CafeLand - Mặc dù hoạt động đầu tư bất động sản tăng trưởng chậm trong quý đầu năm 2020, các tên tuổi quốc tế đã có mặt tại Việt Nam vẫn rất kiên trì với chiến lược đầu tư bằng cách tiếp tục tìm mua tài sản hoặc hợp tác với doanh nghiệp trong nước có uy tín để thực hiện dự án.

Theo quan sát của Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, phần lớn các thương vụ thành công đến từ những nhà đầu tư am hiểu về biến động rủi ro và nhu cầu thị trường, với mục đích tìm kiếm hiệu suất đầu tư tốt, hoặc mong muốn mở rộng danh mục đầu tư trong khu vực.

Trong khi đó, nhóm đầu tư mới tham gia vào thị trường có phần bảo thủ hơn. Ngoại trừ các giao dịch đang trong quá trình triển khai, một số dự án lớn dự kiến sẽ bị tạm dừng trong thời gian bất ổn do dịch bệnh Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao bộ phận Thị trường vốn tại Việt Nam của JLL, cho biết với tâm lý “tiền mặt là vua”, trong bối cảnh kinh tế bất ổn, các nhà đầu tư thường ưu tiên giữ nguồn vốn và chỉ tập trung đầu tư vào các thị trường họ đã am hiểu.

“Các nhà đầu tư sẽ phải thực hiện thẩm định giá nhiều hơn, và do các chuyến bay đến Việt Nam bị hoãn nên các giao dịch đang triển khai sẽ bị chậm lại. Tuy nhiên, việc sử dụng các cuộc họp trực tuyến phần nào dỡ bỏ các trở ngại trong việc hoàn tất giao dịch”, bà Khanh cho biết.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao bộ phận Thị trường vốn tại Việt Nam của JLL

Đối với nhà đầu tư trong nước, quá trình phê duyệt bị trì hoãn cùng với chính sách thắt chặt tín dụng và ảnh hưởng từ dịch bệnh đã tạo áp lực ngắn hạn lên dòng tiền và thanh khoản.

Do đó, một số nhà phát triển trong nước tích cực huy động vốn thông qua hình thức tài trợ nợ, điển hình như phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc tìm kiếm đối tác vốn.

Mặc dù dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, song thị trường chưa ghi nhận xu hướng bán tài sản nợ xấu từ các công ty bất động sản trong nước trong quý đầu năm.

“Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ bình tĩnh và lạc quan, cam kết sẽ tiếp tục tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam trong dài hạn. Họ đang chờ thời cơ mới khi những ảnh hưởng của Covid-19 sẽ càng rõ nét hơn trong quý 2”, bà Khanh cho biết.

Đại diện JLL cũng thông tin thêm, hiện nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị cho các hoạt động kinh doanh của họ trở lại bình thường. Vị trí đàm phán giữa người bán và người mua ngày càng cân bằng hơn. Vì vậy, số lượng giao dịch thành công được kỳ vọng sẽ hồi phục trong nửa cuối năm 2020 hoặc 2021.

Trong khi nhu cầu của các nhà đầu tư đối với tài sản văn phòng và nhà ở được dự báo sẽ vẫn ổn định, các tài sản khu công nghiệp là phân khúc có nhiều tiềm năng hơn cả.

Khi các nhà máy buộc phải đóng cửa trong đợt bùng phát dịch ở Trung Quốc, nhiều tập đoàn đã phải tính kế hoạch để vượt qua thời kỳ hạn chế sản xuất và tránh phụ thuộc vào một quốc gia.

Một số công ty đa quốc gia đã lên kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam từ năm ngoái nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao.

Theo đại diện JLL, để thúc đẩy nhiều hoạt động M&A hơn, Việt Nam cần vượt qua nhiều thách thức đang tồn tại của một thị trường mới nổi. Trong đó cần cải thiện mức độ minh bạch cũng như đẩy nhanh quá trinh phê duyệt pháp lý nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Khi quá trình phê duyệt pháp lý hoàn thành, tăng trưởng nguồn cung có thể đáp ứng nhu cầu, thị trường sẽ minh bạch và hiệu quả hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.