Trang TTĐT Bộ GTVT cho biết, cử tri TP.HCM kiến nghị sớm triển khai Dự án đường sắt Bắc - Nam và cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương và phát triển kinh tế.
Bộ GTVT cho biết, đối với tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 20501 , tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam từ ga Ngọc Hồi (Thành phố Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), có quy mô đường đôi, khổ 1.435mm với chiều dài khoảng 1.545km; lộ trình đầu tư trước năm 2030.
Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành trung ương Đảng khoá XIII đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350km/h) trên trục Bắc - Nam. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, đã gửi Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định theo quy định làm cơ sở để trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Đối với tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ: Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, chiều dài khoảng 174km đi qua 06 tỉnh/thành phố, đường đôi, khổ 1435mm; lộ trình nghiên cứu, đầu tư trước năm 2030.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định làm cơ sở huy động nguồn lực triển khai đầu tư phù hợp với lộ trình quy hoạch đã đặt ra.
Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của cử tri cần thiết sớm triển khai đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khu vực và sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các tuyến đường sắt nêu trên.
Liên quan tới dự án này, đầu năm 2024,Tập đoàn CT Group vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất thực hiện theo phương thức PPP. Được biết, CT Group là một doanh nghiệp đang triển khai nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác.
Theo đề xuất, tổng vốn đầu tư của dự án này lên đến 9.98 tỉ USD. Để thực hiện dự án này, CT Group sẽ hợp tác với các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc để thành lập liên danh để nhận gói hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới.
Những đối tác Trung Quốc mà CT Group nhắc đến gồm: Công ty TNHH Tập đoàn thiết kế đường sắt Trung Quốc (CRECG), Tổng công ty công trình quốc tế Tập đoàn xây dựng Điện lực Trung Quốc (Power China), Cục 2 Đường sắt Trung Quốc (China Railway No.2 Group), Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South).
Theo đề xuất, tuyến đường sắt sẽ là đường đôi, dài 174 km, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, gồm 12 ga, chạy cả tàu khách và tàu hàng. Dự án đi qua 6 địa phương gồm TP HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.
Ngoài đường sắt, CT Group đề xuất sẽ thực hiện đầu tư 12 khu đô thị dọc tuyến theo hình thức TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng), giúp rút ngắn thu hồi vốn từ 50 xuống 25 năm và tạo sự phát triển cho các tỉnh thành.
Nếu dự án được chấp thuận, CT Group sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi trong nửa đầu năm 2024. Cam kết huy động tối đa các nguồn lực để hoàn thành dự án trước năm 2032, cụ thể là: chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án (2024 ), thiết kế chi tiết (2025), giải phóng mặt bằng (2025 -2026), triển khai thi công, đào tạo nhân lực, tổ chức vận hành (2027 -2032).
-
Hơn 67 tỷ USD làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Những doanh nghiệp nào sẽ được hưởng lợi?
Các doanh nghiệp thuộc nhóm sắt thép, vật liệu xây dựng, thiết bị điện và nhà thầu xây dựng sẽ được hưởng lợi khi thực hiện các hạng mục thuộc dự án đường sắt cao tốc 67 tỷ USD.
-
Những con số ấn tượng về đường sắt cao tốc Bắc Nam hơn 67 tỷ USD
Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam với tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ USD đang thu hút sự chú ý với những con số đầy ấn tượng. Với chiều dài hơn 1.500km từ Hà Nội đến TP.HCM, siêu dự án này hứa hẹn mang đến bước ngoặt lớn cho hạ tầng giao thông và phát triển...
-
Thủ tướng mời gọi Tập đoàn hàng đầu thế giới đầu tư hàng loạt hạ tầng “khủng” ở Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mời gọi Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương và Tập đoàn Xây dựng Tô Thương, hai doanh nghiệp nằm trong danh sách 500 công ty lớn nhất toàn cầu đầu tư vào các dự án cầu, đường sắt có vốn đầu tư lớn ở Việt Nam....
-
Tổng công ty Đường sắt Hàn Quốc muốn “chung sức” cùng Việt Nam làm đường sắt tốc độ cao
Tổng công ty Đường sắt Hàn Quốc (KORAIL) bày tỏ mong muốn hợp tác cùng Việt Nam phát triển các dự án đường sắt tốc độ cao, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam hơn 67,3 tỉ USD....