Thị trường BĐS sẽ minh bạch nếu bộ chỉ số BĐS của Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng trong thời gian tới?
Ban hành xong để đó
Thông tư 20 (2010) về việc xây dựng thí điểm chỉ số BĐS tại 4 thành phố lớn (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ) được Bộ Xây dựng ban hành từ lâu. Tuy nhiên, gần 4 năm qua không nhiều địa phương hoàn thành việc báo cáo hằng tháng, hằng quý chỉ số BĐS.
Động thái trên chưa đủ sức nặng buộc các địa phương phải tuân theo. Mới đây, Bộ Xây dựng lại đề xuất Chính phủ tổ chức nghiên cứu và xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá thị trường BĐS (tại Đề án phát triển thị trường BĐS đến 2020 tầm nhìn 2030).
Theo đó, Chính phủ sẽ quy định trách nhiệm cung cấp thông tin về dự án BĐS, tiến độ thực hiện, tình hình giao dịch của các chủ đầu tư, các sàn giao dịch BĐS, các văn phòng công chứng tới các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường BĐS các cấp. Nếu đề xuất này được thông qua, quy định các địa phương phải xây dựng chỉ số là bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều địa phương không mấy mặn mà với việc này.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết: Địa phương không đủ nguồn lực để xây dựng chỉ số BĐS. Trong khi đó, ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hưng Yên cho rằng, mấy năm nay thị trường BĐS đóng băng, xây dựng chỉ số BĐS không cần thiết. “Nhiều thông tin đơn vị không nắm được. Trong khi đó, nguồn nhân lực thiếu, nhiều năm nay sở không có bộ chỉ số về BĐS”, ông Tuấn nói.
Không lẽ chịu “loạn”?
Trong khi Bộ Xây dựng đang loay hoay, có nhiều doanh nghiệp liên quan tới BĐS, như: CBRE, Savills… lại nghiên cứu và không ít phen, khách hàng hoang mang trước “ma trận” các chỉ số vênh nhau (dù cùng nghiên cứu một loại sản phẩm).
Nguyên Phó Giám đốc Savills Việt Nam (nay là Phó Tổng GĐ Tập đoàn Tân Hoàng Minh) Trần Như Trung, cho rằng, mỗi đơn vị có tiêu chí khảo sát thị trường khác nhau nên có sự vênh nhau trong đánh giá thị trường.
“Hiện đang có sự thiếu đồng nhất về số liệu. Bộ Xây dựng không thể kỳ vọng vào báo cáo từ các Sở Xây dựng. Bởi vì, sở không thể nắm hết được thông tin về sổ đỏ, giao dịch... Chúng ta nên nhìn nhận lại việc xây dựng chỉ số BĐS. Nếu làm tốt, nó sẽ giống chỉ số CPI của các địa phương. Muốn làm như vậy phải có đội ngũ chuyên nghiệp”, ông Trung nói.
Theo ông Trung, Bộ Xây dựng không nên coi việc xây dựng chỉ số là đũa thần bắt mạch cho thị trường BĐS. “Nếu làm tốt, chỉ số BĐS có tác dụng định hướng thị trường, giúp cơ quan chức năng xây dựng chính sách phù hợp với thị trường. Ngược lại, sẽ làm rối loạn thị trường vốn đang mù mờ về thông tin”, ông Trung nhấn mạnh.
Còn bà Hoài An, bộ phận nghiên cứu CBRE cho biết, hiện, ngay cả báo cáo về thị trường BĐS của Sở Xây dựng Hà Nội, Bộ Xây dựng đều dựa vào báo cáo nghiên cứu của CBRE. “Dù có đội ngũ chuyên nghiệp, nhưng những báo cáo của chúng tôi cũng không phản ánh toàn bộ mà chỉ một phần thị trường”, bà An nói.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, hệ thống thông tin BĐS chỉ là nguồn cung cấp dữ liệu phục vụ cho việc xây dựng chính sách điều tiết vĩ mô. Bản thân nó không phải là công cụ. Do vậy, Bộ Xây dựng phải đứng ra phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách.
Một lãnh đạo Bộ Xây dựng (xin giấu tên) chia sẻ: “Nếu chỉ dựa vào số liệu báo cáo của chủ đầu tư, sàn giao dịch sẽ không chuẩn. Phải có dữ liệu chuẩn và cơ chế kiểm tra chính thức các số liệu thu thập được để đưa ra thông tin chính xác về giá giao dịch BĐS. Điều này dường như là nhiệm vụ bất khả thi, bởi toàn hệ thống môi giới không nằm trong tay chính quyền. Trong thực tế, mới chỉ có 20% số lượng giao dịch qua sàn chính thống”.