Chẳng có năng lực gì ngoài chạy...thủ tục dự án?
Trong khi bất động sản cho người sống đang ế ẩm thì thông tin một doanh nghiệp mạnh tay chi hơn 70 triệu USD (gần 1.500 tỷ VNĐ) đầu tư vào dự án công viên nghĩa trang lớn nhất Đông Nam Á tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) một lần nữa cho thấy sức hấp dẫn của ngành kinh doanh bất động sản cho người âm.
Cho đến nay, dịch vụ kinh doanh nghĩa trang ngày càng nở rộ, nhất là mô hình kết hợp giữa nghĩa trang với công viên, nghĩa trang sinh thái, mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư.
Từ Bắc chí Nam là hàng loạt nghĩa trang tư nhân như Lạc Hồng Viên (Hoà Bình), Vĩnh Hằng (Ba Vì), Sơn Trang Tiên Cảnh (Tây Ninh), An Viên Vĩnh Hằng (Đồng Nai), Hoa Viên nghĩa trang (Bình Dương)...
Lý giải điều này, theo chuyên gia phong thuỷ Nguyễn Vũ Tuấn Anh, nguyên nhân sâu xa chính là quan niệm của người Đông phương về phong thủy, trong đó người ta cho rằng: Vị trí đặt mộ của người đã khuất có liên hệ chặt chẽ đến cuộc sống của con cháu và cả dòng tộc cùng huyết thống. Ngoài ra nó còn xuất phát từ truyền thống đạo đức của người phương Đông về trách nhiệm hiếu, nghĩa với người đã khuất, là cha mẹ, anh em....
"Chính vì tính truyền thống đạo lý và quan niệm về phong thủy, qua thực tế chứng nghiệm của ngành phong thủy Đông phương từ hàng ngàn năm qua đã khiến cho con người Đông phương trong điều kiện kinh tế khá giả luôn có xu hướng đi tìm chỗ chôn cất đắc địa theo cách gọi là "mồ yên, mả đẹp". Theo tôi, đó là nguyên nhân để các nhà đầu tư đã không ngại tốn kém khi xây dựng những nghĩa trang cao cấp, để thỏa mãn nhu cầu xã hội của con người theo truyền thống phương Đông".
Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh cho rằng, sự ế ẩm của bất động sản cho người sống có một phần nguyên nhân của việc thiếu phân tích tinh tế mọi phương diện:
"Khi đầu tư vào nhà ở - bất động sản cho người còn sống, bị ế ẩm, vì đầu tư ồ ạt, thiếu sự phân tích tinh tế trên mọi phương diện, trong đó bao gồm cả phong thủy, thì về thực chất, đầu tư vào nghĩa trang chính là một phương pháp đầu tư vào bất động sản, nhưng đó là dạng đầu tư bất động sản dành cho người đã khuất".
Nghĩa trang Sơn Trang Tiên Cảnh ở Tây Ninh
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM coi những người xin được dự án làm nghĩa trang giống như trúng số tỷ phú, bởi thông thường xin đất làm nghĩa trang rất khó khi Việt Nam đang hạn chế đất chôn.
"Nghĩa trang công viên, nghĩa trang sinh thái..., đó chỉ là những danh từ để các ông chủ bán đất mà thôi, nói cách khác đó là biện pháp và nghệ thuật bán hàng của doanh nghiệp. Làm nghĩa trang càng lớn thì càng lãi, còn người dân có tiền cũng đua nhau làm mộ để khoe khoang, phô trương. Có những nơi người ta xây lăng mộ còn đắt hơn cả những chung cư cao cấp, cực kỳ lãng phí".
Ông Đực tỏ ra chua chát trước thực tế có những người muốn kiếm hai ba trăm triệu mua căn hộ chung cư nhưng không có, trong khi những người chết bỏ hàng tỷ, thậm chí cả trăm tỷ để xây mộ, thậm chí có lăng mộ còn đắt hơn biệt thự, chung cư cao cấp.
"Làm nghĩa trang đâu phải đầu tư nhiều, những người làm nghĩa trang đâu có năng lực chuyên môn gì ngoài thế lực và năng lực chạy thủ tục. Họ sao có thể xây được một chung cư?! Xây chung cư đòi hỏi kỹ thuật, nghệ thuật cao chứ ba cái nghĩa trang chỉ vẽ vời như hoạ sĩ vẽ. Vì lợi nhuận cao mà người ta đua nhau nhảy vào thị trường này để thu lợi chứ không phải vì có một tấm lòng, một ý thức tốt cho xã hội.
Bất động sản cho người sống hiện nay rất khó, rất cực vì phải làm sao để tung sản phẩm phù hợp ra thị trường với giá rẻ, phải cạnh tranh khốc liệt giữa các phân khúc với nhau. Đã thế lợi nhuận lại chẳng được bao nhiêu, chỉ dăm, chục phần trăm.
Trong khi đó, làm nghĩa trang đâu phải cạnh tranh, mỗi tỉnh chỉ có 1, 2 nghĩa trang, ai nhanh tay xin trước thì được, lời vài trăm phần trăm. Những người làm nhà ở cho người thu nhập thấp như Lê Thành hay Lê Thanh Thản đáng trân trọng hơn nhiều so với những người làm nghĩa trang.
Mỗi mét vuông đất làm nghĩa trang giỏi lắm mua 200-300 ngàn đồng/m2 nhưng mỗi phần mộ có thể bán tới vài triệu đến vài chục triệu đồng/m2, mà mộ thì chưa chắc được 20m2, 50m2. Tính ra còn đắt hơn cả biệt thự vùng ven", Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành thẳng thắn.
Cần chính sách nhà ở cho... người chết
Ông Nguyễn Văn Đực cho rằng cần giới hạn diện tích mộ phần để tránh sự bất hợp lý, phân biệt quá lớn giữa người giàu và người nghèo.
"Tôi phản đối xây mộ lớn, nghĩa trang lớn, nên khuyến khích thiêu hoặc làm những ngôi mộ giống như người Mỹ vẫn làm - lè tè nấm đất bên đường".
Còn theo TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cần quy hoạch lại các nghĩa trang, không để tự phát như hiện nay.
"Ở ta, kinh doanh theo kiểu phong trào, dịch vụ nghĩa trang cũng vậy. Nhưng để có được phần mộ trong những nghĩa trang tư nhân hiện nay phải có tiền và hiển nhiên là không rẻ. Đó là mộ của những người ít nhất có thu nhập trung bình trở lên, mà thu nhập trung bình trở lên trong xã hội chắc chiếm khoảng một nửa. Còn nửa khác chết chôn ở đâu? Lại phải nghĩ cho họ, cần có chính sách nhà ở cho... người chết. Có cầu ắt có cung, nhưng thị trường đất nghĩa trang bây giờ giống như nhà ở, toàn là cung - cầu căn hộ cao cấp, còn căn hộ cho người thu nhập thấp chưa nhiều".
Ở khía cạnh phong thuỷ, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh cho rằng, không nhất thiết phải chi phí tốn kém cho mộ phần.
"Sự đầu tư vào bất động sản bất luận cho người sống, hay chết, nếu thành công đều có lãi lớn. Cho nên việc các đại gia hoặc những người khá giả không tiếc tiền để mua những phần mộ chuẩn bị hậu sự cho chính họ, hoặc cho người thân với những dịch vụ tốn kém không có gì lạ.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề đạo lý, một phần mộ đẹp và dịch vụ tốn kém, chưa hẳn đã hoàn chỉnh về phong thủy. Những tiêu chí phương pháp đặt mộ trong phong thủy Âm trạch rất phức tạp, đòi hỏi công phu và cả kinh nghiệm của các thầy phong thủy.
Ngay cả một khu đất đẹp theo quan niệm phong thủy, chưa hẳn tất cả những ngôi mộ ở đấy đều được coi là tốt. Bởi vậy, các khu nghĩa trang, dù cao cấp hay bình dân, cũng cần lựa chọn những hình thế đắc địa về phong thủy. Và không nhất thiết phải chi phí tốn kém, chỉ cần đầy đủ nghi lễ dù đơn giản là được", ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh chỉ rõ.
-
Đại gia xây “nhà” cõi âm như cung điện dát vàng
Cổ nhân đã nói: Chết là hết. Nhưng hình như ở thế kỷ 21 này điều đó không còn đúng nữa, khi chết chưa phải là hết, mà còn nhiều “nặng nợ” với đời. Trong đó điều đầu tiên để quan tâm đặc biệt, chết thì ở đâu, ở như thế nào trong thế giới cõi âm.
-
Vĩnh Phúc xây dựng siêu công viên nghĩa trang trị giá 70 triệu USD
Có tổng mức đầu tư hơn 70 triệu USD, trong đó áp dụng các quy chuẩn về thiết kế hiện đại và công nghệ hỏa táng của Thụy Điển, công viên Nghĩa trang Thiên An Viên hứa hẹn sẽ trở thành một siêu công viên nghĩa trang ở VN.
-
Hàng nghìn tỷ đồng đầu tư vào bất động sản 'cõi âm'
Trào lưu xây nghĩa trang kết hợp công viên tại Việt Nam ngày càng nở rộ, với vốn đầu tư vài trăm cho đến cả nghìn tỷ đồng. Nhiều lô đất thuộc "khu VIP" dành cho người chết lên tới hàng tỷ đồng.
-
Xu hướng đầu tư đất nghĩa trang
Kỳ 2: Sốt đất nghĩa trang, “cò đất” lên đời Lợi dụng việc khan hiếm đất chôn cất, không chỉ ở Tp.HCM mà còn diễn ra ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An,… Giới cò đất đổ xô chuyển “ngành” qua làm một cái nghề cò mới đang rất “hot”: “Cò nghĩa trang”. Loại cò này xuất hiện ngày càng nhiều và chiêu thức tinh vi hơn khi đánh vào tâm lý của người mua để “móc túi”.