Do thiếu quy hoạch chung về nhà ở- trong đó có nhà trọ - dẫn tới cả công nhân lẫn chủ trọ đều sống cảnh tạm bợ, nhếch nhác. Người dân rất cần những cầu nối hỗ trợ để dịch vụ được cải thiện.

Điện, nước… quá tải

Thôn Thanh Đặng, xã Minh Hải (Văn Lâm, Hưng Yên) là một trong những thôn có lượng công nhân ở trọ đông nhất trong huyện với khoảng xấp xỉ 1.000 người. Tính trung bình, nhân khẩu trong thôn luôn gần 2.500. Gia đình ông Nguyễn Văn Dụ từng chỉ có 5 người (gồm mẹ ông, 2 vợ chồng và 2 đứa con) sinh sống trên mảnh đất khoảng 600m2. Giờ đây, cũng trên mảnh đất đó có tới gần 50 người ở. Ông kể, từ ngày giao đất ruộng cho khu công nghiệp, ông được đền bù hơn 120 triệu đồng, cộng với số tiền ít ỏi tích lũy sau bao nhiêu năm làm nông, ông dựng lên gần 20 phòng trọ, hiện thu hút hơn 40 khách trọ.

Từ khi có công nhân, các dịch vụ trong làng đều phát triển nhưng theo hướng tự phát, rất khó quản lý.
Từ khi có công nhân, các dịch vụ trong làng đều phát triển nhưng theo hướng tự phát, rất khó quản lý.

Ít tiền nên ông Dụ xây dựng kiểu chắp vá, mỗi phòng trọ chỉ rộng 10-15m2, vật liệu tạm bợ. Công nhân kêu trời vì điện nước phập phù, mùa đông lạnh cóng, mùa hè nóng như rang. Trong các nỗi bức xúc, thiếu điện là bức xúc nhất.

Ông Nguyễn Văn Hạnh đã có hơn 6 năm làm trưởng thôn Thanh Đặng cho hay: “Nếu trước đây hệ thống điện trong thôn luôn ổn định thì từ ngày công nhân vào trọ, tình trạng nhảy áp điện, sập điện diễn ra thường xuyên. Nhiều đêm đang ngủ, tôi phải ra trạm điện bật lại áp điện để người dân sử dụng”. Cũng theo ông Hạnh, tuy địa phương đã có đề xuất và thay hệ thống có thể tải lượng điện sử dụng lớn hơn nhưng tình trạng điện yếu, nhảy áp vẫn thỉnh thoảng diễn ra. Nguyên do là dân số tăng đột biến, nhu cầu điện tăng rất cao nhưng không có đầu tư hạ tầng để đáp ứng”- ông nói.

Bên cạnh chuyện thiếu điện, rác thải cũng là chuyện khiến địa phương phải đau đầu. Theo ông Hạnh, lượng rác thải ở vùng quê thường được xử lý theo cách “truyền thống” là đổ bừa hết ra đồng hoặc bãi trống, sau đó chôn hay gọi xe hốt cả thể. Do vậy, vấn đề ô nhiễm nước, rác thải cũng đã ở mức báo động, trong khi công nhân thuê trọ vẫn phải đóng tiền đổ rác…

Nông dân cũng cần quy hoạch, dự báo

Thiếu quy hoạch về xây dựng nhà trọ, các nhà trọ chất lượng thấp, khó “dự đoán” được số công nhân có nhu cầu thuê nên nhiều nông dân trót đầu tư nhà trọ đang ngồi trên đống lửa vì không có người thuê. Gia đình chị Nguyễn Thị Hằng (xã Lạc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên) đang phải để trống gần 20 phòng trọ. Chị Hằng cũng giống như nhiều người dân khác trong làng, bán ruộng có tiền, chị dồn vào xây nhà trọ. Song do xây muộn hơn nhiều nhà khác nên phòng trọ luôn trong tình trạng để trống.

