07/02/2011 2:35 PM
Một đời gắn với thép, trăn trở với từng cơn biến động của mặt hàng này cũng như sự phát triển của ngành công nghiệp thép còn non trẻ của VN, để rồi “liên tục” đưa ra các kiến nghị, thậm chí “gây sốc”, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA) Phạm Chí Cường được nhiều người cho là “đanh đá” hơn cái vẻ bề ngoài gần gũi, rất đỗi hiền hậu của ông.

Câu chuyện với ông lần này không “căng” như mỗi lần giá thép nóng lên. Nhưng vẫn như mọi khi, ông luôn mở đầu bằng dự báo: “Năm 2011, thị trường thép vẫn nằm trong tình trạng biến động, dẫn đến các hoạt động liên quan đến thép cũng bị ảnh hưởng theo.

- Nhìn lại năm 2010, cũng là năm ngành thép phải vật lộn vất vả, thưa ông ?

Năm 2010 có ba thời kỳ: đầu năm giá rất cao, sang quý II, III giá giảm, quý 4 giá tăng trở lại. Biến động đó do ảnh hưởng của tình hình thế giới cũng như trong nước. Bởi thực tế chúng ta vẫn nhập 40% phôi thép. Còn 60% phôi thép sản xuất trong nước thì cũng phải nhập 70% thép phế từ nước ngoài. Như vậy nguồn cung ứng nguyên liệu cơ bản cho năm 2010 là phôi thép và thép phế phụ thuộc vào thị trường thế giới rất lớn. Trong khi đó, thị trường thép thế giới cũng biến động. Chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi vì mình đã hội nhập.

- Hội nhập đối với ngành thép dường như nhiều gánh nặng hơn thuận lợi ?

Thuận lợi là khi thị trường thép thế giới tăng trưởng thì chúng ta cũng có cơ hội tăng trưởng. Bên cạnh đó hội nhập giúp chúng ta tiếp cận với công nghệ, thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, khi các thị trường lớn bị ách tắc là lan sang chúng ta tức thì. Hội nhập sâu thì DN luôn luôn phải ứng phó với những thách thức như vậy.

Tuy nhiên, sau 1 năm, ngành thép đã đạt thành quả nhất định và hầu hết các DN có lãi, thậm chí khá cao. Tăng trưởng của sản xuất thép xây dựng tới trên 17% so với 2009, là con số tăng ấn tượng.

- Các DN thép rất hay “kêu” nhưng thực tế có vẻ thép là ngành kinh doanh “béo bở”. Minh chứng là các địa phương đua nhau làm thép trong thời gian qua ?

Quy hoạch ngành thép VN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7/2009. Theo quy định, dự án quy mô dưới 15.000 tỷ đồng thì địa phương được quyền cấp phép nhưng phải trong quy hoạch. Còn các dự án ngoài quy hoạch phải xin ý kiến các bộ ngành... Nhưng nhiều địa phương chỉ căn cứ vào quy mô dự án đầu tư, dẫn đến tình trạng cấp phép tràn lan.

Hậu quả là hầu hết các dự án kéo dài, vì thời điểm khủng hỏang, ngân hàng sợ rủi ro khi cho vay, mà cũng rủi ro thật.

- Có lần ông nói, người ta kinh doanh thép nhiều tiền quá rồi thì mới quay ra sản xuất ?

Thực tế các đại gia ngành thép toàn là các DN kinh doanh thép. Những đợt biến động vừa rồi họ lãi rất đậm. Thậm chí cả lái xe, thủ kho... của các DN kinh doanh thép cũng giàu lên rất nhanh.

Điều này cũng do cơ chế quản lý của chúng ta cũng còn nhiều bất cập. Nhưng nói gì, thì họ cũng là người biết “chớp” thời cơ.

- Vậy ông có kinh doanh thép không ?

Kinh doanh phải có hai yếu tố: thứ nhất là vốn, thứ hai là liều! Người “muôn năm cũ” như tôi thì không kinh doanh được.

