16/01/2023 9:44 AM
Lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép có thể tiếp tục suy giảm trong nửa đầu năm 2023, nhưng sẽ khởi sắc trở lại vào cuối năm nhờ khả năng phục hồi nhu cầu ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Đầu năm giảm mạnh

Dự đoán về triển vọng các doanh nghiệp thép năm 2023, Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá nhu cầu thép trong nước có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trì trệ và chính sách tiền tệ thắt chặt.

Cụ thể, số lượng căn hộ mới được cấp phép xây dựng trong 3 quý đầu năm 2022 giảm tới 41% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tiến độ của các dự án đang tồn đọng cũng có thể bị chậm lại do vấn đề thanh khoản của chủ đầu tư bất động sản.

Lợi nhuận ngành thép tiếp tục giảm mạnh nửa đầu năm 2023

Bối cảnh trong và ngoài nước cho thấy, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thép trong năm 2023 đối mặt với rủi ro suy yếu, khiến hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn.

Theo đó, SSI Research cho rằng nhu cầu thép thành phẩm trong nước có thể giảm ở mức một con số vào năm 2023. Tuy nhiên, việc tăng tốc đầu tư công có thể giúp bù đắp một phần nhu cầu thép giảm từ mảng bất động sản dân dụng.

Trên thực tế, sức cầu của thị trường thép trong năm qua bị ảnh hưởng tiêu cực phần nào, thể hiện qua lượng thép tiêu thụ giảm mạnh. Đơn cử với Tập đoàn Hòa Phát, lũy kế cả năm 2022, doanh nghiệp thép đầu ngành này đã cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn thép (bao gồm phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng HRC), giảm 7% so với năm 2021.

Tại thị trường xuất khẩu, kênh tiêu thụ này vẫn chưa thuận lợi do suy thoái kinh thế toàn cầu, nhưng có khả năng phục hồi vào cuối năm 2023. Cụ thể, nhu cầu thép dự kiến sẽ phục hồi 1% so với cùng kỳ, lên 1,8 tỉ tấn vào năm 2023, sau khi giảm 2,3% trong năm 2022, theo Hiệp hội Thép Thế giới.

SSI Research dự báo nhu cầu thép ở cả thị trường Mỹ và châu Âu sẽ giảm trong năm tới do suy thoái kinh tế. Trong khi đó, nhu cầu tại thị trường ASEAN dự kiến sẽ duy trì ổn định trong năm 2023, sau khi tăng trưởng 4-6% trong năm 2022.

Tuy nhiên, SSI Research cũng lo ngại khả năng xuất khẩu thép của Việt Nam sang các đối tác thương mại lâu năm như Malaysia, Indonesia và Philippines vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng công suất trong những năm gần đây. Theo đó, SSI dự báo xuất khẩu thép thành phẩm có thể giảm hơn 10% so với cùng kỳ trong năm 2023.

Năm 2023, nhu cầu yếu có thể dẫn đến hiệu suất sử dụng thấp, điều này sẽ gây áp lực lên doanh thu, dòng tiền và tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trong năm tới. Ngoài ra, chênh lệch giá thép giữa Việt Nam và các thị trường khác ngày càng thu hẹp sẽ khiến tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu kém hấp dẫn hơn so với những năm trước đây.

Trước bối cảnh thị trường không mấy khả quan, SSI Research dự báo lợi nhuận của cac doanh nghiệp ngành thép như Hoa Phát, Hoa Sen hay Nam Kim sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2023.

Giữa năm, xuất khẩu thép mới phục hồi

Bước sang năm 2023, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định lạm phát tăng nhanh và làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu làm giảm nhu cầu đầu tư và tiêu dùng, kéo theo tiêu thụ thép yếu dần từ cuối năm 2022. Theo đó, xuất khẩu thép sẽ tiếp tục trầm lắng trong các quý 1, 2 và đến giữa năm 2023 mới phục hồi khi áp lực tăng lãi suất dịu bớt trên toàn cầu.

Khu vực ASEAN được dự báo dẫn đầu tăng trưởng về tiêu thụ thép nhờ định hướng đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng. Còn tiêu thụ thép của Mỹ vẫn tăng trưởng trong năm 2022 và 2023 nhờ nhu cầu ô tô bật tăng sau dịch, chuỗi cung ứng bớt tắc nghẽn và đầu tư cho khai thác năng lượng tăng.

Ngược lại, châu Âu sẽ đi vào suy thoái nhẹ trong năm 2023 khiến nhu cầu thép của khu vực này suy giảm liên tục năm thứ hai liên tiếp. Tăng trưởng sản xuất và tiêu dùng của châu Âu có thể bị giới hạn trong vài năm do giá năng lượng cao.

VDSC cho rằng dù được sự báo sẽ phục hồi, xuất khẩu thép trong nửa cuối năm 2023 có thể phục hồi nhưng khó bật tăng mạnh trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại.

Cụ thể, Mỹ nới hạn ngạch nhập khẩu cho thép Nhật, EU và UK từ đầu năm 2022; EU gia tăng biện pháp bảo hộ đối với tôn mạ (nhóm 4A) của Việt Nam từ 1.7.2022 đến 30.6.2024. Dựa trên dự báo về tình hình tiêu thụ thép trong nước và xuất khẩu, VDSC nhận định nhu cầu thép thế giới khó phục hồi mạnh trong năm 2023.

Khởi sắc từ nửa cuối năm 2023?

Bên cạnh những lo ngại thị trường chưa thuận lợi do suy thoái, SSI Research cho rằng vẫn có nhiều động lực giúp lợi nhuận của các công ty thép phục hồi trở lại trong năm 2023.

Năm 2023, giá thép có thể ít biến động hơn do nhu cầu của Trung Quốc ổn định. Cụ thể, sau khi giảm trong năm 2022, nhu cầu các mặt hàng sắt thép tại Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi nhẹ trong năm nay nhờ động thái mở cửa trở lại nền kinh tế trong những tháng đầu năm.

Ngoài ra, nhu cầu thép tại thị trường này cũng sẽ được hỗ trợ bởi các biện pháp gần đây của chính phủ nhằm giải quyết vấn đề thanh khoản của các chủ đầu tư bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng. Hiện sản lượng thép của các nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới đã sụt giảm phải cắt giảm sản lượng sau một thời gian dài thua lỗ. Theo đó, những yếu tố này có thể giúp giá thép khu vực ổn định hơn trong năm 2023.

Việc giá thép, giá các nguyên liệu sản xuất thép được kỳ vọng điều nhỉnh hơn vào cuối năm cùng với nhu cầu dự kiến phục hồi ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận gộp của ngành thép. Theo đó, lợi nhuận các doanh nghiệp thượng nguồn như Hòa Phát, Formosa, Thép Pomina và hạ nguồn như Nam Kim, Hoa Sen, SMC… sẽ khởi sắc trở lại từ quý 3.2023 trở đi.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.