15/08/2023 10:47 AM
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, việc tăng cường sử dụng xi măng trong xây dựng đường giao thông, nhất là đường giao thông ở khu vực các tỉnh phía Nam có thể giúp giải quyết được bài toán tiêu thụ loại vật liệu xây dựng này trong thời gian tới.

Vẫn còn nhiều thách thức

Theo ước tính mới nhất của Viện Vật liệu (Bộ Xây dựng), 6 tháng năm 2023, sản lượng sản xuất xi măng ước đạt 39 triệu tấn, giảm 7%; tiêu thụ đạt 43 triệu tấn, giảm 10% so cùng kỳ 2022, trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 29 triệu tấn, giảm 8% so cùng kỳ.

Nguyên nhân tiêu thụ nội địa giảm do cầu giảm, thị trường bất động sản đóng băng, đầu tư công giảm nhẹ so cùng kỳ; trong khi công suất thiết kế tăng, hiện tổng công suất toàn ngành đạt 120 triệu tấn. Ước tính, cả năm 2023 nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa chỉ đạt khoảng 65 triệu tấn, so với tổng công suất, lượng xi măng sản xuất ra dư thừa một nửa.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), thời gian qua tình hình tiêu thụ nội địa chậm, thị trường xuất khẩu xi măng của Việt Nam cũng không khả quan. Nhiều doanh nghiệp xi măng liên tục rơi vào tình trạng lỗ suốt nhiều quý.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán KIS Vietnam (Chứng khoán KIS) cho thấy, tổng doanh thu của 14 doanh nghiệp xi măng trên cả 3 sàn trong quý 2/2023 đạt hơn 5.500 tỷ đồng, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù lợi nhuận gộp trong giai đoạn này của toàn ngành đã trở lại vùng dương nhưng gần một nửa trong số 14 doanh nghiệp trong ngành vẫn báo lỗ trong quý 2 vừa qua.

Gần một nửa trong số 14 doanh nghiệp xi măng vẫn báo lỗ trong quý 2/2023

Đơn cử, Công ty CP Xi Măng Vicem Hà Tiên (mã chứng khoán HT1) công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với doanh thu thuần hợp nhất giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn gần 2.000 tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ xi măng trong quý giảm. Công ty báo lãi sau thuế ở mức 58,7 tỷ đồng, giảm gần 57% so với cùng kỳ năm trước.

Dù kết quả quý 2/2023 đã cải thiện so với mức lỗ kỷ lục trong quý đầu năm nhưng tính chung nửa đầu năm nay, Vicem Hà Tiên vẫn thua lỗ gần 27 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty CP Xi Măng Vicem Bỉm Sơn (mã chứng khoán BCC) ghi nhận doanh thu quý 2/2023 giảm hơn 21% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn hơn 890 tỷ đồng. Công ty báo lỗ sau thuế hơn 5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi gần 60 tỷ đồng.

Sau nửa đầu năm, Vicem Bỉm Sơn lỗ sau thuế hơn 52 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 130 tỷ đồng. Như vậy, đây đã là quý thứ 4 liên tiếp mà công ty này báo lỗ kể từ quý 3/2022.

Không ngoại lệ, Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn (mã chứng khoán BTS) báo cáo quý 2/2023 bị thua lỗ sau thuế hơn 17 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi hơn 29 tỷ đồng. Điều này khiến lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Vicem Bút Sơn bị lỗ sau thuế hơn 32 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 47 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân thua lỗ, Vicem Bút Sơn cho biết, 6 tháng đầu năm 2023 được đánh giá là giai đoạn khó khăn nhất với ngành xi măng từ trước đến nay. Nhu cầu xi măng thấp, suy thoái kinh tế, bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm...

Theo Chứng khoán KIS, sau quý 2, các doanh nghiệp xi măng đã hoàn thành khoảng 37-54% mục tiêu doanh thu và còn cách xa mục tiêu lợi nhuận của cả năm 2023.

Ngành xi măng trông chờ vào đầu tư công

Bước sang quý 3/2023, Chứng khoán KIS cho rằng nhu cầu tiêu thụ xi măng trên thị trường vẫn sẽ tiếp tục suy yếu khi mùa mưa đến. Tuy nhiên, hiện tượng El Nino có khả năng làm tăng số ngày khô hạn trong quý 3, điều này có thể cải thiện tình hình tiêu thụ xi măng của toàn ngành.

Đơn vị này dự phóng tổng sản lượng xi măng tiêu thụ trong quý 2/2023 sẽ đạt mức 23,8 triệu tấn, tăng 8% so với quý trước và đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thị trường xuất khẩu, kênh tiêu thụ này trong quý 2/2023 tiếp tục “ngấm đòn” lạm phát từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Philippines, khiến cả sản lượng lẫn trị giá xuất khẩu đều sụt giảm kỷ lục.

Sản lượng xuất khẩu trong quý 2 vừa qua chỉ đạt 7,8 triệu tấn, với kim ngạch 347 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc chỉ đạt 300.000 tấn, giảm tới 78% so với quý đầu năm 2023.

VNCA nhận định, xuất khẩu xi măng và clinker năm 2023 sẽ tiếp tục khó khăn khi nhu cầu xây dựng của thị trường chính là Trung Quốc vẫn trầm lắng. Mặc dù Trung Quốc đã mở cửa trở lại, nhưng thị trường bất động sản nước này chưa khởi sắc, dẫn tới xuất khẩu xi măng, clinker của nước ta gặp khó.

Việc tích cực sử dụng xi măng trong xây dựng đường giao thông có thể giúp ngành Xi măng giải quyết được bài toán tiêu thụ

Hiện tại, đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các đầu kéo tiêu dùng, xuất khẩu chịu ảnh hưởng do áp lực lạm phát, tỷ giá tăng và kinh tế toàn cầu biến động.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%. Ngoài ra, việc tập trung đẩy mạnh đầu tư công cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra các tác động lan tỏa đến nhiều nhóm ngành.

Trong đó, nhóm vật liệu xây dựng (đá xây dựng, xi măng, nhựa đường, thép) được hưởng lợi trực tiếp ngay sau giai đoạn giải phóng mặt bằng, bước vào triển khai dự án, cho đến khi hoàn thành hoạt động xây dựng dự án.

Để gỡ khó cho ngành xi măng, VNCA đề xuất tháo gỡ điểm nghẽn đầu ra bằng cách tăng cường xây dựng nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, khu đô thị, đường giao thông…, nhất là đường giao thông ở khu vực các tỉnh phía Nam để vừa tạo đầu ra cho sản phẩm, vừa có hạ tầng thuận lợi.

Trước mắt, các doanh nghiệp xi măng nên tìm cách phát triển sản phẩm mới và cải tiến để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nhằm thu hút được nhiều khách hàng hơn, tăng doanh số bán hàng.

Việc tìm mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới, bao gồm cả thị trường xuất khẩu cũng là một trong những giải pháp quan trọng. Điều này giúp doanh nghiệp tăng doanh số và giảm thiểu tác động của sự dư thừa sản lượng trong nước.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.