Thị trường bất động sản đang nguội lạnh, cộng với tháng "cô hồn" (tháng 7 âm lịch), nhiều sàn giao dịch bất động sản rơi vào tình trạng "vắng như chùa Bà Đanh".
BĐS Hà Nội tháng 7 nhìn từ các sàn giao dịch
Hiện chỉ có lác đác khách đến với các sàn BĐS

Ngán ngẩm các sàn giao dịch

Cũng như mọi năm, tháng 7 âm lịch luôn là thời gian thị trường nhà đất ít có giao dịch nhất. Là một người môi giới có kinh nghiệm lâu năm tại Hà Nội, nhưng ông Hoàng Văn Trung cũng tỏ ra ngán ngẩm trước những diễn biến của thị trường năm nay.

Ông Trung cho hay, từ quý II, thị trường chứng kiến sự sụt giảm mạnh, giao dịch ít. Vừa qua, quy hoạch Thủ đô đã được công bố, nhưng chưa có dấu hiệu tác động tới thị trường bất động sản. Hiện tại, các giao dịch hầu như chỉ diễn ra ở phân khúc đất thổ cư khu vực nội thành. Căn hộ cao cấp và đất dự án có rất ít giao dịch.

Anh Đức, nhân viên môi giới bất động sản của một sàn giao dịch tại quận Hà Đông chia sẻ, hầu hết nhân viên được nghỉ ở nhà vì không có khách thường xuyên, chủ yếu làm việc qua mạng Internet.

"Không riêng gì tháng 7 âm lịch, mấy tháng nay, thị trường đã trầm lắng. Khách hàng chỉ hỏi xem thông tin, chưa ai quyết định mua bán gì. Tình hình thị trường này chắc nhiều sàn bất động sản sẽ phải đóng cửa", anh Đức nói.

Chị Tuyết, nhân viên kinh doanh Sàn bất động sản 24H tại Vạn Phúc, Hà Đông cho biết, số lượng khách hàng quan tâm đến dự án bất động sản giảm rõ rệt. Không riêng gì sàn 24H, mà các sàn khác khu vực này cũng trong tình trạng tương tự. Hiện nhà chung cư và giá đất dự án giảm mạnh so với thời điểm này năm ngoái, nhưng vẫn không có giao dịch, mặc dù những người hỏi mua đều có nhu cầu thật. "Họ chờ đợi giá sẽ giảm thêm", chị Tuyết chia sẻ.

Qua khảo sát thực tế của ĐTCK cho thấy, sau một thời gian thị trường trầm lắng, giao dịch gần như không có, rất nhiều sàn giao dịch trên tuyến đường mới Lê Văn Lương kéo dài vừa được đưa vào sử dụng đã phải đóng cửa. Chỉ có số ít sàn duy trì được hoạt động, nhưng cũng đã tinh giảm nhân viên, giảm quy mô văn phòng bằng cách cho thuê lại.

Chờ "đáy"

Ông Nguyễn Việt Tiến, Phó giám đốc CTCP Địa ốc An Lạc cho biết, dân gian thường gọi tháng 7 âm lịch là tháng "cô hồn", nên tâm lý khách hàng sợ không hên, không "xuôi chèo, mát mái". Vì vậy, khách hàng thường tránh mua, bán vào thời điểm này.

Thông thường, chỉ những khách hàng mua nhà để ở mới kiêng kỵ, còn giới đầu tư ít chú ý hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường trầm lắng như mấy tháng nay, giới đầu tư cũng rất ít giao dịch.

Theo ông Tiến, đại bộ phận người mua nhà có tâm lý bắt đáy trong tháng 7 âm lịch, bởi họ cho rằng, trong tháng "cô hồn", giá nhà đất sẽ là thấp nhất. Những người cần bán sẽ phải giảm giá mạnh.

Bà Lê Thị Lan Anh, Phó chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho hay, đến thời điểm này vẫn chưa thấy biểu hiện tích cực nào cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, theo bà Lan Anh, so với cách đây 1 - 2 tháng, số lượng khách hàng đi xem một số dự án sắp bàn giao như Dự án Vân Canh ở huyện Hoài Đức hay Dự án Làng Việt kiều châu Âu ở quận Hà Đông đã nhiều hơn, nhưng việc giao dịch hay trả giá gần như không có.

Nhận định thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm, ông Tiến cho rằng, thị trường sẽ không có đột biến. Sự trầm lắng của bất động sản thời gian qua chủ yếu là do chính sách thắt chặt tín dụng bất động sản, lãi suất ngân hàng quá cao khiến người dân khó tiếp cận vốn vay mua nhà.

"Thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm còn rất khó khăn, có thể kéo dài qua năm 2012. Quan trọng là kinh tế vĩ mô sáng sủa, Nhà nước giải quyết được một số khó khăn vĩ mô hiện nay, thị trường sẽ phục hồi dần từng bước", ông Tiến nói.


Theo Duy Khánh (ĐTCK Online)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.