Đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015 và quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2013 tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, với việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng trong 4 năm qua, chỉ số về năng lực hạ tầng giao thông của Việt Nam đã tăng 29 bậc theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới.
“Năm 2010, hạ tầng Việt Nam đứng thứ 103, năm 2012 đứng thứ 90, năm 2014 đứng thứ 74. Rõ ràng đây đã có sự kết hợp rất lớn giữa vốn ngân sách trái phiếu chính phủ vốn huy động xã hội hóa”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Hạ tầng giao thông Việt Nam thay đổi mạnh mẽ trong những năm qua.
Khẳng định tính hiệu quả của hình thức đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, từ trước tới nay, toàn bộ vốn ODA dành cho giao thông vận tải chỉ có 18 tỷ USD, nhưng riêng trong mấy năm vừa qua, ngành giao thông đã huy động được 180.000 tỷ đồng, tương đương 9 tỷ USD dành riêng cho đường bộ tương đương 50% vốn ODA từ trước tới nay.
“Rõ ràng nếu không dùng nguồn vốn đầu tư bằng hình thức BOT thì bộ mặt giao thông sẽ không thể có được như hiện nay. Khi hạ tầng giao thông được đầu tư tốt, thời gian lưu thông của các phương tiện giảm xuống sẽ kéo giảm nhiều chi phí khác, đảm bảo an toàn, đẩy lùi tai nạn giao thông”, Bộ trưởng nói.
Đánh giá tác động của chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông đối với tổng thể nền kinh tế, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, với việc đưa vào khai thác hàng nghìn km đường bộ, trong đó có 700 km đường cao tốc, các cây cầu có quy mô lớn, các cảng biển, sân bay bằng nguồn vốn đầu tư xã hội hóa đã làm thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông Việt Nam.
“Với sự đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đã góp phần tăng năng suất, tăng năng lực cạnh tranh kinh tế quốc tế, thực hiện được công tác tái đầu tư công, giảm áp lực nợ công nếu cứ dùng vốn ngân sách hoặc nguồn trái phiếu chính phủ”, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ rõ.
Điều đáng nói hiện nay, chủ trương xã hội hóa hạ tầng giao thông đang được các địa phương hết sức ủng hộ. Ngành giao thông huy động được nhiều nguồn vốn xã hội hóa do các nhà đầu tư đã chuyển hướng sang lĩnh vực giao thông khi thị trường bất động sản trầm lắng. Hơn nữa, việc đầu tư bằng hình thức BOT đảm bảo công khai minh bạch, ngân hàng, nhà đầu tư và cả người dân giám sát được nguồn tiền.
Trạm thu phí dưới 70 km không sai quy định
Cũng tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Đinh La Thăng thông tin, việc đặt trạm thu phí giao thông là hiện nay hoàn toàn đúng theo quy định tại Thông tư 159 của Bộ Tài chính, trong đó có ghi rõ, trạm thu phí phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Cụ thể, đối với những tuyến Quốc lộ trạm thu phí phải quy hoạch phù hợp với đường gắn với dự án, có quyết định thu phí của Bộ trưởng Bộ GTVT; Đối với những tuyến đường địa phương phải phù hợp với quy hoạch được gắn với dự án được HĐND cấp tỉnh quyết định. Văn bản ban hành quyết định lập trạm thu phí đường địa phương và quyết định thành lập trạm thu phí của UBND cấp tỉnh đồng thời gửi cho Bộ Tài chính và Bộ GTVT. Mức thu phí đối với các tuyến đường đều do Bộ Tài chính quyết định.
Trong trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí không thuộc quy hoạch, hoặc khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo 70 km trên cùng một tuyến đường thì trước khi xây dựng trạm thu phí Bộ GTVT thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh, Bộ Tài chính quyết định đối với đường Quốc lộ; UBND báo cáo HĐND tỉnh quyết định đối với đường địa phương.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, những thông tin cho rằng trạm thu phí phải đảm bảo đặt cách nhau từ 70 km trở lên, cứ dưới khoảng cách này là sai quy định như vậy là không đúng, Thông tư 159 của Bộ Tài chính đã quy định rất rõ về điều này./.