Ngày 16/8, rất đông người đã tập trung trước cửa công trình 8B Lê Trực yêu cầu chủ đầu tư trả nhà.
Bà Nguyễn Thị Hồng Xuân, đại diện những người dân mua nhà ở đây ngậm ngùi chia sẻ: “Gia đình tôi đã bán căn nhà cũ cộng với số tiền dành dụm cả đời để mua căn hộ ở dự án 8B Lê Trực. Đến nay, tiền tôi đã đóng hết, nhà tôi cũng đã hoàn thiện xong nhưng lại không được về để ở mà vẫn phải đi thuê nhà bên ngoài".
Đơn kiến nghị của bà Xuân
Bà Xuân nêu tiếp quan điểm:" Người dân chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư khắc phục dứt điểm những sai phạm để bàn giao nhà cho cư dân, đồng thời xin các cấp, ban, ngành thúc đẩy nhanh quá trình phá dỡ phần vi phạm tạo điều kiện cho người dân nhận nhà ở an toàn và sớm nhất".
Trong khi đó, ông Hải Đường- chủ căn hộ 1006 bức xúc: " Vợ chồng tôi khó khăn lắm mới vay mượn được ngân hàng để mua nhà. Việc phá dỡ giai đoạn 1 đã hoàn thành cách đây gần 1 năm nhưng chúng tôi vẫn chưa được vào ở trong chính ngôi nhà của mình ".
Các hộ dân căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả nhà hoặc phải trả tiền
Đồng quan điểm trên, ông Trịnh Bá Linh - thương binh hạng 2/4 bày tỏ: Tiền bạc công sức chúng tôi để ở đây gần 2 năm trời mà không được sinh lời và không biết đến khi nào chúng tôi mới được dọn về để ở. Nếu tính bài toán kinh thế như vậy là người dân chúng tôi bị thiệt hại rất nhiều, đó là chưa kể đến việc hàng tháng tôi phải đi thuê nhà tạm bợ bên ngoài sinh sống".
Ông Trịnh Bá Linh- Cư dân tòa nhà nhà 8B Lê Trực- Ba Đình- Hà Nội
Còn bà Dương Thu Nga - chủ căn hộ 1802 cũng không dấu nổi sự bức xúc lên tiếng: "Tôi đã đóng tiền cho chủ đầu tư hơn 90% giá trị căn hộ với cam kết nhận và vào cuối năm, thế nhưng xảy ra sự việc vào tháng 3/2016 thì tòa nhà bị phá dỡ phần sai phạm vì xây dựng sai phép. Ai sai thì xử lý người đó chứ đừng bắt những người dân chúng tôi phải chịu."
Nói về vấn đề này, ông Chu Quốc Thái - Trưởng ban quản lý tòa nhà 8B Lê Trực cho hay: "Chúng tôi đã bàn giao nhà cho dân từ năm 2015 và cũng rất mong muốn chính quyền tạo điều kiện cho dân được vào ở. Ai sai thì xử lý người đó, chứ dân hoàn toàn vô tội.".
Trước đó, sáng cùng ngày, tại phiên chất vấn bộ trưởng Bộ Xây dựng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã lên tiếng nhận trách nhiệm cá nhân trong việc chậm xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực.
Theo Chủ tịch Hà Nội, việc chậm trễ xử lý là do liên quan đến độ an toàn của công trình này.
Ông Chung thông tin hiện thành phố đang trình Bộ Xây dựng thẩm định phương án kỹ thuật để phá dỡ phần sai phạm của tòa nhà nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người dân vào ở sau này.
- Theo quy định tại Nghị định số 121/2013 của Chính phủ về một số quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình xây dựng sai phép, không phép thì: hành vi xây dựng sai phép mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình.
Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Diệu Hiền (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.