Từ ngày 1/6, gói tái cấp vốn 30.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ chính thức được thực hiện. Nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc có dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội sẽ là đối tượng được tiếp cận với nguồn tín dụng hỗ trợ này.
Gói 30.000 tỷ đồng sẽ dành ra 9.000 tỷ đồng hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà thương mại chuyển đổi sang nhà xã hội - Ảnh: Hoài Nam
Nhiều doanh nghiệp e ngại, gói hỗ trợ này sẽ chảy vào “túi” của các doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước hiện đang triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội như HUD, Vinaconex, Viglacera. Tuy nhiên, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, các doanh nghiệp trên là đối tượng được tiếp cận vốn từ gói hỗ trợ, nhưng mỗi doanh nghiệp cũng chỉ được vay khoảng vài trăm tỷ đồng, tổng cộng cũng chỉ tầm 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% trong số 9.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp, phần còn lại là các doanh nghiệp khác.
“Nếu so với hàng loạt dự án nhà ở xã hội mà các doanh nghiệp này đang thực hiện, thì số vốn trên không thấm vào đâu. Tuy nhiên, đây là các doanh nghiệp mà Bộ quản lý, vì thế Bộ biết doanh nghiệp có sẵn quỹ đất sạch, có tiềm lực tài chính mạnh, nên “ép” họ làm trước, để tạo sự lan tỏa đến thị trường và các doanh nghiệp khác”, ông Nam nhấn mạnh.
Trong khi các “ông lớn” không đưa ý kiến về việc “chia” gói hỗ trợ thế nào, thì các doanh nghiệp cổ phần liên tiếp “đòi” quyền lợi.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Địa ốc Hoàng Quân đề xuất, các dự án ở các tỉnh, thành khác đáp ứng đủ yêu cầu diện tích dưới 70 m2/căn và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 phải được tiếp cận gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Ông Tuấn nêu ví dụ, tại Cần Thơ, nhà xây 1 trệt, 1 lầu, diện tích sử dụng khoảng 100 m2, giá khoảng 500 triệu đồng cũng cần được hưởng ưu đãi theo tinh thần của Nghị quyết 02.
Ngược lại với ông Tuấn, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành cho biết, nên tập trung hỗ trợ người vay mua nhà để giải phóng hàng tồn, khơi thông thị trường. Đây chính là đối tượng cần sự hỗ trợ nhất.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh cho biết, ngay từ khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đang ở dạng dự thảo, với đối tượng ưu tiên là nhà ở xã hội, thì nhà ở thương mại giá hợp lý của Đất Xanh vẫn bán được hàng. Nay đối tượng được mở rộng thêm cho cả những người mua nhà ở thương mại dưới 70 m2 và có giá dưới 15 triệu đồng/m2 là điều kiện tốt cho các doanh nghiệp có thực lực và có sản phẩm phù hợp.
Ông Nguyễn Trần Nam cho biết, gói hỗ trợ chủ yếu tập trung hỗ trợ cho các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp cho nhà ở, mang ý nghĩa xã hội là chủ yếu, sau đó sẽ tạo sự lan tỏa, giúp các phân khúc khác của thị trường phục hồi. Đặc biệt là ở TP. HCM và Hà Nội, bởi đây chính là 2 thị trường chính, có lượng hàng tồn kho lớn nhất cả nước với khoảng 70.000 căn hộ. Hơn nữa, gói 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn, nên về nguyên tắc, Nhà nước phải bù một phần lãi suất. Do đó, các doanh nghiệp không thể “được voi, đòi tiên”.
Như vậy, việc quy định căn hộ dưới 70 m2 có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 là “nhắm” vào thị trường Hà Nội và TP. HCM. Còn nhà xây 2 tầng trên nền đất riêng có giá khoảng 500 triệu đồng/căn ở các tỉnh, thành khác như ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân đề xuất chắc chắn sẽ không thể là đối tượng được ưu tiên trong gói tái cấp vốn 30.000 tỷ đồng.
Tinh thần của Nghị quyết 02 là hỗ trợ thị trường bất động sản bằng cơ chế kích cầu phân khúc nhà giá thấp, ưu tiên các đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, chứ không phải “bơm” tiền vào doanh nghiệp để hình thành nên một dạng thị trường bất động sản mới từ cơ chế ưu đãi.