Hoạt động kinh doanh bất động sản đã ghi nhận những tín hiệu tích cực. Ảnh minh hoạ
Mới đây, Tổng Cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có dữ liệu báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024.
Tại báo cáo, hoạt động kinh doanh bất động sản đã ghi nhận những tín hiệu tích cực về tình hình thu hút vốn đầu tư và số doanh nghiệp bất động sản quay trở lại thị trường.
Theo đó, tháng 2 năm nay, cả nước có gần 8,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 67,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 50,9 nghìn lao động.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, cả nước có hơn 22,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 218,7 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 154,3 nghìn lao động, tăng 12,4% về số doanh nghiệp, tăng 32,8% về vốn đăng ký và tăng 29% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình kinh doanh bất động sản, trong 2 tháng đầu năm cả nước có 552 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, bằng 100,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 843 doanh nghiệp, bằng 138,7% so với cùng kỳ 2023.
Về tổng thể, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, cả nước có 41,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, bình quân 1 tháng có hơn 20,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Khối ngoại “rót” 279,3 triệu USD vào bất động sản
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 2 đã được các Bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai công việc ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm, đặc biệt là các dự án chuyển tiếp.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20.2 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký cấp mới có 405 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 103,8% về số vốn đăng ký.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,37 tỷ USD, chiếm 38%; các ngành còn lại đạt 139,3 triệu USD, chiếm 3,9%.
Trong số 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,94 tỷ USD, chiếm 53,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc); Nhật Bản; Trung Quốc; Hàn Quốc; Đài Loan…
Đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 2 tháng trong 5 năm qua và hoạt động kinh doanh bất động sản cũng đạt 279,3 triệu USD, chiếm 10%.
Còn về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2024 có 17 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 24,8 triệu USD.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 25 triệu USD. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5,4 triệu USD, chiếm 21,5%; hoạt động xây dựng đạt 5 triệu USD; chiếm 20%.
Theo đánh giá của một vài đơn vị nghiên cứu thị trường, so với đầu năm 2023, thị trường bất động sản đầu năm 2024 có những dấu hiệu tích cực hơn cả về mức độ quan tâm và lượng tin đăng. Đáng chú ý, tại Hà Nội và TP. HCM, đất nền và đất dự án có mức độ quan tâm tăng mạnh hơn cả chung cư.
Trong đó, tỷ trọng mua để đầu tư chiếm 60% và đất nền vẫn là loại hình được người mua tương lai quan tâm nhiều nhất.
Theo báo cáo CSS, tâm lý của các bên mua, bán bất động sản đã không còn quá dè chừng như trong năm 2023. Chỉ số tâm lý thị trường bất động sản nửa đầu năm 2024 tăng 3 điểm so với nửa cuối năm 2023, nhờ sự cải thiện mức độ hài lòng của người tiêu dùng về tiềm năng tăng giá bất động sản, về lãi suất vay mua nhà và chính sách, tình hình thị trường.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đầu năm “ấm” dần lên, các nhà môi giới, sàn giao dịch và chủ đầu tư đã khởi động sớm các chiến dịch kinh doanh để không bỏ lỡ cơ hội tiếp cận lượng lớn khách hàng tiềm năng.
Lý giải cho điều này, giới chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp và giới đầu tư đang tranh thủ đẩy hàng sớm trong năm 2024, bởi nếu đợi sang năm 2025 khi Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) có hiệu lực, việc thu về nguồn tiền sẽ khó khăn và mất thời gian hơn.
Khi đó chủ đầu tư chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, sau khi hoàn thành tất cả nghĩa vụ để bán mới được thu tiếp 25%. Điều này có nghĩa, nguồn cung bất động sản năm 2024 sẽ được cải thiện hơn so với trước.
-
Lãi suất tiết kiệm thấp, dòng tiền nhàn rỗi có tìm kiếm sang kênh bất động sản?
Trong năm 2023, lãi suất gửi tiết kiệm giảm tới hơn một nửa với chính sách tài khóa nới lỏng.
-
Chính sách bất động sản, xây dựng nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2024
Nhiều chính sách mới về bất động sản, xây dựng bắt đầu có hiệu lực từ tháng 11/2024. Trong đó, nổi bật là các quy định sau đây:
-
Điều chỉnh bảng giá đất theo thị trường là cần thiết nhưng phải cẩn trọng, đúng quy luật khách quan
“Việc điều chỉnh bảng giá đất theo sát giá thị trường là cần thiết; tuy nhiên, phải thực hiện cẩn trọng, theo đúng quy luật khách quan, không được nóng vội, đốt cháy giai đoạn” – đây là chia sẻ của Luật sư Phạm Thanh Hữu (Đoàn luật sư TP. HCM)....
-
Nhu cầu nhà ở tại TP.HCM vẫn suy trì sức hút, Hà Nội sẽ là hạt nhân của chu kỳ tiếp theo
Chia sẻ tại Hội thảo “Bất động sản phía Nam vượt qua thách thức và đón đầu cơ hội” được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 24/10 vừa qua, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam nhận định nhu cầu nhà ở tại TP.HCM vẫn duy trì đư...