Ông Đặng Hùng Võ. |
Thưa ông, việc một số DN BĐS ở TP Hồ Chí Minh vừa phải hạ giá tới 30% để bán tháo căn hộ dự án nhằm trả nợ ngân hàng hoặc thu hồi vốn. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Tôi cho rằng, việc giảm giá để trả nợ ở TP Hồ Chí Minh đương nhiên sẽ phải xảy ra. Song, cũng có ý kiến cho rằng đây chỉ là “chiêu” nhằm thu hút thêm nguồn vốn, đồng thời cũng là giải pháp vốn cho những dự án của các công ty đó, về vấn đề này thì chúng ta cần phải xem xét thêm. Nhưng ngay cả trong trường hợp không sử dụng phương án hạ giá, thì việc một số nhà đầu tư BĐS phía Nam cũng vẫn phải giảm giá để trả nợ ngân hàng, bởi vì cuối năm thường là đến hạn trả nợ, theo tôi đây cũng là chuyện bình thường.
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường trầm lắng vừa qua cũng đã khiến giá BĐS phải giảm xuống, thậm chí đã giảm xuống đáy và khó có thể giảm thêm. Vậy, ông đánh giá ra sao về các mức giảm giá hiện nay trên thị trường?
Tôi được biết một vài dự án có mức giảm giá từ 26 triệu đồng/m2 xuống 16 triệu đồng/m2, nhưng tôi cho rằng mức giá này vẫn chưa phải là quá thấp, mà vẫn là cao đối với mặt bằng giá trị xây dựng hiện nay. Chính vì thế, việc giảm giá này chúng ta hãy coi là việc hết sức bình thường, vì vay nợ để đầu tư rồi giảm tới mức mà chưa đến giá sàn, chưa đến giá trị sản xuất thì cũng không có gì đặc biệt hay bất thường trên thị trường BĐS.
Theo ông, giá BĐS giảm như vậy đã thực sự hợp lý chưa?
Tôi cho rằng, giá này vẫn còn phải giảm xuống nữa, đừng thấy xuống giá mà sốt ruột sợ thế này, thế kia. Bởi lẽ, thị trường BĐS hiện nay không vì người tiêu dùng mà vì người có tiền nên chúng ta cần nó phải xuống nữa. Không nên nghĩ ở đây có điều gì bất thường hay cho rằng thị trường sắp “sập”, theo tôi thị trường đang có xu hướng tốt hơn trong tình trạng hiện nay.
Thị trường BĐS giảm giá sẽ tốt hơn cho người tiêu dùng. Ảnh: Hải Nguyễn
Việc giảm giá, bán tháo liệu có ảnh hưởng đến các ngân hàng, nơi đã rót vốn không, thưa ông?
Theo báo cáo của ngân hàng, đến thời điểm này tổng dư nợ tín dụng BĐS vẫn chưa vượt quá 10%. Nếu tín dụng BĐS dưới 10% sẽ không có tác động tới ngân hàng, nhưng nếu có ngân hàng nào đấy cho vay “đen” thì có thể chịu ảnh hưởng.
Mặc dù ở Hà Nội chưa có dự án nào giảm giá, bán tháo như ở TP Hồ Chí Minh nhưng lại có nhiều vụ vỡ nợ thậm chí lên đến vài trăm tỷ đồng liên tiếp xảy ra, chủ yếu liên quan đến việc vay vốn để đầu tư BĐS?
Câu chuyện ở Hà Nội lại khác, bản chất của việc người ta gom tiền chính là để đầu cơ, chứ không phải đầu tư. Ít nhất là dưới dạng “lướt sóng”, nếu có người mua thì bán ngay rồi chia lợi nhuận cho nhau. Mà trong tình trạng hiện nay, chúng ta đang phải kiềm chế lạm phát, thị trường tài chính cũng không có biểu hiện ổn định, thì sẽ không có ai dại gì đi đầu cơ vào lúc thị trường khó khăn như thế này. Còn ai đã chót đầu cơ mà chịu thất thiệt thì cũng đành phải chấp nhận.
Vậy theo ông, chúng ta nên nhìn thị trường BĐS lúc này dưới góc độ như thế nào?
Tôi luôn lạc quan về thị trường BĐS, kể cả trong thời gian tới. Nếu không có tác động mạnh vào khu vực tài chính thì chúng ta hãy coi những diễn biến của thị trường hiện nay là bình thường.
Trong những tháng cuối năm này, việc đến hạn phải trả nợ của một số dự án chắc chắc sẽ phải xảy ra. Họ có thể tìm được giải pháp khác để có tiền trả nợ, chẳng hạn có thể liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài, hoặc trong nước để giải quyết vấn đề vốn đối với các ngân hàng, hay buộc phải xuống giá, tìm cách chuyển nhượng dự án, mua bán sáp nhập doanh nghiệp... nếu có người mua. Đương nhiên, nếu xuống giá mạnh để đẩy hàng ra thị trường nhiều hơn và hy vọng có nhiều người mua sẽ có tác động tới giá cả trên thị trường.
Tôi cho rằng, đây là ảnh hưởng tốt vì sẽ khắc phục được tình trạng giá BĐS hiện còn chênh lệch quá lớn so với thu nhập của người dân. Nếu chúng ta làm giảm được khoảng cách này thì có nghĩa là làm cho thị trường vì người tiêu dùng hơn.