- Ông cũng đã từng 10 năm làm Phó tổng giám đốc TCty thép VN, nói không có tý máu kinh doanh nào, thì vô lý ?

Tôi từng 10 năm làm cán bộ ở gang thép Thái Nguyên, 18 năm làm quản lý kỹ thuật của Bộ Công nghiệp nặng, rồi từ 1990 – 2001 làm phó tổng giám đốc TCty thép VN, nhưng tôi chuyên về kỹ thuật, phụ trách đầu tư. Thời đó TCty có 5 dự án liên doanh thì 4 dự án tôi phụ trách tham gia làm việc với các đối tác.

Nhưng giờ nếu tôi cũng kinh doanh thì các thông tin, kiến nghị... của Hiệp hội đưa ra sẽ không thể khách quan.

- Các thông tin trên thị trường thép mà báo chí đăng tải thời gian qua hầu hết do VSA cung cấp. Nhưng điều gì khẳng định các con số thống kê của VSA là chính xác ?

Hiện VSA có 100 thành viên, chiếm hơn 90% các DN sản xuất kinh doanh thép của VN. Vì vậy, thống kê của VSA là chính thống, số liệu tương đối sát. Vì chúng tôi liên tục cập nhật số liệu từ các hội viên và trên thị trường thế giới.

- Nhưng cũng có lần phân tích, nhận định của VSA không “chuẩn”, thưa ông ?

Năm 2011, nhu cầu tất cả các chủng loại thép cả nước dự kiến khoảng 11,1 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2010. Trong đó, thép trong nước đáp ứng 50%, còn 50% phải nhập từ nước ngoài. Dự báo giá thép tiếp tục biến động, nhưng biên độ không cao như năm 2010.

Có lần tôi đã nhận định không chuẩn mà đến giờ tôi vẫn còn băn khoăn, day dứt. Đó là thời điểm năm 2008, có giai đoạn thép trong nước thừa nhiều. Đến lúc giá thép nước ngoài tăng cao, nhiều DN xuất ngược ra ngoài. VSA lúc đó đề nghị đánh thuế suất cao vì sợ DN xuất ồ ạt sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt thép trong nước. Tuy nhiên, ngay sau đó giá thép thế giới “tụt” thẳng đứng, dù chúng tôi có đề xuất giảm thuế đi chăng nữa cũng không kịp, Và hàng tỷ USD thép bị ứ đọng. Giá mà xuất kịp thì đỡ...

- Vậy cái khó của VSA là gì ?

VSA có rất nhiều thành viên, thậm chí quyền lợi của các thành viên không phải lúc nào cũng giống nhau, nhiều khi mâu thuẫn. Ví dụ: Khi bàn về một sắc thuế nhập khẩu phôi thép. Các DN sản xuất phôi trong nước muốn nâng thuế nhập khẩu để hạn chế phôi nhập khẩu từ nước ngoài. Nhưng “anh” cán thép phải nhập khẩu phôi thì lại muốn thuế nhập khẩu thấp, để đầu vào hạ, đầu ra cũng rẻ. Những tình huống như thế nhiều khi “cãi nhau” suốt cả ngày rất căng thẳng, thậm chí DN còn kiến nghị lên cả Nhà nước. Và nhiều khi tôi cũng buộc phải giải quyết và phải hứng chịu phản ứng của DN.

Tuy nhiên, dần dần họ cũng hiểu chúng ta cứ nhập phôi thì lợi bây giờ nhưng không thể phát triển từ thượng nguồn. Chỉ một biến động nhỏ là tác động trực tiếp và rất khó xoay xở. Chính vì vậy chọ một mức để cả hai bên có thể chấp nhận được, vừa khuyến khích được các DN đầu tư sản xuất phôi trong nước, vừa không gây khó cho các DN nhập khẩu. Trước đây mức thuế này là 10% (năm 2008), xuống 5% (2009) và năm 2010 là 7%.

- Xin cảm ơn ông !

Cafeland.vn - Theo DDDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.