01/02/2021 8:34 AM
Khu vực bị xâm thực nặng nề nằm dọc tuyến bãi biển thuộc đường Trường Sa - Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp thuộc 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Nhiều đoạn bị xói mòn nghiêm trọng, sóng đánh nát bờ kè...

Đà Nẵng là một trong những địa điểm nổi tiếng thu hút du khách khi sở hữu các bãi tắm sạch, được mệnh danh là bãi biển đẹp nhất hành tinh. Gần đây, nhiều đoạn bãi tắm từ Mân Thái đến Sơn Thủy bị xâm thực nặng. Các bãi cát đẹp bị sóng ngoạm đến sát bờ kè, thậm chí có bờ kè bị sóng đánh tan.

Nặng nề hơn mọi năm

Nhiều hộ kinh doanh dịch vụ ở bãi biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn nhiều ngày nay dọn dẹp và dựng lại các khu vực kinh doanh để có thể mở đón khách dịp Tết nguyên đán. Thế nhưng, một số hộ chưa thể mở cửa đón khách hoặc phải thu hẹp do nhiều bãi tắm bị xâm thực nặng.

Bà Đặng Thị Huyên, Tổ kinh doanh dịch vụ số 12 - bãi tắm Mỹ Khê, cho biết mọi năm xâm thực bãi biển đến sớm hơn và không nặng nề như năm nay. Khu vực bà Huyên kinh doanh có một đoạn bị sạt lở nặng ở phía trước khách sạn Mường Thanh. Sóng cuốn đất cát, cuốn cả những cây dừa bên bờ và ăn sâu vào tận kè biển. Theo bà Huyên, trước đây, xâm thực bãi biển không vào đến các bờ kè nhưng nay nhiều khu vực bị nuốt trọn đến gần vỉa hè. "Nhiều hộ kinh doanh bị cuốn trôi tài sản như dù che nắng, bàn ghế thiệt hại nặng nề. Hiện chúng tôi đang tu bổ lại để có thể kịp đón khách dịp Tết" - bà Huyên nói.

Bãi biển T18 thuộc phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng bị xâm thực nặng nề

Ông Nguyễn Mân, người dân sống cạnh bãi biển Mỹ Khê, kể chưa năm nào ông chứng kiến cảnh xâm thực bãi biển nặng như vậy. "Như mọi năm, xâm thực đều có và sẽ nhanh chóng được bồi lấp, trả lại bãi biển đẹp như thường. Nhưng năm nay tôi thấy nhiều đoạn bị xâm thực nặng, rất khó trả lại bãi biển như trước" - ông Mân đánh giá.

Qua kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng ghi nhận có 6 khu vực bị xói lở. Cụ thể là khu vực bãi biển đối diện ngã ba đường Hồ Thấu - Võ Nguyên Giáp; khu vực bãi biển phía sau dãy nhà hàng Phước Mỹ 2 đến nhà hàng Mỹ Hạnh; bãi biển từ ngã ba đường Võ Văn Kiệt đến trước khách sạn Grand Tourane; bãi biển từ Bãi tắm số 9 đến trước khách sạn Mường Thanh; bãi biển ngã ba Võ Nguyên Giáp - Hoàng Kế Viêm (trước khách sạn Holiday); bãi tắm Sơn Thủy. Sở này nhận định xói lở bờ biển tại khu vực bờ biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa thường xuất hiện vào những ngày có thời tiết cực đoan. Đến mùa thì bãi cát được bồi trở lại, đến khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 hằng năm thì bãi biển đạt chiều rộng lớn nhất. Từ đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng nhận định bờ biển Đà Nẵng đến thời điểm hiện nay tuy xuất hiện hiện tượng xói lở nhưng vẫn tương đối ổn định.

Nguy cơ sụt lún

Về biện pháp xử lý lâu dài, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho rằng cần đánh giá tổng thể, bảo đảm cơ sở khoa học, đặc biệt chú trọng đến biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan xuất hiện trong thời gian gần đây. Do đây là hoạt động chuyên môn sâu, cần có sự tham gia của các nhà khoa học nên sở này sẽ báo cáo UBND TP cho chủ trương để nghiên cứu.

Về giải pháp trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường đang hoàn chỉnh hồ sơ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển Đà Nẵng. Trong đó, bao gồm việc tính toán, xác định khoảng cách xói lở bờ biển theo từng giai đoạn ngắn hạn, dài hạn và thích ứng với nước biển dâng. Việc tuân thủ lập hành lang bảo vệ bờ biển khoa học sẽ giúp giảm thiểu tác hại và thích ứng với các tác động của xói lở bờ biển, biến đổi khí hậu.

Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, cho rằng đối với điểm xâm thực tại bãi tắm Sơn Thủy và bờ kè Điện Ngọc, sở đã giao cho Ban Quản lý dự án Sơn Trà - Điện Ngọc xử lý. Nói về nguy cơ bãi biển mất dần, ông Hòa cho rằng vấn đề này không thể trả lời ngay được. Để đánh giá tổng quan về tình trạng xâm thực bãi biển như hiện nay cần phải có nghiên cứu tổng thể. Phương án xử lý trước mắt là đề xuất UBND TP Đà Nẵng giao cho Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP Đà Nẵng xử lý, phần kè biển thì giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Đà Nẵng nghiên cứu và khắc phục.

Mất dần đường Võ Nguyên Giáp

TS Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng Khoa Môi trường và Công nghệ hóa Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng, cho biết cách đây 3 năm, bà đã có nghiên cứu về sạt lở ở bãi biển Đà Nẵng. Gần đây, tình trạng xói lở ngày càng nặng và ăn sâu vào đất liền hơn trước. Nếu chính quyền TP Đà Nẵng không sớm có biện pháp thì các khu vực xói lở sẽ ngày càng nặng nề, nguy cơ sụt lún và mất dần đường Võ Nguyên Giáp. Nguyên nhân dẫn đến sạt lở phần lớn do mực nước ngầm khu vực trên bị hạ thấp nhiều so với trước. Việc nước ngầm bị cạn kiệt là do phát triển xây dựng ồ ạt ở khu vực trên, cộng với việc các khách sạn sử dụng nước ngầm làm nước sinh hoạt khi vận hành. Bên cạnh đó, khu vực bãi biển Đà Nẵng bị bê-tông hóa quá nhiều dẫn đến lượng mưa không xuống tầng ngầm mà sẽ đổ xuống cống và trôi ra biển. Chính vì vậy, tầng nước ngầm khó có thể phục hồi. TS Phương đề xuất 2 phương án để hạn chế việc xói lở. Một là phục hồi mực nước ngầm bằng cách không sử dụng, khai thác nước ngầm để giữ lại cấu trúc cân bằng. Hai là xây kè ngầm xa bờ để giảm năng lượng của sóng và nuôi bãi.

Sạt lở bờ biển Quảng Nam

Tại tỉnh Quảng Nam, sau các đợt mưa bão cuối năm 2020, nhiều bờ biển tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng. Tại bờ biển Cửa Đại (TP Hội An), nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã thực hiện rất nhiều giải pháp và đầu tư rất nhiều tiền của nhưng tình trạng sạt lở vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Kể từ sau cơn bão số 5 rồi liên tiếp hứng chịu các cơn bão sau đó, hàng trăm mét bờ biển kéo dài từ bãi tắm Cửa Đại đến bờ biển Tân Thành tiếp tục bị sóng đánh tan hoang, nhiều hàng quán, nhà cửa, cây cối, bờ kè bị ngã đổ nghiêm trọng. Đến thời điểm này, một số khu vực sạt lở ở bờ biển Hội An đã được khắc phục tạm thời, một số đoạn sạt lở nghiêm trọng đang phải chờ giải pháp tổng thể.

Bờ biển Cửa Lở (xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng Ảnh: Trần Thường.

Ngoài bờ biển Cửa Đại, các đợt mưa bão, áp thấp nhiệt đới kéo dài suốt 3 tháng cuối năm 2020 làm khoảng 2 km đường bờ biển Cửa Lở (xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành) bị sạt lở, xâm thực nghiêm trọng. Theo ghi nhận, nhiều tuyến bờ kè tạm của người dân dựng lên để nuôi trồng thủy sản bị triều cường và sóng biển gây hư hại nặng, nhiều hồ nuôi tôm bị sóng biển san phẳng, một số đoạn bờ biển bị sóng biển khoét sâu vào lòng đất, tạo ra những hàm ếch, sâu từ 3-5 m.

Người dân nơi đây đang sống trong cảnh thấp thỏm lo âu khi sóng biển liên tiếp lấn sâu vào đất liền trong những năm gần đây. Hiện tại, ở khu vực Cửa Lở, nước biển chỉ còn cách khu dân cư chưa đến 200 m. Ông Đặng Quốc Hoanh (47 tuổi, thôn Bình Trung, xã Tam Hải) cho hay từ đầu năm đến nay, bờ biển Cửa Lở bị ăn sâu vào đất liền gần 100 m. Riêng 3 tháng trở lại đây đã sạt lở vào đất liền 50 m. Hàng chục ao tôm ở đây bị cuốn trôi, gây thiệt hại nặng nề cho người dân.

Tr.Thường

Bích Vân (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.