08/10/2013 9:48 AM
CafeLand – Diễn biến trên thị trường bất động sản trong thời gian gần đây đã liên tiếp xuất hiện tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn, khách hàng biểu tình, kiện cáo triền miên… Thực trạng không mấy tốt đẹp này đang dần lấy đi không ít niềm tin hiếm hoi của khách hàng, vốn dĩ đã mỏng manh đối với thị trường nhà đất như hiện nay.

Để tránh những rắc rối không mong đợi trong việc mua bán nhà đất, khách hàng nên hết sức cẩn thận với những hợp đồng góp vốn xây dựng dự án. Ảnh minh họa: KL

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành là người đã có nhiều nhận định thẳng thắn và thực tế về thị trường nhà đất trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua. Vị chuyên gia này cho rằng: “Thị trường bất động sản chỉ mới bắt đầu đổ vỡ”.

Thực tế diễn biến trên thị trường thời gian sau đó đã trở thành những minh chứng rõ rệt cho dự đoán trên. Tình trạng đổ vỡ dây chuyền đều có sự góp mặt của hàng loạt tên tuổi danh tiếng từ Nam ra Bắc như: dự án Petroland, dự án Tricon Tower , dự án B5 Cầu Diễn, dự án chung cư Binh đoàn 12…

Vụ việc nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội Nguyễn Văn Tuẫn bị cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt giữ vì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền góp vốn của khách hàng đã tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về những mảng tối nguy hiểm tồn tại trên thị trường nhà đất Việt Nam. Từ những hợp đồng góp vốn rất nhiều khách hàng đã tin tưởng giao tiền cho chủ đầu tư, với tổng số tiền lên đến con số 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, bằng thủ đoạn tự ý chuyển đổi dự án từ nhà tái định cư sang nhà ở thương mại và Tập đoàn Housing với vai trò là đồng chủ đầu tư do Tổng GĐ Châu Thị Thu Nga làm chủ tịch cũng đã tiếp tay cho hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản chấn động trên.

Trước đó, cũng với mánh khoé tương tự, chủ dự án Tricon Tower, ông Edward Chi đã ôm 400 tỷ đồng tiền huy động vốn từ khách hàng bỏ trốn sang nước ngoài. Ngoài ra, chủ dự án còn liên tiếp sử dụng những chiêu trò như ngăn cản khách hàng tiếp cận dự án, trì hoãn thanh lý hợp đồng, chia rẽ khách hàng liên kết…

Được biết, Tricon Tower bắt đầu huy động vốn từ năm 2009 với bao điều hứa hẹn, tuy nhiên đến thời điểm này chủ dự án đã biến mất để lại đống bê tông trơ trọi cùng gánh nặng tài chính lên đôi vai rất nhiều khách hàng đã trót vay tiền góp vốn.

Ngoài hai bê bối lớn trên, thị trường bất động sản phía Bắc còn là nơi sinh sôi, nảy nở nhiều dự án ma, chậm tiến độ, tranh chấp, biểu tình và kiện cáo triền miên. Đơn cử một số trường hợp nổi bật khác như dự án chung cư Binh đoàn 12 do Công ty TNHH Quản lý Bất động sản Thế Kỷ huy động vốn của khách hàng rồi để mặc dự án cho cỏ mọc; dự án tháp Doanh nhân do Công ty CP đầu tư xuất nhập khẩu Tây Đô làm chủ đầu tư vẫn là bãi đất trống sau khi khởi công đầu năm 2010 và ra sức mồi chài huy động hàng chục tỷ đồng từ khách hàng…

Điểm chung của những dự án tai tiếng này đều xuất phát từ việc huy động vốn trái phép của chủ đầu tư nhưng lại không tiến hành xây dựng và giao nhà đúng như cam kết trên hợp đồng. Vì sao phần lớn khách hàng lại tin tưởng và chấp nhận đặt số tiền rất lớn vào tay chủ đầu tư như thế?

Hợp đồng góp vốn, thực chất là khách hàng và chủ dự án cùng nhau đầu tư và đây cũng chỉ là những hợp đồng thỏa thuận dân sự. Do đó, khi phát sinh vấn đề tranh chấp và kiện cáo thì việc đòi quyền lợi của khách hàng rất khó khăn. Cơn sốt nhà đất và lợi nhuận mà nó đem tới đã phần nào làm mất đi sự cảnh giác và tỉnh táo của nhiều khách hàng. Mặt khác, nhiều chủ đầu tư cũng lợi dụng kẻ hở này, tung nhiều chiêu trò, mánh lới cố tình lừa dối khách hàng nhằm trục lợi bất chính.

Cách tốt nhất để tránh những rắc rối không mong đợi trong việc mua bán nhà đất khách hàng nên hết sức cẩn thận với những hợp đồng góp vốn xây dựng dự án. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có những điều chỉnh và quy định cụ thể trong rào chắn pháp lý nhằm đảm bảo cao hơn quyền lợi cho khách hàng, nhằm giảm thiểu những vụ tranh chấp và kiện cáo liên tiếp bùng phát trong thời gian qua.

Đây cũng là thời điểm mà đạo đức kinh doanh của những doanh nghiệp bất động sản cần được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc trên cơ sở ràng buộc và điều chỉnh của pháp luật. Niềm tin và lòng tham là những yếu tố có tác động không nhỏ gây nên tấn bi kịch của thị trường nhà đất như hiện nay.

Sự đổ vỡ dường như trở thành làn sóng domino dưới sự tác động mạnh mẽ từ phía khách hàng thông qua việc mạnh dạn liên kết biểu tình và kiện cáo. Khách hàng đã cho thấy sự phản kháng và nỗi ức chế bởi sự lừa dối và thủ đoạn làm ăn bất chính của những chủ đầu tư “tay không bắt giặc”. Đây cũng là dịp thanh lọc lại thị trường, loại bỏ những tác nhân yếu kém, những “con sâu làm rầu nồi canh”.

Qua đó cho thấy, sự hồi sinh của ngành bất động sản vẫn còn là chặng đường dài phía trước. Sự hồi sinh trong tương lai hi vọng sẽ mở ra một con đường phát triển lành mạnh và chuyên nghiệp hơn những gì đã có trong quá khứ. Bài học kinh doanh mà bất động sản Việt Nam phải trả giá dù không hề nhỏ nhưng lại rất cần thiết.

Khánh Linh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.