01/06/2023 11:34 AM
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết Quy chuẩn 06 do Bộ ban hành không có nội dung quy định về sơn chống cháy, bởi đây không phải vật liệu chuẩn hóa, không thể đưa vào quy chuẩn như một lựa chọn sẵn.

"Các nhà xưởng nguy cơ cháy cao, diện tích lên đến 25.000m2 hay hạng mục nguy cơ cháy nổ vừa phải, thấp, với diện tích không hạn chế cũng không cần bọc bảo vệ kết cấu thép", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình tại Quốc hội, chiều 31/5.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói về gỡ khó phòng cháy chữa cháy

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, đa số các nhà xưởng sản xuất hiện nay của Việt Nam đều thuộc diện không phải bọc bảo vệ kết cấu thép. Quy chuẩn cũng đưa ra nguyên tắc không hồi tố, nghĩa là công trình đã áp dụng quy chuẩn trong giai đoạn thiết kế được góp ý hoặc thẩm duyệt thì sử dụng quy chuẩn đó đến khi nghiệm thu, đưa vào sử dụng.

Các quy định về cấp nước chữa cháy như lưu lượng, áp suất, thời gian sẽ tùy thuộc vào quy mô, công năng của công trình. Quy chuẩn 06 không quy định nhà, công trình cụ thể nào phải trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy trong và ngoài nhà.

Ngoài ra, quy chuẩn cũng đã linh hoạt cho phép cảnh sát phòng cháy, chữa cháy có thẩm quyền hướng dẫn riêng các nội dung về cấp nước chữa cháy phù hợp với điều kiện cụ thể tại các địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, hiện có 9 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng cháy, chữa cháy; 28 tiêu chuẩn về phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn được biên soạn và ban hành bởi các Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ. Bộ Xây dựng không có chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền trong quản lý nhà nước hay thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm định, đào tạo và bồi dưỡng về phòng cháy, chữa cháy.

Với các công trình hiện hữu, Bộ Xây dựng và Công an đang phối hợp đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo an toàn tốt nhất về phòng cháy chữa cháy. Phân khúc nhà ở riêng lẻ từ 6 tầng trở xuống không áp dụng quy chuẩn an toàn cháy. Tuy nhiên, vướng mắc xảy ra khi nhà ở riêng lẻ chuyển sang mục đích sử dụng khác, không đảm bảo điều kiện về hạ tầng như giao thông, điện nước, cũng như tổ chức không gian kiến trúc. Những công trình này rất khó cải tạo để đáp ứng quy chuẩn.

"Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu để tiếp tục hoàn thiện. Hiện chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học công nghệ xây dựng rà soát tổng thể để xem xét sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn 06 phù hợp thực tiễn Việt Nam", ông Nghị nói.

Loại sơn chống cháy nào đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy?

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), hiện trên thị trường Việt Nam có nhiều sản phẩm chất, vật liệu bọc bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình.

Các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất như: Sơn chống cháy NTS-101 của CTCP Giải pháp công nghệ mới Việt Nam; Sơn chống cháy ICONER của Công ty TNHH Vật liệu tiên tiến DESAM; CTCP Kỹ Thuật và Thương Mại SBC Việt Nam (đã thực hiện thử nghiệm và xây dựng tập hợp số liệu phục vụ thiết kế).

Bên cạnh đó, một số sản phẩm nhập khẩu cũng đáp ứng được yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy như: Vữa chống cháy Isolatek Type M-II, vữa chống cháy Monokote Z-106/HY, sơn chống cháy CharFomax SH-100, ơn chống cháy Firemask SQ476, sơn chống cháy Steelmaster 60WB, Steelmaster 1200WFS.

Ngoài ra, các sản phẩm tấm ốp, vữa hay sơn chống cháy của Promat cũng đáp ứng yêu cầu về bảo đảm chống cháy, phù hợp sử dụng cho các công trình xây dựng, nhà xưởng tại Việt Nam.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.