Thực trạng buồn do...
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 982
nhà chung cư cũ 4 - 5 tầng do thành phố quản lý và 173 nhà chung cư, nhà
tập thể khác do Cty TNHH một thành viên đầu tư phát triển nhà và đô thị
(Bộ Quốc phòng) quản lý. Trong số đó có cả trăm khu nhà cần cải tạo,
nhưng thời điểm hiện tại gần như vẫn bất động. Trừ một số rất ít dự án
được hoàn thành, hiện có khoảng 10 dự án chung cư cũ trong tổng số 456
chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại được khởi công.
Trường hợp cải tạo khu tập thể (KTT)
Nguyễn Công Trứ được thường trực UBND TP cho phép là dự án thí điểm thực
hiện cải tạo từ năm 2002 để xây lại thành khu ở mới đồng bộ về hạ tầng
kỹ thuật và hạ tầng xã hội. KTT này có 14 khối nhà, nên dự án này được
phép làm kiểu cuốn chiếu. Tháng 4.2009, TP có Quyết định số 1.600 duyệt
cơ chế, chính sách làm căn cứ lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tạm cư
và tái định cư khi GPMB 2 khối nhà A1, A2 (ảnh) và phần diện tích quanh
nhà A1, A2 để thực hiện xây nhà N3 thuộc dự án cải tạo KTT cũ này.
Dù chủ đầu tư đã chuẩn bị các nhà tạm cư đủ cho 199 hộ ở nhà A1, A2 và
các hộ ở quanh 2 khối nhà này và phương án đền bù hỗ trợ là khá hơn
(diện tích tái định cư tối thiểu cũng gấp 2,1 lần diện tích cũ...). Tuy
nhiên, hiện còn 39 hộ chưa đồng thuận di dời với nhiều lý do. Trong đó,
theo báo cáo của chủ đầu tư gửi Sở Xây dựng thì có 19 hộ không chịu hợp
tác, 17 hộ đưa ra những yêu cầu ngoài cơ chế, chính sách đã được duyệt
của dự án như: Hỗ trợ thuê địa điểm kinh doanh 12 triệu đồng/tháng; đất
cơi nới gắn liền nhà ở được đền bù theo giá thị trường; kiốt không bắt
thăm mà phải sắp xếp theo vị trí căn hộ cũ; một số hộ nêu lý do chờ bán
căn hộ, nhưng đặt giá quá cao... Ngoài ra, có 3 hộ với lý do anh em
trong nhà không thống nhất nên cũng không chấp thuận bàn giao.
...né trách nhiệm?
Thấy sự việc không thể cứ chờ đợi thỏa thuận mãi với những đòi hỏi vô lý
của những hộ này, chính quyền quận và thành phố đã chuẩn bị cho phương
án cưỡng chế. Tuy nhiên, để “chắc ăn”, UBND TP giao cho Sở Xây dựng xin ý
kiến của Bộ Xây dựng về thẩm quyền thực hiện cưỡng chế di chuyển các hộ
dân. Về vấn đề này, ngày 21.10.2011, Bộ Xây dựng có công văn số 1737
trả lời Sở Xây dựng. Sau khi viện dẫn các điều khoản của Luật Nhà ở và
Quyết định số 26 ngày 2.11.2004 của Bộ Xây dựng, công văn số 1737 cho
rằng: “Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến nay đã có 158/199 hộ bàn giao
mặt bằng - đạt 79,3%. Căn cứ vào các quy định của pháp luật về nhà ở thì
việc ban hành và thực hiện quyết định cưỡng chế đối với các hộ gia
đình, cá nhân cố tình không bàn giao mặt bằng khi thực hiện dự án xây
dựng tại nhà A1, A2 KTT Nguyễn Công Trứ thuộc thẩm quyền của UBND quận
Hai Bà Trưng”.
Như vậy, theo luật định, thì thẩm quyền cưỡng chế này thuộc cấp quận,
nhưng TP cũng không ra quyết định cưỡng chế mà phải đi xin ý kiến của Bộ
Xây dựng thì dư luận thật khó hình dung. Và nếu cứ xin ý kiến kiểu này,
thì không chỉ hàng nghìn tỉ đồng của chủ đầu tư bị chôn vùi vào dự án
mà, cả nghìn hộ dân không thể yên tâm sống ở nhà tạm cư vì dù ở đó có
tốt chăng nữa, nhưng vẫn chỉ là tạm cư.
Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ đề cập đến một dự án điểm của TP,
nhưng vẫn thiếu sự kiên quyết của chính quyền khi có thể cưỡng chế thì
các dự án khác vẫn đang giậm chân tại chỗ cũng là chuyện dễ hiểu (chúng
tôi chưa đề cập đến các nguyên nhân khác, mà chỉ đề cập đến trách nhiệm
của chính quyền). Và điều cần lưu ý là, đã từng có chủ đầu tư quá sốt
ruột đã phải rào khu chung cư lại (mà không xin phép chính quyền) để gây
sức ép với dân, hậu quả tất nhiên là gây mất trật tự an ninh. Mặt khác,
một số ít hộ cho rằng cứ trây ỳ thì sẽ được đền bù nhiều hơn, còn nếu
không cũng chẳng mất gì. Và còn như vậy thì công cuộc cải tạo chung cư
cũ sẽ còn ì ạch.