Theo lãnh đạo UBND TP Móng Cái, các hộ này xây dựng vào khoảng năm 2009 - 2011. Vậy nhưng, khi được hỏi về biên bản của chính quyền với các hộ dân xây dựng trái phép thì “không có”.
Một góc TP Móng Cái.
Một số hộ dân gồm các ông, bà: Nguyễn Vĩnh Tuyên, Bùi Văn Thu, Đặng Thị Hương, Lê Xuân Tạo và Lê Ngọc Bội, đều có hộ khẩu thường trú tại khu 4, phường Hải Hòa, TP Móng Cái, Quảng Ninh bức xúc bởi nhà của họ đã xây dựng và sinh sống ổn định mấy chục năm qua, nay chính quyền ra quyết định cưỡng chế phá dỡ với lý do là nhà xây dựng không có giấy phép, vi phạm trật tự đô thị.
Theo tìm hiểu, nhà của các hộ dân xây dựng trên diện tích đất có nguồn gốc là đất khai hoang từ năm 1991. Lúc đó, khu vực vùng cao biên giới Việt Nam - Trung Quốc này có tên là thôn 14, xã Hải Xuân, huyện Hải Ninh, tỉnh Quảng Ninh. Và, việc xây dựng đúng là cũng chẳng có phép. Có điều, vào thời điểm của cả chục năm trước thì khái niệm giấy phép xây dựng này xem ra cũng còn rất xa lạ với nhiều người. Đổi lại, dù cuộc sống vất vả, nhưng các hộ dân vẫn kiên trì bám trụ, vươn lên trong khó khăn, góp phần gìn giữ, bảo vệ biên giới, lãnh thổ quốc gia.
Năm 1994, xã Hải Xuân được tách ra làm 2 là xã Hải Xuân và xã Hải Hòa, huyện Hải Ninh.
Đến năm 2007, khi thành lập thị xã Móng Cái, xã Hải Hòa được nâng lên phường Hải Hòa.
Lúc này, Nhà nước mở đường chạy qua khu vực đất đai của các hộ, vì vậy cuộc sống người dân cũng dần được “thay da, đổi thịt”.
Đến năm 2010, thị xã Móng Cái được nâng lên là TP Móng Cái với nhiều thách thức và vận hội.
Với người dân cũng thế. Có điều, cơ hội chưa hẳn đã rõ thì khó khăn lại ngay trước mặt. Nguy cơ chính quyền thu hồi đất của người dân hiển hiện hàng ngày.
Người dân cho biết, nếu Nhà nước lấy đất để thực hiện dự án an ninh, quốc phòng, dự án vào mục đích công cộng thì sẵng sàng giao đất. Tuy nhiên, nếu lấy đất cho doanh nghiệp để thực hiện vào mục đích phát triển kinh tế thì phải thỏa thuận với dân để tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển và sinh sống. Còn nếu Nhà nước không thực hiện dự án gì thì đề nghị hợp thức hóa về đất cho dân xây dựng nhà cửa khang trang để ổn định cuộc sống và bảo đảm mỹ quan đô thị.
Ngày 25/10/2017, tại UBND TP Móng Cái, trao đổi với báo chí, ông Đỗ Xuân Điệp, Phó Chủ tịch cho biết, TP mới tống đạt các quyết định cưỡng chế tháo dỡ một số nhà dân tại đường Trần Phú kéo dài, thuộc khu 4, phường Hải Hòa do vi phạm trật tự đô thị.
Theo lãnh đạo UBND TP Móng Cái, các hộ này xây dựng vào khoảng năm 2009 - 2011.
Vậy nhưng, khi được hỏi về biên bản của chính quyền với các hộ dân xây dựng trái phép, ông Điệp cho biết “không có”. (Thực tế, chính quyền đã không lập biên bản đối với các hộ dân xây dựng lúc bấy giờ).
Trao đổi với các hộ dân, họ rất bức xúc khi nhận được quyết định cưỡng chế tháo dỡ nhà cửa. “Chúng tôi đã xây dựng nhà cửa và sinh sống ổn định từ mấy chục năm qua, có hộ khẩu thường trú tại đây. Nhà của chúng tôi đã xây dựng từ lúc ở đây đang là một xã nghèo của vùng cao biên giới, “bỗng dưng” bây giờ chính quyền lại lập biên bản là chúng tôi vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Trên diện tích đất của chúng tôi đang sử dụng hiện nay chưa có dự án gì. Vậy vì sao chính quyền lại viện cớ chúng tôi vi phạm trật tự xây dựng đô thị để ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ nhà cửa của chúng tôi” - đại diện người dân nói.
Bình luận về sự kiện này, một người am hiểu pháp luật về đất đai cho biết, nếu chiểu theo quy định của pháp luật hiện hành thì những hộ dân này đều có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bởi họ đã xây dựng nhà ở và sản xuất trên diện tích đất từ rất lâu và có hộ khẩu thường trú tại đây.
Tại khoản 2, Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 1/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Hy vọng, nguyện vọng của người dân và quyết tâm lập lại trật tự xây dựng sẽ sớm có tiếng nói chung để tránh tình trạng đơn thư kéo dài.
Oanh Oanh (Thanh tra)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.