Ế đất cõi dương, làm “cò” cõi âm
Chán ngán cảnh ế ẩm thị trường nhà đất, nhiều người làm môi giới nhà đất đã chuyển sang làm “cò” nghĩa trang vì thấy lợi nhuận hơn. Anh Nguyễn Xuân Tài, từng là cò đất cho biết, “Nghe mấy người bạn rỉ tai, việc mối lái đất nghĩa trang đang ăn nên làm ra nên tôi quay sang làm môi giới đất nghĩa trang. Ban đầu chỉ có ý định làm một thời gian nhưng thấy “ngon cơm” nên tôi chuyển sang làm hẳn luôn”.
Theo anh Tài, cũng như các cò đất khác, cò đất nghĩa trang được phân làm nhiều loại. Loại thứ nhất, "cò" chỉ là người dẫn mối, làm dịch vụ ma chay xung quanh các nhà tang lễ. Khách đến chỗ “cò” này phải đưa trước nửa số tiền để lo liệu. Gia chủ vẫn phải qua ban lễ tang của khu vực làm thủ tục. Lo liệu xong công việc, gia chủ sẽ đưa nốt số tiền còn lại, nếu họ “có lòng” cho thêm bao nhiêu lấy bấy nhiêu.
Loại thứ hai là "cò" đất làm ông chủ. Họ lập ra một tổ chức hẳn hoi và làm việc tương đối độc lập với nhà tang lễ. Khi gặp khách, họ đến làm việc thẳng với một số người phụ quản lý mà không qua ban lễ tang của khu vực. Trong tay những “cò” này lúc nào cũng có hàng chục suất đất có vị trí đẹp với giá từ vài triệu đến vài chục triệu. "Cò" còn lại thấp cấp hơn là công nhân nghĩa trang hay phu bốc mộ.
Ông N.V.B, một người chuyên đầu tư vào đất nghĩa trang ở quận 9 cho biết, do chưa có quy định cụ thể về đầu tư đất nghĩa trang nên loại hình này rất béo bở. Không những không phải đóng thuế, không phải khai báo thu nhập mà quan trọng hơn là mua bao nhiêu cũng có, sang nhượng không hạn chế... lại nhiều ưu đãi, nên siêu lời.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, hộ tư nhân, “cò” đất cùng nhảy vào kinh doanh loại hình khá nhạy cảm nhưng hái ra tiền này.
Thấy mối lái đất nghĩa trang đang ăn nên làm ra nhiều cò đất đã sang làm "cò nghĩa trang". Ảnh: Nguồn internet
Không “xí” đất sẽ mất phần
Trong lúc đau đớn vì mất người thân, gia đình nào cũng muốn dành phần tốt đẹp nhất cho người nằm xuống vì “nghĩa tử là nghĩa tận”. Chính yếu tố tình nghĩa đó lại là miếng mồi béo bở cho “cò” đất nghĩa trang. Của một bán trăm, của trăm bán ngàn rồi hàng chục thứ tiền vặt vãnh kèm theo người sống phải bấm bụng chi vì muốn người thân được mồ yên mả đẹp.
Ông Phương, quận 10 than thở, “Ba tôi mất quá đột ngột, xoay xở không kịp nên anh em chúng tôi phải thông qua cò thì họ hét giá kinh khủng”. Cực khổ gần cả cuộc đời nên “anh em chúng tôi vẫn cố gắng để ông cụ mồ yên mã đẹp”, ông Phương ngậm ngùi.
Kinh doanh huyệt mộ đang có vẻ gặp thời, nên giá cả cũng rất vô chừng và thường được giới cò đẩy lên cao chót vót không thua kém gì giá cả nhà đất trước đây. Giá thật, giá ảo khó lường. Giá thực của một huyệt mộ có khi chỉ bằng phân nửa so với giá ảo mà nhiều tang chủ phải xót lòng mua chỉ vì bị cò đẩy giá lên.
Không nằm trong giới cò chuyên môn, ông Tâm trước đây là phu bốc cốt ở Thủ Đức cho biết, loại cò này không cần bằng cấp hay chuyên môn gì cả. “Chỉ cần người mối lái biết cách lèo lái, thành thạo địa bàn một chút là kiếm sống ngon ơ”, ông Tâm nói.
Một số cò khác thì cho rằng, trong lúc tang gia bối rối, tang chủ cũng chẳng còn tâm trí đâu để mà “kỳ kèo bớt một thêm hai” với cò. Cò nói sao, nghe vậy, chỉ mong lo cho xong việc.
Trước tình trạng đất nghĩa trang đang tiếp tục ngày càng khan hiếm thì việc tìm kiếm huyệt mộ chôn cất cho người chết đều phải qua tay cò. Qua đó đã mách bảo rằng có một thị trường đang bị bỏ trống – thị trường đầu tư và kinh doanh đất nghĩa trang.
Nghị định 35 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2008 đã công nhận việc xây dựng và khai thác nghĩa trang là một ngành kinh doanh. Theo đó, các cá nhân và doanh nghiệp sẽ nhận được những ưu đãi đặc biệt khi đầu tư loại hình này như: được Nhà nước cấp đất xây dựng nghĩa trang lâu dài và không thu tiền sử dụng đất, hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào, hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng tuỳ theo quy mô, hình thức đầu tư… Đây là một trong những nguyên nhân khiến phân khúc thị trường này sôi động. |