17/03/2016 7:42 AM
Người dân huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam bức xúc vì hàng ngàn sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sở hữu đất) đất lâm nghiệp bị các xã treo mấy năm nay.

Ông Võ Hưng chỉ nơi mảnh đất trồng rừng bị treo sổ đỏ mấy năm nay. Ảnh: Nam Cường

Ông Võ Hưng (thôn 4, xã Đại Tân, Đại Lộc) đã 80 tuổi nhưng vẫn nhiệt tình đi bộ đưa chúng tôi lên rừng, cách nhà hơn 2km. Khoảnh rừng trồng keo tràm của gia đình ông hơn 1 ha, đã được đo đạc từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ. Ông Hưng là một trong hàng ngàn người dân huyện Đại Lộc bị vô cớ treo sổ đỏ đất lâm nghiệp như thế.

Ông Hưng kể, khoảnh rừng gần 2 ha gia đình khai hoang từ đời cha ông, sau này ông dành gần 1 ha làm nghĩa trang gia tộc, số còn lại dùng để trồng keo tràm, bạch đàn. “Cách đây hơn 5 năm, có đoàn đo đạc của tỉnh, huyện và xã về thôn, họ kêu dân lên, thống kê hết những hộ có đất rừng. Sau đó, họ chủ động vào rừng đo đạc cụ thể”. Người dân xã Đại Hưng cho biết, cách đo đạc của địa chính lúc bấy giờ là hộ nào có đất thì dẫn cán bộ lên rừng, chỉ tay địa giới, báo cáo diện tích…, xong được ghi vào sổ. “Như gia đình tui, chỉ mấy cái cây làm mốc, họ dùng thiết bị bắn 4 góc, ghi vào sổ tứ cận là xong” - ông Hưng nói.

Được biết, hầu như toàn bộ xã Đại Hưng chưa người dân nào được cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp. Tình trạng trên xảy ra với các xã trên địa bàn huyện Đại Lộc. Với cách thức tương tự, hàng trăm thửa đất lâm nghiệp ở xã Đại Lãnh cũng được đo đạc, vào sổ rồi tiến hành thủ tục cấp sổ.

“Không thể cấp”, “không thấy báo cáo”

Theo lãnh đạo xã Đại Lãnh, việc đo đạc, cấp sổ đất lâm nghiệp được chính quyền tỉnh, huyện tiến hành đo từ những năm 2007, mãi đến năm 2013 mới ra sổ. Tuy nhiên, khi UBND xã nhận bàn giao sổ mới phát hiện ra vấn đề nên cho dừng lại, không cấp sổ cho dân mà báo cáo lên cấp trên. “Cái này là do quy hoạch 3 loại rừng vào đầu 2014 mới lòi ra vấn đề. Hầu như các sổ đỏ của dân đều dính đến đất rừng phòng hộ, đất mồ mả nên không thể cấp” - ông Nguyễn Quốc Thận - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết.

Được biết, hiện hơn 250 sổ đỏ đang nằm ở UBND xã Đại Lãnh mấy năm nay, trong khi người dân dài cổ ngóng chờ. “Chúng tôi có đất thực tế, canh tác mấy đời nay, đủ điều kiện cấp sổ và hỏi ra thì cũng có ở xã rồi nhưng không hiểu sao đến nay vẫn không được cấp. Con ốm đau, gia đình cần tiền…, muốn có cái bìa đỏ thế chấp ngân hàng cũng chịu. Rồi sau này, khi xảy ra tranh chấp lấy căn cứ nào để phân giải?” - ông Huỳnh Tấn L. (thôn Hà Dục Đông, Đại Lãnh) nói. Ông L. là một trong những người có diện tích lớn đất lâm nghiệp bị treo sổ.

Theo tìm hiểu, có gần 2.000 sổ đỏ đang tồn đọng ở các UBND xã trên địa bàn huyện Đại Lộc hiện chưa giao cho dân, trong đó 1.224 sổ thuộc dự án 1/10.000 và 973 sổ thuộc dự án KFW6 (dự án khôi phục và quản lý rừng bền vững).

Hàng ngàn sổ bị treo từ những năm 2012, nhưng đến tận đầu 2016, các ngành chức năng từ tỉnh xuống xã mới bắt đầu đi kiểm tra, thống kê lại. Ông Nguyễn Thành Tuấn - Phó phòng TN&MT huyện Đại Lộc (phụ trách đất đai) tỏ ra bất ngờ khi chúng tôi hỏi chuyện. “Chúng tôi không thấy ai báo cáo tắc ở chỗ nào cả”, ông nói. Tương tự, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Mai cũng chưa nắm được tình hình và nói sẽ kiểm tra lại rồi trả lời sau.

Nam Cường (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.