Thành ủy Hà Nội vừa có nghị quyết triển khai đường Vành đai 4 với hai phương án thiết kế. Hiện đã có bốn nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án này.

Hướng tuyến đường Vành đai 4 đi qua các tỉnh và TP. Hà Nội

Tuyến đường Vành đai 4 được chia làm 7 đoạn và có tổng chiều dài là 98km. Trong đó, đoạn trên địa bàn Hà Nội dài 54km, trên địa bàn Hưng Yên dài 23km, trên địa bàn Bắc Ninh 21km. Điểm đầu dự án là đoạn nút giao với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối đoạn giao với cao tốc Nội Bài - Hạ Long.

Tuyến có một đoạn đi trùng với QL18 và cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tuyến đường có mặt cắt ngang rộng 120 mét (bao gồm cả quỹ đất dự trữ và sử dụng cho hạ tầng kỹ thuật).

Về thiết kế, dự án có 2 phương án thiết kế kỹ thuật, gồm thiết kế tuyến đường đi bằng và thiết kế tuyến đường đi bằng kết hợp làn cao tốc đi trên cao với 4 làn xe.

Với phương án 1, đường Vành đai 4 sẽ được xây dựng với 6 làn xe cơ giới đô thị, 4 làn cao tốc chạy ở giữa và 2 bên là đường gom. Ngoài ra, theo phương án này, tuyến đường còn dành ra 20m cho đường sắt đô thị đi trên cao.

Với phương án 2, đường Vành đai 4 có 6 làn đường xe cơ giới, 4 làn đường cao tốc được thiết kế đi trên cao, hệ thống đường gom và đường sắt đô thị đi như phương án 1.

Về vốn đầu tư dự án, phương án 1 sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 105.000 tỉ đồng và theo phương án 2 cần khoảng 135.000 tỉ đồng.

Bốn nhà đầu tư đề xuất làm Vành đai 4 Hà Nội

Hiện tuyến đường Vành đai 4 đã có 4 nhà đầu tư đề xuất được thực hiện dự án theo từng phân đoạn.

Công ty CP Tập đoàn T&T (T&T Group) đề xuất đầu tư 2 đoạn, gồm từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến QL32 và từ QL32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với tổng mức đầu tư 16.200 tỉ đồng.

T&T Group gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Đỗ Quang Hiển (tức Bầu Hiển). Doanh nghiệp này là một tập đoàn đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực từ chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản, xây dựng hạ tầng đến năng lượng và nông nghiệp. T&T Group có một hệ thống 60 công ty con, công ty thành viên, công ty liên doanh, liên kết.

Năm 2020, T&T ghi nhận doanh thu hơn 10.500 tỉ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 178,6 tỉ đồng. Tổng tài sản là 31.000 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu khoảng 15.600 tỉ đồng.

Ở lĩnh vực bất động sản, T&T Group hiện là chủ đầu tư của nhiều dự án khắp cả nước với nhiều loại hình như căn hộ, nhà ở thương mại, khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp.

Tại Hà Nội, T&T đầu tư loạt dự án cao tầng và văn phòng cho thuê như T&T Riverside Hoàng Mai, T&T DC Complex - T&T Tower Hoàng Mai và các dự án văn phòng ở các vị trí đất vàng tại Hoàn Kiếm, Đống Đa.

Dự án T&T Riverview ở Hà Nội

Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, T&T Group có Khu du lịch sinh thái Tân Dân 117ha ở Thanh Hóa, 6 dự án nhà ở tại Nghệ An, tổ hợp dịch vụ - du lịch đô thị và sân Golf hồ Nghĩa Hy Cam Lộ có quy mô 800ha, dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng diện tích 140ha. Mới đây, T&T Group đề xuất dự án xây dựng cảng hàng không với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng ở Quảng Trị và loạt dự án ở Đăk Lăk, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng đề xuất loạt dự án đất nền, khu công nghiệp ở Long An, Cần Thơ và Đồng Tháp.

Ở mảng hạ tầng, T&T bắt tay với các đối tác nước ngoài đầu tư nhiều dự án quy mô lớn như dự án đường sắt đô thị số 3 tại Hà Nội với tổng giá trị đầu tư khoảng 1,4 tỉ Euro, dự án nâng cấp, mở rộng, vận hành và bảo trì sân vận động Hàng Đẫy với tổng giá trị đầu tư 250 triệu Euro.

Liên danh Công ty CP đầu tư xây dựng công trình giao thông Phương Thành (PhuongThanh Tranconsin) – Công ty PTHT Nguyên Minh đề xuất làm đoạn từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bao gồm cả cầu Mễ Sở, tổng kinh phí 9.800 tỉ đồng.

PhuongThanh Tranconsin tiền thân là Công ty Xây dựng và Dịch vụ giao thông vận tải, được thành lập ngày 15/11/1999 - doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải. Sau đó tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn nhà được và được đổi tên như hiện nay.

Doanh nghiệp này cũng tham gia các gói thầu trọng điểm quốc gia, các gói thầu quốc tế, thi công nhiều gói thầu đường cao tốc như Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Long Thành – Dầu Giây.

Dự án đầu tư nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ

Từ năm 2014, công ty này là nhà đầu tư, tham gia các dự án như đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, thi công các dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Quốc lộ 6 Lương Sơn - Hòa Bình.

Theo thông tin trên website, PhuongThanh Tranconsin hiện là chủ sở hữu 6 công ty thành viên gồm Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, Công ty TNHH một thành viên tư vấn xây dựng TCI, Công ty TNHH một thành viên khai thác mỏ Thuận Phát, Công ty CP giao thông 18, Công ty cổ phần Nguyên Minh và Công ty cổ phần giáo dục Poki Tân Á Châu.

Công ty CP tập đoàn Hoành Sơn đề xuất xây cầu Hồng Hà (Đông Anh) và đường dẫn 2 đầu cầu, tổng kinh phí là 8.800 tỉ đồng.

Doanh nghiệp này có trụ sở ở Hà Tĩnh hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực với 3 mảng sản xuất, kinh doanh chính: thương mại (kinh doanh xi măng, phân bón), vận tải hàng hóa trong và ngoài nước, sản xuất điện năng lượng mặt trời, cung cấp nước trong KKT Vũng Áng.

Công ty đã và đang triển khai 15 dự án trên phạm vi cả nước với tổng mức đầu tư trên 12.000 tỉ đồng. Trong số các dự án của doanh nghiệp này có dự án cấp nước cho KKT Vũng Áng (4.415 tỉ đồng), cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (1.410 tỉ đồng), dự án khu công nghiệp Cổng Khánh 2 (350 tỉ đồng), Nhà máy bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh (1.200 tỉ đồng) và một số dự án về khách sạn, điện gió tại các tỉnh thành trên cả nước.

Năm 2020, doanh nghiệp này ghi nhận mức mức tăng trưởng khá với doanh thu đạt gần 10.000 tỉ đồng (tăng 200% so với năm 2019).

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.