Xây dựng nhà không phép tại TP.HCM đang có dấu hiệu biến tướng bằng nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau.

alt

Một trong hai khu nhà xây dựng không phép tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn

Nhiều mánh lới mới

Trong vai người mua nhà, chúng tôi đến khu nhà tại ấp Bắc Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Ở đây có hai dãy nhà gồm một lớn, một nhỏ xây đối diện và cách nhau bởi lối đi nhỏ khoảng 2m. Hai khu nhà đều làm bằng khung sắt, nối bằng bulông.

Nhìn bên ngoài hai khu nhà không khác các khu nhà xưởng hoặc kho chứa hàng. Nhưng người đàn ông giữ nhà tên Năm cho biết hai khu nhà này sẽ được ngăn ra thành 20 căn nhà cấp 4, mỗi căn có chiều ngang khoảng 4m, dài 15-20m. Do chủ đất đang làm thủ tục nên tạm ngưng xây dựng, khoảng ngày 15-4 sẽ xây dựng tiếp. Trong vòng hai tháng sau là có nhà, sau đó làm cổng chào, đổ đường nhựa rộng 5m từ ngoài cổng. Người này khẳng định chủ khu đất đã phân lô và có giấy chủ quyền nhà đất cho từng lô.

Theo tìm hiểu, đây là hai khu nhà xây dựng không phép (nằm cạnh nhà 1/3, tổ 2, ấp Bắc Lân, xã Bà Điểm) của ông Trần Phước Lập (ngụ đường Trần Văn Quang, P.10, Q.Tân Bình). Ngày 21-10-2010, khi ông Lập xây không phép khu nhà đầu tiên với diện tích 800m2, UBND xã Bà Điểm đã đình chỉ việc xây dựng.

Ba ngày sau, UBND xã ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình nhưng vụ việc kéo dài dây dưa. Trong khi công trình xây dựng không phép này chưa tháo dỡ thì một công trình xây dựng không phép khác tiếp tục mọc lên bên cạnh, diện tích 580m2. Ngày 21-1-2011, UBND xã Bà Điểm đã ban hành quyết định cưỡng chế công trình nhưng từ đó đến nay, cả hai công trình vẫn tồn tại.

Huyện Bình Chánh có ba xã được xem là “điểm nóng” về hoạt động xây dựng không phép là Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Bình Hưng. Theo đó, tình trạng xây dựng không phép núp bóng trong những căn nhà tạm diễn ra khá phổ biến. Ban đầu xin giấy phép xây dựng nhà tạm để giữ vườn, sau đó âm thầm xây tường kiên cố bên trong.

Để đối phó với cơ quan chức năng, có người cất nhà tạm xong lập tức cho người già, trẻ con vào ở để tránh việc cưỡng chế. Trong thời gian cơ quan chức năng vận động, chờ cưỡng chế tháo dỡ thì nhà lá đã biến thành nhà tường. Ông Lại Văn Hùng, phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, còn cho biết một số khu vực tại xã có nhà xây dựng không phép đều thay đổi “đầu nậu” liên tục. Cứ như vậy, các “chủ đầu tư” không ai phải “làm việc” với UBND xã quá một lần để tránh bị cơ quan chức năng xử lý nặng.

Dùng giấy phép giả

Cuối tháng 11-2010, nhiều người dân đường 34, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức ngạc nhiên khi thấy lô đất nông nghiệp nằm sát rạch Thủ Đức được đào móng khởi công xây dựng rầm rộ cả chục căn nhà, trong khi khu vực này được quy hoạch đất dành cho giáo dục và nhiều năm nay chủ đất không thể xin xây dựng. Đây là lô đất của vợ chồng ông L., diện tích 1.000m2, được bán cho một nhóm người. Sau khi mua đất, nhóm người này phân thành nhiều lô và xây nhà.

