Bản tham luận của Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính tại một hội thảo chiều ngày 28/8 với tựa đề “Nợ xấu từ góc nhìn của quản lý nhà nước” đã đưa ra một số thông điệp đáng chú ý về vấn đề xử lý nợ xấu hiện nay.

Các chuyên gia của Bộ Tài chính cho rằng, xử lý nợ xấu phải đi đôi với ngăn ngừa nợ xấu tiếp tục phát sinh. Nếu chỉ dừng lại ở việc xử lý mà thiếu ngăn ngừa, nợ xấu sẽ lại tích lũy và quy mô sẽ càng lớn.

Theo bản tham luận này, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ở nhiều quốc gia phải áp dụng và kết hợp nhiều giải pháp, nhiều mô hình công ty quản lý nợ khác nhau của cả Nhà nước và tư nhân để đảm bảo thành công trong công tác xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế là rất cần thiết nhưng những giải pháp đề ra cần tính đến đặc thù và điều kiện riêng có của Việt Nam để đảm bảo xử lý một cách hài hoà, hiệu quả, tránh gây sốc trong hệ thống doanh nghiệp, ngân hàng và toàn nền kinh tế.

Các chuyên gia của Bộ Tài chính cho rằng xử lý nợ xấu phải đi đôi với các biện pháp ngăn ngừa nợ xấu tiếp tục phát sinh. Nếu chỉ dừng lại ở việc xử lý nợ xấu mà không có giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, giảm thiểu rủi ro hoạt động của các ngân hàng thì sau một thời gian, nợ xấu sẽ lại tích lũy và quy mô sẽ ngày càng lớn.

“Trách nhiệm xử lý nợ xấu trước hết là của các tổ chức tín dụng và nguyên tắc xử lý nợ xấu phải thực hiện theo nguyên tắc thị trường, do các tổ chức tín dụng cho vay theo nguyên tắc thị trường. Theo đó, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng phải đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế”, tham luận viết.

Giải pháp hỗ trợ của nhà nước, vẫn theo bản tham luận này, chỉ thực hiện đối với số nợ xấu còn lại sau khi tổ chức tín dụng đã tự xử lý và theo nguyên tắc đảm bảo hài hòa hiệu quả kinh tế và xã hội.

“Về nguyên tắc, chỉ trong trường hợp nguy cấp, nợ xấu có thể đe dọa đến tính thanh khoản và sự an toàn của cả hệ thống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của nền kinh tế, và đòi hỏi phải cấp bách được xử lý ngay, trong khi các biện pháp xử lý hiện hành không cho phép các tổ chức tín dụng có thể xử lý kịp thời, thì nhà nước mới phải can thiệp trực tiếp”.

Với quan điểm đó, các chuyên gia của Bộ Tài chính cho rằng nhà nước hỗ trợ xử lý nợ xấu thông qua cơ chế, chính sách: tháo gỡ vướng mắc về pháp lý liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo, mua bán nợ...; hạn chế tối đa sử dụng nguồn tài chính của nhà nước để xử lý.

Để thị trường mua bán nợ hoạt động được đòi hỏi các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) của các ngân hàng thương mại phải hoạt động tích cực hơn và phải theo nguyên tắc thị trường, đồng thời khuôn khổ pháp lý cần quy định rõ luật chơi cho những người tham gia, cách xử lý tài sản đảm bảo và để thị trường vận hành, bản thân người mua và người bán phải có cơ chế làm việc với nhau.

Nhà nước cũng cần tăng cường năng lực cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) để tham gia tích cực vào quá trình xử lý nợ của các tổ chức tín dụng hiện nay.

“Kết quả hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu các doanh nghiệp cho thấy đây là hình thức xử lý nợ rất hiệu quả và đặc biệt thích hợp trong bối cảnh hiện nay của nền kinh tế, khi mà rất nhiều doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh với gánh nặng nợ phải trả rất lớn, và nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang gia tăng nhanh chóng. Việc xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp sẽ góp phần làm giảm bớt mức độ tiêu cực của khủng hoảng, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp trong nền kinh tế”, tham luận đề xuất.

Mối quan tâm của dư luận xung quanh việc thành lập một công ty mua bán nợ (AMC) quốc gia với số vốn ban đầu 100 ngàn tỷ đồng đã không thấy đề cập trong bản tham luận này.

Trước đó, đề xuất về việc thành lập một AMC quốc gia đã được công bố và nhận được nhiều ý kiến khác nhau và cho đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng; còn theo Ngân hàng Nhà nước thì hiện mới chỉ ở dạng nghiên cứu.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu năm 2009 khoảng 45 nghìn tỷ đồng chiếm tỷ lệ 2,5% tổng dư nợ; năm 2010 khoảng 38 nghìn tỷ đồng chiếm tỷ lệ 2,1%; năm 2011 khoảng 78 nghìn tỷ đồng chiếm 3,2%; đến tháng 3/2012 là 202 nghìn tỷ đồng chiếm 8,6% tổng dư nợ, theo số liệu công bố ngày 12/7/2012.

Theo Anh Minh (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.