Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phải chịu trách nhiệm chính đối với những vi phạm ở các dự án BOT do Bộ quyết định đầu tư. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm liên quan đến việc ban hành thông tư hướng dẫn việc thu phí (giá thu phí, vị trí đặt trạm và quy trình giám sát thu phí) chưa hợp lý.
Quy trách nhiệm cho các cơ quan quản lý
Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 437 về nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT. Nghị quyết khẳng định thực hiện chủ trương huy động nguồn lực xã hội, trong đó có hình thức họp đồng BOT là đúng đắn, giúp giảm bớt gánh nặng của ngân sách Nhà nước nhưng thực hiện còn nhiều hạn chế.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm chính đối với những hạn chế, vi phạm của các dự án do Bộ quyết định đầu tư. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm liên quan đến việc ban hành thông tư hướng dẫn việc thu phí (mức phí, vị trí đặt trạm thu phí, quy trình giám sát thu) chưa hợp lý.
Cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương chịu trách nhiệm về những hạn chế, vi phạm của dự án do địa phương quyết định đầu tư. Các nhà đầu tư chịu trách nhiệm về những vi phạm trong quá trình thực hiện dự án không đúng quy định của pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung tổng kết việc triển khai thực hiện các mô hình đầu tư theo hình thức PPP, BOT để đề ra các giải pháp khắc phục hữu hiệu.
Cùng với đó, triển khai các phương án xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm. Hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức hợp đồng ВОT với định hướng nghiên cứu xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật tạo cơ sở pháp lý cao cho hình thức này.
Ủy ban yêu cầu cần có quy định chặt chẽ về tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư theo hình thức họp đồng ВОТ, PPP, bổ sung quy định về tiêu chí để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, quy định mức vốn chủ sở hữu phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng nhóm dự án. Rà soát quy định về lập, phê duyệt, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các công trình BOT.
Đặc biệt sớm ban hành định mức, đơn giá và việc công bố chỉ số giá thị trường phù hợp thực tế. Bổ sung chế tài xử lý đối với các nhà đầu tư chậm quyết toán, chậm thực hiện trách nhiệm công khai, cập nhật lưu lượng phương tiện, doanh thu hoàn vốn, thời gian thu giá sử dụng dịch vụ, quy định về trách nhiệm của nhà đầu tư bảo đảm chất lượng công trình khi vận hành và bàn giao cho nhà nước, quy định về cơ chế tham vấn trước khi quyết định đầu tư và việc người sử dụng dịch vụ phản hồi việc cung cẩp dịch vụ đối với các cơ quan quản lý nhà nước.
Quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện quy trình đầu tư, khai thác các dự án giao thông đầu tư theo hợp đồng BOT.
Từ 2019 sẽ thực hiện thu phí không dừng
Theo Nghị quyết, chỉ áp dụng BOT với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu, phải đấu thầu công khai, hạn chế tối đa chỉ định thầu. Hoàn thiện việc rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm giá tại tất cả các trạm thu phí và quản lý doanh thu chặt chẽ bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.
Xây dựng mức giá phù hợp, ban hành khung tiêu chuấn chung làm cơ sở đấu thầu chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng để tránh tình trạng độc quyền trong thu phí, giám sát doanh thu của các trạm và bảo đảm tính cạnh tranh, công khai, minh bạch. Từ năm 2019, sẽ triển khai thu phí không dừng đối với tất cả các tuyến BOT.
Theo báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT của Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm 23/10/2017, trong hơn 100 dự án hạ tầng BOT chỉ có 02 dự án hàng không và 02 dự án đường thủy nội địa, còn lại là đường bộ, chưa có dự án đường sắt.
Phần lớn là dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường huyết mạch, độc đạo nên hạn chế sự lựa chọn của người dân, một số dự án phê duyệt cải tạo đường cũ và xây dựng đường mới thành một dự án sau đó đặt trạm thu phí trên tuyến đường cũ là chưa hợp lý.
Ủy ban cho biết việc kêu gọi nhà đầu tư vẫn còn bất cập do các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT thường yêu cầu vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, rủi ro cao, trong khi tỷ suất lợi nhuận chưa thực sự hấp dẫn. Hợp đồng nghiên về bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, ngân hàng và người dân khi có rủi ro, ít bàn đến rủi ro của nhà đầu tư.
Trong khi, nhà đầu tư cũng phải chịu rủi ro về giá vật tư nguyên liệu, định mức, rủi ro về tiến độ và kinh phí giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, rủi ro về phần vốn góp của Nhà nước trong dự án bố trí không đủ, không kịp thời làm ảnh hưởng đến tiến độ chung, rủi ro về thu phí liên quan đến sự thay đổi mức thu phí và lưu lượng xe…
Và do tính cấp bách của dự án nên nhiều dự án được chỉ định thầu, hoặc chỉ định thầu vì có đấu thầu nhưng chỉ có một nhà đầu tư đăng ký. Ngay cả một số dự án sau khi được chấp thuận chủ trương chỉ định thầu phải mất một thời gian dài mới lựa chọn được nhà đầu tư, không đáp ứng yêu cầu cấp bách của dự án như dự án cầu Cổ Chiên – Quốc lộ 60 sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chỉ định nhà đầu tư thì 3 năm sau Bộ GTVT mới chính thức lựa chọn nhà đầu tư.
Ủy ban thường vụ đề nghị nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường vốn để huy động nguồn vốn dài hạn cho các dự án như phát hành trái phiếu, cổ phiếu, lựa chọn dự án thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
47 dự án Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu (Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 và đường Hồ Chí Minh ), 01 dự án đấu thầu sau đó chuyển sang hình thức chỉ định, 21 dự án đấu thầu chỉ có 01 nhà đầu tư đăng ký).
L.Chi (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.