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cũng băn khoăn: Tại sao trong khi lạm phát cao và chúng ta thắt chặt việc mua bán ngoại tệ, kinh doanh vàng miếng, cắt giảm đầu tư công… lại xảy ra chuyện cùng một thời điểm tăng giá điện, tăng giá xăng, chúng ta lại cho phép mua hàng ngàn ôtô tại một thời điểm, dẫn đến phải đi xếp hàng lấy ôtô như thời bao cấp.


Đại biểu Nguyễn Bá Thuyên (Lâm Đồng) thì chỉ thẳng: “Điều hành kinh tế của chúng ta vì sao cứ có một thành tích lại có một khuyết điểm? Ví như năm 2007, chúng ta có thành tích cao trong đầu tư, tăng trưởng, phát triển nhưng đến năm 2008 là lạm phát ngay. Sau đó chúng ta thắt chặt chính sách tiền tệ thì doanh nghiệp lại khó khăn, tăng trưởng chậm nên Chính phủ lại thả. Thả rồi cuối cùng lại dẫn đến lạm phát. Sau đó chúng ta lại thắt chặt, rồi lại thả để thúc đẩy tăng trưởng cao… Chúng ta cần phải chấm dứt ngay tình trạng này”.


Không điều chỉnh tổng mức đầu tư công


Các đại biểu cũng bàn thảo chung quanh việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về giải pháp chống lạm phát.


Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Giàu đã “đính chính” thông tin cấm kinh doanh vàng miếng, ông nói: Vừa rồi có nhiều ý kiến chúng ta can thiệp mạnh thị trường tự do, không đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc thu đổi ngoại tệ.


Tuy nhiên, theo chúng tôi hiện nay các ngân hàng đã đáp ứng nhu cầu của người dân. Về đầu cơ vàng, chúng ta tiến tới sẽ ban hành nghị định quản lý kinh doanh vàng, tiến tới quản lý chặt chẽ vàng miếng. Nghị quyết 11 cũng đã nói tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do và chúng tôi sẽ nghiên cứu để có lộ trình. Vì thế, nói cấm kinh doanh vàng miếng là không đúng.


Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng đây là những giải pháp rất tốt. Tuy nhiên, việc sắp xếp lại các công trình, cắt giảm chi tiêu hành chính… cần phải tính toán chứ không nên giảm theo kiểu được lợi năm này nhưng năm sau lại phải lĩnh hậu quả. Đặc biệt, giải pháp tình thế luôn luôn phải tính đến trung và dài hạn… Phải tránh tình trạng tăng trưởng rồi lại chặt chẽ; chặt chẽ rồi lại tăng trưởng.


Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, đầu tư công theo Nghị quyết 11 có nguồn từ ngân sách, nguồn từ trái phiếu chính phủ, chủ trương của Chính phủ là không điều chỉnh chỉ tiêu đầu tư công, tức tổng mức đầu tư gần 200.000 tỉ đồng là không đổi. Chúng ta chỉ cắt giảm đầu tư từ phía Nhà nước 10% và giảm đầu tư của doanh nghiệp nhà nước để tập trung cho những dự án có hiệu quả.

CafeLand - Theo PhapLuat
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland