15/07/2021 8:28 AM
CafeLand – Nhiều người bỏ số tiền lớn mua đất nền nhưng không có kiến thức, thiếu kinh nghiệm và bị mờ mắt trước những chiêu trò cam kết lợi nhuận hấp dẫn đứng trước nguy cơ “tiền mất tật mang” khi mua phải những sản phẩm mập mờ pháp lý.

Rủi ro tiềm ẩn khi mua đất nền chưa rõ ràng pháp lý

Trên nhiều diễn đàn bất động sản đang lan truyền mạnh câu chuyện về hành trình đòi lại tiền đầy gian nan của anh Ngọc Anh – một nạn nhân mua đất phân lô khi chưa rõ ràng pháp lý.

Theo chia sẻ của Ngọc Anh, anh không phải là tay mơ lần đầu mua đất mà đã có kinh nghiệm với nhiều giao dịch thành công trước đó. Tuy nhiên, cũng chính vì quá tự tin nên dẫn đến sai lầm.

Lần đó, có một khu đất phân lô gần nhà Ngọc Anh đang rao bán nên anh qua khảo sát. Qua tìm hiểu, khu đất này chưa có quy hoạch 1/500 mà chỉ là bản vẽ phân lô tự làm nên Ngọc Anh quyết định không mua.

Tuy nhiên, những ngày sau đó, hình ảnh và những thông tin về khu đất này được cập nhật liên tục trên facebook. Có một số người Ngọc Anh quen biết và tin tưởng cũng đứng ra giới thiệu đầu tư vào dự án này, cam kết sẽ sớm ra sổ được.

Vì tin vào uy tín của những người trên, Ngọc Anh quyết đinh đặt cọc 30% để mua một nền đất. Ngày đến công ty làm hợp đồng thì anh lại càng bị thuyết phục hoàn toàn trước những cam kết “ngọt lùi” từ công ty mở bán.

Cụ thể, công ty cam kết lợi nhuận 1 triệu/m2 sau 3 tháng, sau đó nếu khách muốn bán công ty sẽ mua lại khoản chênh lệch đó; cam kết 150% nếu vi phạm hợp đồng; triển khai hạ tầng trong vòng 3 tháng.

“Lúc đó mình hoàn toàn bị cảm xúc chi phối. Những cam kết chắc nịch từ phía công ty đánh vào lòng tham khiến mình bị mất hết lý trí để xem xét các cơ sở liệu những cam kết này có khả thi hay không”, anh Anh thừa nhận.

Chỉ vài tháng sau, nhiều thông tin báo chí phản ánh khu đất trên là dự án ma, chưa đủ điều kiện để phân lô bán nền. Lúc đầu, Ngọc Anh liên hệ công ty thì vẫn nhận được những câu khẳng định chắc chắn rằng họ đang hoàn tất thủ tục để ra sổ. Tuy nhiên, thời gian sau đó không thấy công ty nói gì thêm.

Đứng trước nguy cơ mất tiền, Ngọc Anh vội tìm đến trụ sở công ty. Tới đây anh mới tá hoả khi phát hiện công ty đã đóng cửa, bảng hiệu tê công ty cũng được tháo xuống. Sau khi dò hỏi, Ngọc Anh biết được công ty này đã dời địa bàn đến một địa phương khác để tiếp tục phân lô bán nền ở đó. Tên gọi của công ty cũng bị thay đổi dù “ruột” bên trong vẫn là những người làm ở công ty cũ.

Ngọc Anh sau đó đã gửi đơn tố cáo đến nhiều cơ quan chức năng. May mắn của anh là có mối quan hệ tốt với công an từ phường đến tỉnh, toà án, luật sư…nên nhận được sự tư vấn và hỗ trợ rất nhiệt tình.

Trước áp lực từ những lá đơn tố cáo, sự khảo xét của công an nên phía công ty kia bắt đầu liên hệ với Ngọc Anh để thương thảo trả lại tiền. Công ty này cũng đang tiếp tục phân lô một khu đất lớn nên không muốn bị phanh phui “quá khứ” liền hạ giọng để trao đổi với Ngọc Anh với điều kiện rút đơn tố cáo.

Mặc dù vậy, Ngọc Anh cũng phải mất rất nhiều lần đi lại từ cơ quan chức năng đến công ty kia. Thậm chí, có nhiều lần anh đối diện nguy hiểm khi đến công ty đã có sẵn lực lượng dân anh chị xăm trổ đầy mình chờ sẵn “phục vụ”. Tuy nhiên, do lường trước được nên anh huy động người thân đi theo, cùng với đó là mối quan hệ tốt với cơ quan công an nên cuối cùng phía công ty kia cũng buộc phải “nhả tiền” lại cho anh.

“Đêm đó, mình nhìn số tiền lấy về mà lòng đầy suy nghĩ thay vì vui mừng, sau một khoảng thời gian tưởng như mất rồi, vì nó mà mình làm phiền biết bao nhiêu người, vì sự thiếu hiểu biết và nhẹ dạ cả tin, cộng thêm lòng tham. Mình may mắn lấy lại được tiền, nhưng vẫn còn rất nhiều người khác còn gian truân mịt mù để đòi lại đồng tiền mồ hôi nước mắt”, anh Anh nói.

Rất nhiều trường hợp đóng tiền tỉ mua đất nhưng cuối cùng "tiền mất tật mang"

Câu chuyện của Ngọc Anh là bài học chung của nhiều người mua đất nền hiện nay. Đặc biệt, tại các khu vực vùng ven tình trạng phân lô bán nền trái phép tràn lan khiến nhiều người sập bẫy. Khách hàng bỏ từ hàng trăm đến cả tỉ đồng để mua đất không rõ ràng pháp lý để rồi tự đẩy mình vào thế như “cá nằm trên thớt”.

Cuối tháng 5/2021, bà Bình (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) lọ mọ trên tay xấp hồ sơ dày cộm tìm đến chúng tôi nhờ lên tiếng giúp câu chuyện của bà. Người phụ nữ tuổi gần thất thập đã đóng toàn bộ hơn 500 triệu đồng là số tiền tiết kiệm cả đời cho một công ty bất động sản mà bà đã trao nhầm niềm tin.

Bà Bình kể, công ty bất động sản nọ giới thiệu rằng đang bán đất giá rẻ ở TP. Thủ Đức nên bà đi xem. Tuy nhiên, họ lại chở bà xuống tận huyện Trảng Bom, Đồng Nai rồi “ép” bà đặt cọc mua nền đất ở đây.

“Họ bảo không mua thì sẽ trả tiền lại, rồi còn cho bốc thăm trúng điện thoại xịn mấy chục triệu đồng”, bà Bình nói.

Khi về nhà bà suy nghĩ lại không muốn mua nữa nên liên hệ rút lại tiền cọc thì không được. Phía công ty thông báo nếu không mua thì sẽ mất tiền cọc, còn nếu đóng thêm thì sẽ sớm bán lại cho người khác để trả tiền cho bà.

Đâm lao thì phải theo lao, tiếc số tiền cọc nên bà Bình đã nhiều lần đóng thêm cho công ty nọ với mong muốn sớm lấy lại số tiền của mình. Tuy nhiên, những gì cụ bà 70 tuổi nhận lại vẫn chỉ là những lời hứa suông.

Bà Bình giờ đây đang phải cậy nhờ đến toà án để phân xử nhưng chẳng biết đến bao giờ vụ việc mới rõ nguồn trắng đen.

Ngọc Anh sau trải nghiệm để đời cũng rút ra bài học xương máu: “quan trọng nhất trong việc đầu tư, là phải tự mình trang bị kiến thức, tìm hiểu thật cặn kẽ. Nguyên tắc sống còn là thấy sổ thì mới mua, ngoài ra phải có người nắm thị trường để họ kiểm tra quy hoạch cho bạn cũng như tư vấn pháp lý của bất động sản tránh những sai lầm”.

Theo Luật sư Đàm Bảo Hoàng, Đoàn Luật sư TP.HCM, để tránh rủi ro khi mua bán đất hiện nay người dân có nhiều kênh thông tin để kiểm chứng về chủ đầu tư cũng như pháp lý khu đất. Cụ thể, có thể tìm hiểu thông tin qua internet, báo chí và trực tiếp đến cơ quan chính quyền ở nơi có khu đất để hỏi thông tin về quy hoạch, pháp lý.

Để biết được một chủ đầu tư có được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền hay không người mua cần phải kiểm tra lại các điều kiện sau : Phù hợp với yêu quy hoạch của cấp huyện; chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải; Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có);

  • Cách nhận biết dự án đất nền “ma” để không bị lừa đảo

    Cách nhận biết dự án đất nền “ma” để không bị lừa đảo

    CafeLand - Thời gian qua, cơ quan công an liên tục bắt giữ, truy cứu trách nhiệm hình sự nhiều người liên quan đến lừa đảo bán dự án đất nền “ma”. Điển hình là vụ Công ty Alibaba đã lừa đảo hơn 2.000 người ở nhiều tỉnh thành, chiếm đoạt cả nghìn tỷ đồng; mới đây, Giám đốc Công ty Tien Phong Land bị bắt với cáo buộc vẽ dự án “ma”, bán 29 nền đất tại Quận 9 TP. Hồ Chí Minh chiếm hơn 40 tỷ đồng.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.