CafeLand - Bộ Xây dựng cho biết, căn hộ du lịch là một loại công trình xây dựng, nên việc mua bán cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản như các loại hình công trình khác.

Ảnh minh hoạ

Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời cử tri liên quan đến vấn đề quản lý căn hộ du lịch (condotel). Theo phản ánh của cử tri, hiện nay có tình trạng nhiều nhà đầu tư lợi dụng chính sách du lịch, thuê đất thương mại dịch vụ xây dựng căn hộ du lịch và chuyển nhượng cho các cá nhân để thu lợi. Từ đó, cử tri đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể đối với mô hình căn hộ du lịch và có biện pháp quản lý hiệu quả nhằm tránh thất thoát.

Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về căn hộ du lịch đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành tương đối đầy đủ.

Cụ thể, Luật Du lịch 2017 (Điều 3, Điều 48) và Nghị định số 168/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch (Điều 21) đã xác định căn hộ du lịch là một trong những loại hình cơ sở lưu trú du lịch, dùng cho mục đích du lịch, nghỉ dưỡng, lưu trú ngắn hạn và được quản lý sử dụng theo quy định của pháp luật về du lịch.

Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Nghị định số 76/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản không sử dụng khái niệm căn hộ du lịch mà sử dụng chung khái niệm nhà, công trình xây dựng (trong đó có căn hộ du lịch) và đã quy định cụ thể các nội dung liên quan đến loại hình bất động sản này, như: điều kiện đưa vào kinh doanh; nguyên tắc mua bán, cho thuê; mẫu hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua; quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc mua bán, thuê, thuê mua…

“Căn hộ du lịch là một loại công trình xây dựng nên việc kinh doanh, mua bán cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản như các loại hình công trình khác”, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Về hoạt động đầu tư, xây dựng các công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch cũng đã được điều chỉnh trong Luật Xây dựng và các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành một số quy chuẩn về xây dựng, như: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Nhà ở chung cư (QCVN 04:2019), trong đó có quy định đối với nhà chung cư hỗn hợp có bố trí căn hộ lưu trú (ban hành kèm theo Thông tư số 21/2019); Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng (QCVN 01:2019), trong đó có quy định về quy hoạch và tính toán chỉ tiêu dân số đối với loại công trình căn hộ du lịch (ban hành kèm theo Thông tư số 22/2019).

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã công bố Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 12873:2020) Căn hộ lưu trú – Yêu cầu chung về thiết kế.

Về việc quản lý vận hành, kinh doanh loại hình căn hộ du lịch, Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình cũng đã ban hành các quy định điều chỉnh.

Cụ thể, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02 năm 2016, Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư và Thông tư số 06 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó có nội dung quy định về quản lý, vận hành chung cư hỗn hợp.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Quyết định số 3720 năm 2019 về Quy chế quản lý, kinh doanh loại hình căn hộ du lịch và biệt thự du lịch.

"Về quyền sử dụng đất để đầu tư xây dựng căn hộ du lịch. Theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về đất đai thì công trình căn hộ du lịch không phải là nhà ở mà là công trình xây dựng phục vụ mục đích thương mại, dịch vụ", Bộ Xây dựng khẳng định.

Cũng theo Bộ Xây dựng, pháp luật đất đai và pháp luật kinh doanh bất động sản cũng đã có quy định cho phép các tổ chức, cá nhân được đầu tư xây dựng các công trình bất động sản, trong đó có căn hộ du lịch để bán, cho thuê, cho thuê mua trên đất được giao hoặc đất thuê.

Như vậy, đến nay liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh và quản lý căn hộ du lịch đều đã có các quy định để điều chỉnh.

Bộ Xây dựng cũng cho biết đã có nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc quản lý đầu tư xây dựng các dự án kinh doanh bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng (văn bản số 276/BXD-QLN ngày 20/01/2020, văn bản số 4308/BXD-HĐXD ngày 03/9/2020), trong đó đã yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ các dự án có nhu cầu chuyển đổi căn hộ du lịch, biệt thự du lịch sang nhà ở và xem xét thận trọng, thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, pháp luật quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng; đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất được duyệt cũng như phù hợp với tình hình thực tế của địa phương theo từng thời kỳ.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng khẳng định sẽ tiếp tục có những chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng.

Liên quan tới vấn đề này, trước đó, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD), Bộ Công Thương cũng đã đưa ra thông báo khuyến cáo chủ đầu tư và khách hàng về việc chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Cục này, thời gian vừa qua đơn vị nhận được nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của khách hàng mua căn hộ chung cư condotel (không hình thành đơn vị ở). Theo phản ánh, mục đích của việc ký kết hợp đồng mua bán căn hộ là đưa căn hộ tham gia vào chương trình cho thuê nhằm mục đích sinh lời thông qua việc ký hợp đồng hợp tác cho thuê căn hộ với bên bán, không phải nhằm mục đích sinh hoạt, tiêu dùng.

Theo Cục CT&BVNTD, trong trường hợp này các khách hàng mua căn hộ không phải là người tiêu dùng và không thuộc đối tượng áp dụng của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các tranh chấp phát sinh từ giao dịch này được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự.

Cục cũng khuyến cáo, đối với những chủ đầu tư có ý định chuyển đổi mục đích sử dụng từ căn hộ condotel sang căn hộ chung cư thông thường (nhằm mục đích ở, hình thành đơn vị ở), để đảm bảo việc chấp hành quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chủ đầu tư chỉ được giao kết hợp đồng mua bán nhà chung cư với khách hàng khi đã hoàn thành nghĩa vụ đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về nhà chung cư (bao gồm cả hồ sơ pháp lý) cho khách hàng trước khi giao kết hợp đồng.

  • Năm 2021 có nên đầu tư vào condotel?

    Năm 2021 có nên đầu tư vào condotel?

    CafeLand - Bất động sản nghỉ dưỡng là một trong những phân khúc thu hút đầu tư trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, trước những tác động của dịch Covid-19 lên ngành du lịch, cùng với câu chuyện cấp giấy chủ quyền “sổ đỏ” cho condotel, nhiều nhà đầu tư đang băn khoăn liệu có nên bỏ tiền vào phân khúc này nữa hay không?

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.