29/12/2016 7:55 AM
Từ năm 1997 đến nay, Hà Nội xây dựng, cải tạo lại được khoảng 1% trong tổng số hơn 1500 chung cư cũ trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, chính quyền thành phố Hà Nội có sự quan tâm đặc biệt đến công tác cải tạo các chung cư cũ, nguy hiểm trên địa bàn, tạo ra cơ chế thông thoáng hơn nhằm gỡ nút thắt là mâu thuẫn lợi ích giữa các bên: Nhà nước, chủ đầu tư, người dân ở chung cư cũ.
Một góc khu tập thể Thành Công
Nhiều giải pháp đã được đưa ra, song thực tế vẫn chưa có thêm dự án cải tạo chung cư cũ nào được triển khai, còn người dân vẫn phải ở trong những khu nhà... chờ sập. Nếu cứ tiến độ này, thì con số gần 1% số chung cư cũ được cải tạo sau gần 20 năm vẫn là bài toán khó có đột phá mạnh mẽ.
Đầu năm 2016, vấn đề cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội lại làm “nóng” dư luận khi UBND thành phố Hà Nội công bố kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm của 42 chung cư cũ, trong đó có 2 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ D cần phải di dời dân khẩn cấp.
Theo bà Lê Thị Thanh, ở nhà A1 Giảng Võ, quận Ba Đình, cư dân các chung cư cũ vẫn đang mòn mỏi đợi chờ được tái định cư. "Gần đây có mấy chung cư cũng được xây dựng lại, trong đó có nhà C7 và nhà B6. Nhà C7 kéo dài đã gần chục năm, nhà B6 cùng thời điểm với nhà C7 đến bây giờ vẫn nằm im. Cho nên người dân rất lo sợ và hoang mang, sợ là khi đã đi tạm cư thì không biết đến bao giờ mới được tái định cư", bà Thanh chia sẻ.
Từ năm 1997 đến nay, Hà Nội xây dựng, cải tạo lại được khoảng 1% trong tổng số hơn 1500 chung cư cũ trên địa bàn. Hầu hết các dự án đã và đang triển khai không thể thực hiện đúng tiến độ, thậm chí có dự án khởi công cả chục năm vẫn "giậm chân tại chỗ".
Nhận thấy mấu chốt của vấn đề này vẫn là mâu thuẫn về lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quy chế cho phép tăng chiều cao các công trình xây dựng lại chung cư, tập thể cũ. Thay vì quy định trước đây chỉ được xây tối đa 9 tầng, nay các dự án được tăng chiều cao xây dựng đến 25 tầng tùy từng khu vực.
Tại Hội nghị Hợp tác đầu tư và phát triển của thành phố Hà Nội diễn ra ngày 4/6/2016, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố đã công bố 10 dự án kêu gọi đầu tư, lập kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo đồng bộ chung cư cũ, với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới gần 317 nghìn tỷ đồng (đợt 1). Những động thái tích cực này cho thấy quyết tâm của thành phố Hà Nội nhằm đẩy nhanh quá trình cải tạo các khu chung cư cũ một cách đồng bộ, hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP Invest), một trong những vấn đề vẫn lúng túng hiện nay là không có hướng dẫn khung để các địa phương và doanh nghiệp có cơ sở áp dụng. Trong đó, khó nhất là hệ số đền bù, chủ đầu tư phải tự thương lượng, trong khi để có được hệ số đền bù thích hợp lại phải trên cơ sở đã biết chính xác được quy hoạch cho phép dự án đó cao bao nhiêu tầng.
Đánh giá các cơ chế chính sách về cải tạo chung cư cũ hiện nay của Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng đã khá thông thoáng, nhưng vẫn chưa tạo được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Vai trò của Nhà nước, nhà đầu tư, người dân vẫn chưa thực sự rõ ràng, việc phát huy vai trò của người dân ở các khu chung cư cũ vẫn chỉ nói nhiều nhưng chưa làm được.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã giao cho 19 nhà đầu tư lập quy hoạch đối với 19 khu, cụm chung cư cũ có nhiều tòa nhà. Mục tiêu là cải tạo toàn diện các khu chung cư cũ này trở thành những khu đô thị hiện đại, có thể cho nâng chiều cao theo tiêu chuẩn quy chế nhà nội đô thành phố đã công bố, đồng thời giảm mật độ, tăng các diện tích liên quan đến trường học, giao thông, đỗ xe, cây xanh, khu vui chơi giải trí cho người dân. Sau 6 tháng, các đơn vị này mới thiết kế xong, sau đó thành phố sẽ thẩm định, phê duyệt.
Chưa biết đến bao giờ tỷ lệ gần 1% cải tạo chung cư cũ của Hà Nội mới tăng lên. Trong khi đó, dự án nhà B6 Giảng Võ ì ạch hơn 11 năm trời, mới đây lại bị đình chỉ thi công vì chưa có giấy phép xây dựng. Bao giờ Hà Nội sẽ có thêm một dự án cải tạo chung cư cũ hoàn thành? Điều này đòi hỏi quyết tâm rất lớn của chính quyền các cấp thành phố Hà Nội cũng như trách nhiệm của các nhà đầu tư khi được lựa chọn thực hiện dự án cải tạo chung cư cũ./.
Lưu Huyền (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.