Trong bối cảnh tồn kho tăng cao, việc tích cực sử dụng xi măng trong xây dựng đường giao thông, nhất là đường giao thông ở khu vực các tỉnh phía Nam có thể giúp ngành xi măng giải quyết được bài toán tiêu thụ.

Tại tọa đàm “Thị trường vật liệu xây dựng - Những điểm nghẽn và giải pháp” diễn ra mới đây, ông Lê Quang Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết bất động sản là ngành kinh tế đầu tàu của hàng chục ngành sản xuất khác, nhưng nay nguồn cung mới, thanh khoản giảm mạnh khiến thị trường rơi vào tình trạng “đóng băng”

Không chỉ riêng bất động sản, ngành vật liệu xây dựng ăn theo bất động sản như xi măng, sắt thép… cũng đang lâm vào cảnh khó khăn vì tắc đầu ra.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), tiêu thụ xi măng, clinker nội địa và xuất khẩu năm 2022 đạt 100 triệu tấn, giảm 8,4 triệu tấn so với năm 2021. Trong 5 tháng đầu năm 2023, tiêu thụ mặt hàng này tiếp tục giảm, đạt khoảng 37,4 triệu tấn, trong khi chi phí sản xuất đầu vào ngành xi măng lại tăng theo giá năng lượng.

Tiêu thụ xi măng đang gặp khó ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu

Hiện tại, ngoài khó khăn do nhu cầu thị trường giảm thì ngành xi măng đang đối mặt với khó khăn về giá năng lượng, chi phí vận tải tăng, thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10% kể từ 1/1/2023.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chậm triển khai là nguyên nhân dẫn tới tiêu thụ xi măng giảm mạnh.

“Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp xi măng hiện nay là không tiêu thụ được sản phẩm do tắc đầu ra”, lãnh đạo VNCA nhấn mạnh.

Để gỡ khó cho ngành xi măng, VNCA cho rằng giải pháp hiện nay là cần tăng cường xây dựng nhà ở (nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân), khu đô thị. Tích cực sử dụng xi măng trong xây dựng đường giao thông, nhất là đường giao thông ở khu vực các tỉnh phía Nam để tạo đầu ra cho sản phẩm.

VNCA cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ xuất khẩu xi măng để điều tiết nguồn cung dư thừa, đồng thời thực hiện giảm hoặc tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clinker từ 5% lên 10%. Tạo điều kiện cho các nhà sản xuất sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế, tận dụng nhiệt thải lò nung phát điện để đạt mục tiêu kép vừa tránh giá năng lượng cao, vừa giải quyết rác thải.

Làm cầu cạn cao tốc sẽ tạo đầu ra cho 3 loại vật liệu đang thừa trong nước là xi măng, thép, bê tông

Ngoài ra, VNCA cũng đề xuất giải pháp thi công xây dựng các cầu cạn cho phát triển đường giao thông tại những vùng đất yếu, sình lầy. Đại diện hiệp hội này cho rằng, nếu chọn làm cầu cạn cao tốc sẽ tạo đầu ra cho 3 loại vật liệu đang thừa trong nước là xi măng, thép, bê tông. Điều này cũng góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành vật liệu trong nước.

Doanh nghiệp xi măng khó khăn hơn khi giá điện tăng

Từ đầu năm đến nay, thị trường xi măng trong nước vẫn gặp khó khăn do nhu cầu xi măng thấp, suy thoái kinh tế, bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục. Thêm vào đó, các công trình, dự án cũng chậm triển khai, thậm chí phải giãn, hoãn tiến độ do khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Tiêu thụ xi măng qua kênh dân dụng cũng rất chậm do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều hộ gia đình tạm thời hoãn xây dựng, sửa chữa nhà cửa.

Kênh xuất khẩu cũng không khả quan hơn. Hiện tại, tình hình tiêu thụ khó khăn tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Philippines… khiến sản lượng và kim ngạch xuất khẩu xi măng của Việt Nam sụt giảm kỷ lục. Trong 5 tháng đầu năm, các doanh nghiệp xi măng mới xuất bán được 13,65 triệu tấn với trị giá 590 triệu USD, giảm lần lượt 12% và 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài vấn đề tiêu thụ khó, chi phí sản xuất tăng cao, các doanh nghiệp xi măng còn phải đối mặt với tình trạng giá điện tăng, thiếu điện.

Cụ thể, từ ngày 4/5, giá bán lẻ điện bình quân tăng khoảng 3% so với giai đoạn trước, lên 1.920,3 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giá điện tăng 3% sẽ tác động đến các ngành nghề khác khoảng 0,18%. Trong đó, ngành sản xuất cần nhiều điện như xi măng thì làm tăng giá thành lên 0,45%.

Thông thường, khi chi phí sản xuất tăng, doanh nghiệp xi măng sẽ chuyển phần tăng vào giá bán, tuy nhiên trong bối cảnh nhu cầu thị trường suy yếu, doanh nghiệp vắng đơn hàng thì việc nâng giá bán sản phẩm là điều khó có thể thực hiện.

Theo VNCA, điện chiếm khoảng 20-30% chi phí sản xuất của doanh nghiệp xi măng, việc giá điện tăng 3% sẽ khiến giá thành nhích lên khoảng 0,6-0,9%. Trong bối cảnh ngành bất động sản, xây dựng ảm đạm, nhu cầu tiêu thụ xi măng yếu thì việc nâng giá bán lại càng khó khả thi với doanh nghiệp.

VNCA nhận định, hiện giá bán xi măng đang ở mức thấp nhưng vẫn rất ít người mua, nếu nâng giá thì câu chuyện tiêu thụ của doanh nghiệp sẽ càng khó hơn, các công ty buộc phải gồng mình qua giai đoạn thấp điểm này.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.