Năm 2009, chủ đầu tư dự án phối hợp UBND quận Hai Bà Trưng đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân sinh sống tại khu nhà A1 và A2 - hai tòa nhà nằm trong diện nguy hiểm nhất, để xây dựng chung cư cao tầng N3. Sau rất nhiều đợt tuyên truyền, vận động, đã có 160 hộ (trong tổng số 199 hộ) nhận tiền bồi thường và bàn giao căn hộ cho chủ đầu tư, chuyển đến tạm cư tại khu tái định cư Vĩnh Hoàng, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai). 39 hộ dân còn lại, do chưa đồng thuận với phương án đền bù giải phóng mặt bằng, vẫn kiên quyết ở lại. Chính vì vậy, việc giải phóng mặt bằng nhà A1, A2 vẫn dang dở. Hiện, hai tòa nhà đang là một công trường ngổn ngang gạch, đá và rác thải. Do đó dự án với 15 khu nhà cần cải tạo, xây mới trên diện tích 340.000 m2 này vẫn chưa có mặt bằng sạch để thi công.
Tình cảnh này diễn ra gần ba năm nay, nhưng các bên liên quan vẫn chưa tìm được hướng xử lý, tháo gỡ những vướng mắc này. Tại cuộc họp gần đây về công tác giải phóng mặt bằng của dự án, các đơn vị vẫn có những quan điểm khác nhau về vấn đề trên. Ðại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, UBND quận Hai Bà Trưng có thể căn cứ quyết định thu hồi đất của UBND thành phố Hà Nội để ra quyết định thu hồi đất đối với từng hộ gia đình theo Ðiều 44 Luật Ðất đai 2003. Nhưng đại diện UBND quận Hai Bà Trưng lại cho rằng, việc thu hồi các căn hộ rất khó khăn, chưa có tiền lệ, vì chính sách cải tạo chung cư cũ nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân được cải thiện chỗ ở, tái định cư tại chỗ, trên cơ sở đồng thuận. Hơn nữa, trong số các hộ dân chưa chịu di dời, có nhiều dạng sở hữu nhà khác nhau. Có hộ sở hữu nhà của Nhà nước, có hộ có "sổ đỏ", có hộ sử dụng nhà xây dựng trên đất lưu không... Vì vậy, việc quyết định thu hồi đất, thu hồi căn hộ rất phức tạp, cần có hướng dẫn của các ngành chức năng. Trước những vướng mắc này, UBND quận Hai Bà Trưng mới đây đã có công văn báo cáo UBND thành phố, đề nghị thành phố chỉ đạo các ngành chức năng ban hành những văn bản bảo đảm tính pháp lý, để quận có thể triển khai các khâu tiếp theo trong quá trình giải phóng mặt bằng, để khởi công dự án.
Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân của nhà A1, A2, mà còn ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân khác sinh sống trong các tòa nhà còn lại, vốn được xếp vào diện nguy hiểm, cần di dời khẩn cấp để cải tạo, xây mới... Ðể tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, thúc đẩy tiến độ các dự án cải tạo chung cư cũ, UBND thành phố cần chỉ đạo ngay các ngành chức năng giải quyết triệt để những bất cập, vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng. Mặt khác, chủ đầu tư và chính quyền địa phương cần tăng tính chủ động trong việc triển khai công việc, tránh để xảy ra tình trạng chung cư cũ trở thành "gánh nặng" mới trong công tác quản lý đô thị của thành phố.