Khi thanh tra xây dựng Q.Thủ Đức kiểm tra hiện trạng công trình, những người mua đất xuất trình bản sao y có chứng thực giấy phép xây dựng tạm cấp ngày 8-11-2010, có chữ ký của lãnh đạo UBND Q.Thủ Đức. Nghi ngờ có vấn đề, UBND P.Linh Đông tiến hành xác minh mới vỡ lẽ giấy phép giả. UBND phường đã phải cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ 10 căn nhà đang xây.

Đầu năm 2008, UBND P.Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) chấp thuận cho ông P.V.T. xây dựng căn nhà tạm với tổng diện tích gần 76m2, do đây là một trong những hộ dân bị giải tỏa. Thông báo chỉ có giá trị trong vòng hai tháng. Khi xây dựng xong căn nhà trên, ông T. tiếp tục dùng thông báo này để xây dựng thêm một căn nhà khác cũng trên địa bàn phường với diện tích 48m2. Tháng 5-2009, UBND P.Bình Hưng Hòa phát hiện và lập biên bản vụ việc, lúc này căn nhà đã được ông T. bán cho một người khác. Vụ việc dây dưa kéo dài đến giữa năm 2010 mới tháo dỡ xong.

TP Vũng Tàu: nhiều “điểm nóng” xây nhà trái phép

Theo thống kê sơ bộ, tính đến đầu tháng 4-2011 có gần 200 trường hợp xây nhà trái phép tại các phường 10, 11, 12 và Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu.

Dãy đồi cát chạy dọc đường 3-2 (thuộc địa phận P.10, P.11) là đồi cát phòng hộ. Thời gian gần đây, nhiều căn nhà mới xây mọc lên dưới chân đồi này, thậm chí có nơi còn bị xẻ thịt để làm vật liệu san lấp. Theo UBND P.10, trên địa bàn có nhiều điểm nóng về xây dựng trái phép như khu đồi 3, đồi 4 và khu quy hoạch 58ha. Từ đầu năm đến nay, phường đã phát hiện 30 trường hợp xây dựng trái phép.

Tình hình xây dựng trái phép tại P.12 cũng bát nháo không kém. Chính quyền địa phương vừa phát hiện một trường hợp bơm hút cát từ sông Dinh để lấp đùng, làm nền nhà trái phép tại khu phố 6. Ông Huỳnh Tấn Dũng, phó chủ tịch UBND P.12, cho hay đường Đô Lương, đường 51B (gần khu quy hoạch trung tâm hành chính TP Vũng Tàu) là những khu vực được xem là “điểm nóng” xây nhà trái phép.

Tương tự, tại khu quy hoạch Trung tâm thể thao văn hóa Bàu Trũng (rộng 120ha, thuộc P.Nguyễn An Ninh), phường đã phát hiện hàng chục trường hợp xây nhà trái phép. Riêng tháng 3-2011 phải cưỡng chế, tháo dỡ hơn 20 căn nhà, móng nhà. Tuy nhiên, đến trung tuần tháng 4 vẫn còn nhiều hộ dân đang hối hả xây nhà.

Theo ông Bùi Trọng Quang - phó chủ tịch UBND P.11, hầu hết trường hợp xây dựng trái phép tại phường chủ yếu là dân nghèo cần một căn nhà nhỏ để ở. Còn ông Huỳnh Tấn Dũng cho biết từ khi trung tâm hành chính TP Vũng Tàu được Chính phủ đồng ý chuyển về vùng giáp ranh giữa phường 11 và 12 đẩy giá trị đất ở đây tăng nên giới đầu cơ, buôn bán bất động sản đã mua đất của nhiều người dân rồi ghép lại thành mảnh lớn để phân lô bán.

Cũng có nơi nguyên nhân xây nhà trái phép là do dự án bị “treo” quá lâu, điển hình là dự án “công viên thế giới kỳ diệu Vũng Tàu” thuộc quy hoạch Trung tâm thể thao văn hóa Bàu Trũng. Người dân có đất ở khu quy hoạch “treo” bị hạn chế quyền tách thửa, xây nhà, phải lén lút xây nhà, sang nhượng đất bằng giấy tay. Chính quyền địa phương không đủ sức để ngăn chặn.

CafeLand.vn - Theo TuoiTre
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.