“Thấy nhiều nhà xây nhà trọ kiếm lời, nhà tôi cũng dồn hết tiền của vào để xây hơn 20 phòng nhằm tăng thu nhập gia đình, nhưng không có người thuê. Bao nhiêu tiền bạc xem như đi hết sạch!” - chị Hằng buồn bã chia sẻ.

Tại các xã Đình Dù, Lạc Đạo, Minh Hải của huyện Văn Lâm cũng có nhiều gia đình xây nhà trọ nhưng không có người ở do nguồn cung chỗ ở vượt “cầu”. Ông Lý Đức Thắng - cán bộ về hưu ở Văn Lâm chia sẻ: “Người dân không được hỗ trợ thông tin về số lượng công nhân có nhu cầu ở nên đổ xô xây nhà trọ dẫn tới thừa phòng và lỗ tiền đầu tư”.

Theo quan sát của phóng viên NTNN, số lượng nhà trọ trong các làng bị bỏ trống ở địa bàn huyện Văn Lâm, Yên Mỹ… là khá lớn, trong khi những nhà trọ còn lại chất lượng xây dựng rất thấp. Ông Bùi Văn Lạc - người có 15 phòng trọ cho thuê ở xã Giai Phạm (huyện Yên Mỹ) chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi làm mọi thứ đều tự phát, đời sống của người dân có cải thiện hơn nhưng mọi thứ lộn xộn lắm. Chúng tôi cũng mong có những hướng dẫn để xây dựng nhà trọ chuẩn hơn; có những cầu nối với công nhân và được đầu tư hạ tầng để có dịch vụ tốt hơn”.

Ông Bùi Văn Đống - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên:Chưa quản lý được việc xây dựng nhà trọ

Trao đổi với phóng viên NTNN về vấn đề quản lý việc xây dựng nhà trọ trong các thôn làng gần các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay, ông Bùi Văn Đống khẳng định dân xây trọ hoàn toàn là tự phát và địa phương cũng chưa có bất kỳ quy định nào về vấn đề quản lý xây dựng khu trọ cho công nhân.

Theo ông Đống, hiện nay tình trạng công nhân đổ dồn về các làng xã gần khu công nghiệp để ở trọ là điều tất yếu, bởi “bản thân các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có bất kỳ một khu nhà ở nào dành cho công nhân”. Từ trước đến nay, toàn bộ các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều mới chỉ sử dụng đất để xây dựng nhà xưởng chứ chưa bao giờ trích quỹ đất để xây khu nhà ở cho công nhân. Mới chỉ có một doanh nghiệp nhỏ lẻ đề xuất lên tỉnh và Sở Xây dựng về xây nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên đề xuất này cũng bị bác bỏ bởi doanh nghiệp trên muốn dùng đất nông nghiệp chưa chuyển đổi để xây dựng.

Về vấn đề người dân tự phát xây dựng khu nhà cho thuê trọ, ông Đống cũng cho biết: “Trước đây Sở Xây dựng đã từng tham mưu đề xuất với tỉnh về việc ban hành những quy định về việc quản lý, cấp phép cho người dân xây nhà trọ, tuy nhiên đề xuất không thực hiện được. Nguyên nhân chủ yếu bởi người dân hiện nay vẫn đang quá tự do trong việc xây dựng trong khuôn viên đất của mình”. Có thời điểm, Sở Xây dựng phải phối hợp cùng địa phương (chính quyền huyện xã, cán bộ thôn...) quản lý tình trạng người dân ùn ùn xây nhà trọ nhưng vẫn không xuể. Nhà trọ xây lên chưa đảm bảo được các vấn đề về quy chuẩn xây dựng, an toàn, vệ sinh của công nhân ở trọ.

Ông Đống cũng cho biết, hiện nay các địa phương đang tạm thời áp dụng quy hoạch xây dựng trong chương trình nông thôn mới để điều chỉnh vấn đề xây dựng trong thôn, xã.
Nguyễn Văn

Nguyễn Dũng (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.