Chính phủ đang đẩy mạnh chủ trương phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ngành công nghiệp thép Việt Nam đang có cơ hội lớn để thể hiện khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước và giảm thiểu phụ thuộc vào thép nhập khẩu.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD), tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm.
Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tạo ra thị trường xây dựng giá trị khoảng 33,5 tỷ USD.
Nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng 75,6 tỷ USD, trong đó sản xuất phương tiện, thiết bị 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác 24,3 tỷ USD).
Ông Trần Đình Long cam kết cung cấp 6 triệu tấn thép làm đường sắt tốc độ cao, rẻ hơn nhập khẩu
Mới đây, "vua thép" Trần Đình Long đã tuyên bố mạnh mẽ về năng lực cung cấp thép cho dự án quan trọng này.
Theo ước tính của các đơn vị tư vấn, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ cần tới 6 triệu tấn thép các loại. Đây là một khối lượng khổng lồ mà không phải quốc gia nào cũng có khả năng đáp ứng, nhất là với yêu cầu chất lượng khắt khe và tiến độ thời gian chặt chẽ.
Ông Long khẳng định Hòa Phát cam kết 4 điểm chính: đảm bảo khối lượng thép theo yêu cầu; duy trì tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; đáp ứng đúng tiến độ giao hàng; mức giá cạnh tranh, thấp hơn so với thép nhập khẩu.
Hiện nay, công suất sản xuất của Hòa Phát là 8,5 triệu tấn thép mỗi năm. Khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 hoàn thành vào năm 2025, năng lực sản xuất thép thô của doanh nghiệp này sẽ vượt mốc 14 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng, một trong những sản phẩm có chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao như cơ khí chế tạo và xây dựng.
Ông Long nhấn mạnh rằng, Hòa Phát có khả năng sản xuất được thép ray đường sắt cao tốc, một sản phẩm phức tạp và đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt.
Trong 3 năm qua, nhà sản xuất thép này đã đầu tư vào nghiên cứu và phát triển dòng thép ray, tập trung vào các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ hệ thống đường sắt cao tốc.
Về mặt công nghệ, ông Long tiết lộ rằng Hòa Phát sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến từ nhóm G7 (bao gồm các quốc gia có nền công nghệ phát triển như Anh, Mỹ, Nhật Bản…) để đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn cao nhất.
Hòa Phát tham vọng sản xuất đường ray cho tàu cao tốc trong giai đoạn 2 của dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ông Trần Đình Long đã chia sẻ tham vọng sản xuất đường ray cho tàu cao tốc trong giai đoạn 2 của dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất. Dự án này tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi với công suất thiết kế 5,6 triệu tấn, tổng vốn đầu tư khoảng 85.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án Dung Quất 2 sẽ hoàn thành vào quý 1/2025 với công suất 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1. Nhà sản xuất này dự kiến sẽ mất khoảng 3 năm để công suất của Dung Quất 2 được vận hành đạt mức tối đa, qua đó nâng công suất thép thô lên hơn 14 triệu tấn/năm
Tính đến thời điểm tháng 9/2024, dự án Dung Quất 2 đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% phân kỳ 2. Dự kiến, phân kỳ 1 sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị dây chuyền sản xuất thép cuộn cán nóng vào giữa tháng 9/2024, sau đó nhà sản xuất này sẽ tiến hành chạy thử nguội, căn chỉnh thiết bị.
Hòa Phát cho biết, theo tiến độ hiện nay, phân kỳ 1 dự kiến sẽ có sản phẩm chạy thử nóng đầu tiên vào cuối năm và đi vào khai thác thương mại để ghi nhận doanh thu từ đầu quý 1/2025. Phân kỳ 2 hoàn thiện và hoạt động vào quý 4/2025.
Đây cũng là thời điểm mà Hòa Phát đẩy mạnh triển khai nghiên cứu và sản xuất những thanh ray đầu tiên để phục vụ cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Dự kiến đến năm 2028, Hòa Phát sẽ hoàn thành sản phẩm thép đường ray và sẵn sàng tham gia đấu thầu cung cấp cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Hiện tại, nhà sản xuất thép này đang khảo sát và đề xuất phương án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Phú Yên, với tổng vốn đầu tư dự kiến 86.000 tỷ đồng, tương đương dự án Dung Quất 2.
Nhà máy này có khả năng sản xuất các thanh ray dành cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, với chiều dài từ 50-100m, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đặc biệt cho dự án.
Với nhà máy này, thay vì vận chuyển qua đường bộ, các thanh ray này sẽ được vận chuyển trực tiếp bằng đường sắt, tạo kết nối cho việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Về kết quả sản xuất kinh doanh, trong quý 3/2024, Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần gần 34.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ 2023. Doanh thu 9 tháng đạt 105.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 75% kế hoạch đề ra.
Lợi nhuận của nhà sản xuất thép này cũng gia tăng nhờ cải thiện biên lợi nhuận. Hòa Phát lãi ròng tăng 51% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2024, tập đoàn báo lãi hơn 9.200 tỷ đồng, tăng 140%. Đóng góp chính vào kết quả này là thép và các sản phẩm liên quan với tỷ trọng 85%, còn lại là các mảng khác như nông nghiệp, điện lạnh, bất động sản khu công nghiệp.
-
Nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam rót hơn 52.500 tỉ vào dự án Dung Quất 2
Hòa Phát đã rót thêm vào dự án này gần 30.000 tỉ đồng, qua đó nâng tổng vốn đầu tư lũy kế đã giải ngân đến cuối quý 3/2024 lên 52.500 tỉ đồng.
-
Được Tập đoàn Hòa Phát đầu tư 85.000 tỷ đồng (hơn 3 tỷ USD), dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã đạt tiến độ khoảng 50% khối lượng công việc, dự kiến đi vào hoạt động từ quý 1/2025.
-
Doanh nghiệp lọc dầu tỷ đô duy nhất do Việt Nam sở hữu chốt ngày lên sàn HoSE
HĐQT Công ty CP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR) quyết định sẽ đăng ký giao dịch lần đầu hơn 3,1 tỷ cổ phiếu BSR trên Sở Giao dịch Chứng TP.HCM (HoSE) từ ngày 17/1/2025.
-
Trung tâm lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại Quảng Ngãi: Vốn đầu tư dự kiến 16 - 20 tỷ USD, tạo ra 30.000 việc làm mới
Đến năm 2050, Trung tâm lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất sẽ trở thành trung tâm năng lượng hàng đầu khu vực Đông Nam Á, với tổng sản lượng đạt khoảng 25 triệu tấn dầu quy đổi, tạo ra hơn 30.000 việc làm mới....
-
Cổ phiếu một “ông lớn” tỷ USD sắp lên sàn HoSE
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa chấp thuận hồ sơ đăng ký niêm yết cho hơn 3,1 tỷ cổ phiếu BSR của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn.