Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, trong một hội thảo về quy hoạch xây dựng phát biểu: “Xu thế hiện nay thì bên cạnh việc quan tâm tới chỗ ở cho người sống, xã hội rất quan tâm tới nơi ở cho người đã khuất và đây là vấn đề chúng ta phải tiếp cận lại của nhiều nước trên thế giới”.
Khi các đại gia buôn bán bất động sản dành cho người sống đang thắt ruột vì ế ẩm, đóng băng các giao dịch thì “thị trường” đất dành cho nơi yên nghỉ vĩnh viễn của cõi âm lại rất đắt hàng. Không hẳn do số người về cõi âm gia tăng, mà do nhu cầu của cả người đang sống muốn chọn sẵn cho mình một căn “nhà”, một nơi chốn ưng ý khi rời dương thế trong tương lai. Chẳng thế mà trước đây vài năm đã có một nghĩa trang ở Hòa Bình với diện tích 100ha nằm trên 9 quả đồi đã được mệnh danh “Công viên nghĩa trang lớn nhất khu vực Đông Nam Á”, nhưng danh hiệu này sang năm 2015 sẽ phải nhường cho một dự án công viên nghĩa trang khác ở TP.Vĩnh Yên và huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc với diện tích lên đến 118ha… Và có rất nhiều đại gia đã xây sẵn cho mình và gia đình những khu “nhà” cõi âm như cung điện dát vàng cẩn ngọc đá quý…
Ảnh minh họa
Lại nói đến chuyện “nhà” của người cõi âm, không ít những nghĩa trang ở nhiều tỉnh phía nam, nhất là khu vực miền Trung, “nhà” được xây như những công trình kiến trúc thật sự, và không thiếu những ngôi “nhà” lộng lẫy, kiểu cách tinh xảo, cầu kỳ, nhìn tổng thể nghĩa trang như một vương quốc kỳ lạ. Số tiền chi cho những ngôi “nhà” cõi âm đó không hề nhỏ, có khi còn hơn một ngôi nhà cho người sống… Và đã có cả một nghề kinh doanh “xây nhà” ở cho người cõi âm rất phát đạt.
Chưa hết, gần như hầu khắp các ngôi chùa cả trong Nam ngoài Bắc bây giờ đều có phần phụ là “nhà” để tro cốt, và để có một chỗ ở “nhà” trong chùa, tùy chùa lớn nhỏ, chùa làng hay chùa tỉnh, chùa thuộc di tích quốc gia… mà giá từ thấp đến cao. Ví dụ như một chỗ để đặt bình tro cốt trong một chùa lớn ở Hà Nội, ở thời điểm hiện tại, dù trước đó đã “xin” nhà chùa bằng một số tiền giọt dầu không nhỏ, vẫn phải bỏ thêm 10 triệu VND để làm thủ tục “nhập gia”.
Phải chăng ở thời công nghệ, con người càng văn minh càng cần những “tiện nghi” cả khi không còn ở dương thế? Hay trong văn hóa tâm linh đã có sự thay đổi, chết chưa phải là hết, và ở thế giới cõi âm thì vẫn cần phải “sống” tử tế, vẫn cần có “nhà”, không chỉ cho bản thân mà còn là để lại cái hậu “gia tài” Phúc - Lộc cho con cháu, gia tộc…?
Và điều đó không biết có phải đã dẫn đến nhiều biến tướng không chỉ là trục lợi để biến thành hình thức kinh doanh, mà còn là một kiểu đi ngược với văn hóa truyền thống, tạo ra nhiều “hủ tục” mê tín dị đoan lạc hậu, buôn thần bán thánh ở nơi thuộc về cõi âm(?!)