CafeLand - Gói 30.000 tỷ cần chống ế đang loay hoay tìm lối ra. Các đại gia bất động sản căng thẳng tìm chiến lược kinh doanh. Nguồn tiền tại các ngân hàng với lãi suất ưu đãi bồn chồn chờ người vay. Hàng triệu người dân vẫn khao khát có một chốn đi về, một nơi an cư lập nghiệp.

Tiền không thiếu - hàng không thiếu - nhu cầu mua lại rất nhiều. Tại sao bất động sản vẫn đóng băng? Rất nhiều nhà nghiên cứu kiến thức uyên thâm, rất nhiều doanh nhân “đầu đầy sạn” đưa ra bao nhiêu, phân tích - nhận định – giải pháp uyên bác nhưng thị trường vẫn chưa thể ấm lên.

Chỉ là một khách hàng bình thường đã từng bơi trong thị trường bất động sản cực kỳ phức tạp rối rắm, tôi mạn phép cho rằng cái thiếu duy nhất hiện nay để thị trường hồi phục hiện nay chính là: Niềm tin.

Thật ngạc nhiên vì trong cơ chế hiện nay khi tiền là yếu tố quyết định tất cả thì niềm tin có ý nghĩa gì? Người ta thường nói một cách mỉa mai “Không có tiền thì sống bằng niềm tin à?”. Nhưng tôi cho rằng trong kinh doanh và đặc biệt trong thị trường bất động sản hiện nay niềm tin chính là yếu tố quyết định để bứt phá.

Tiền không thiếu - hàng không thiếu - nhu cầu mua lại rất nhiều. Tại sao bất động sản vẫn đóng băng?

1. Người mua nhà tin tưởng vào Black Friday

Giá nhà đất hiện nay vẫn còn quá cao so với mức sống của người dân đặc biệt là ở khu vực Hà Nội. Người ta phải bỏ ra ít nhất là 2 tỷ đồng để mua một căn nhà trong ngõ nhỏ và nhiều hơn 1 tỷ đồng nếu muốn mua một căn chung cư hai phòng ngủ. Cả một khối tài sản rất lớn nếu tính theo mức lương bình quân nhưng bằng cách vay mượn bạn bè, sự giúp đỡ của người thân, rất nhiều người đã và đang gom đủ tiền để mua nhà.

Tuy nhiên họ vẫn hết sức thận trọng dự đoán và mong giá nhà đất vẫn còn tiếp tục đi xuống. Họ luôn sẵn sàng trong tư thế như các tín đồ mua sắm chờ “Black Friday”. Những căn nhà nhỏ giá hợp lý luôn được săn lùng, những căn chung cư diện tích vừa phải đang chờ cắt lỗ để sang tên.

Chỉ một niềm tin thị trường đã gần chạm đáy, giá cả của các khu chung cư đã minh bạch sau khi gạt bỏ mọi chi phí ABC…, hàng hóa đã chuẩn giá thì chắc chắn người mua đang có nhu cầu và sẵn tiền sẽ hạ quyết tâm ngay. Và các nhà đầu tư bất động sản chắc chắn đã biết rằng trong ngày “Black Friday” tuần trước tất cả các cửa hàng đều có lãi dù mức giảm giá nhiều nhất tới 70%.

2. Người sử dụng phải tin tưởng vào chất lượng nhà và cung cách quản lý chung cư của nhà đầu tư

Hai yếu tố gây giảm giá trị nhất của mặt hàng chung cư chính là chất lượng và cung cách quản lý nhà chung cư. Người tiêu dùng Việt Nam thường mang nặng yếu tố tâm lý cộng đồng. Rất nhiều khu chung cư, chủ đầu tư chỉ lo marketing, giảm giá để bán cho hết hàng còn chất lượng xây lắp và đặc biệt là phần Ban quản lý chung cư sau này thì “tính sau”. Cho nên rất nhiều khu chung cư mới sử dụng đã xuống cấp, quản lý thiếu chuyên nghiệp gây dư luận không tốt khiến cho người mua đang ngần ngại.

Nếu chủ đầu tư có thể tạo dựng niềm tin cho khách hàng về chất lượng xây dựng và cung cấp dịch vụ quản lý hoàn hảo với mức phí hợp lý thì chắc chắn mặt hàng chung cư sẽ được nhiều người đón nhận. Đảm bảo về chất lượng xây dựng để người mua có thể cảm nhận trực tiếp bằng cảm quan, đào tạo đội ngũ quản lý chuyên nghiệp thân thiện ngay từ ban đầu chính là yếu tố tạo niềm tin vô cùng thiết thực để có thể bán được hàng.

Rất cần một con tàu phá băng thị trường nhà đất mang hai chữ “Niềm tin”

3. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ phải có niềm tin “mua là được”

Thị trường bất động sản tồn tại nhờ người cần nhà ở nhưng muốn sôi động được là phải nhờ những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Chính đội ngũ này sẽ tạo sóng thực và cả sóng ảo của thị trường. Tiền vẫn nằm trong túi, những nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn thận trọng: Mua rồi bán lại cho ai để có lãi?

Phân khúc nhà mặt phố quá đắt đỏ đến mức nếu có mua thì cũng không biết kinh doanh mặt hàng gì hay cho ai thuê để bù lỗ? Phân khúc chung cư thì giấy tờ chưa minh bạch, giá cả đội quá nhiều chi phí ABC, dịch vụ lại bất cập nên các nhà đầu tư nhỏ lẻ không dám ôm hàng vì họ đã tự đặt mình vào vị trí khách để cân nhắc.

Nếu các chủ đầu tư không giúp cho đội ngũ các nhà đầu tư nhỏ lẻ không lấy lại được niềm tin từ thị trường bất động sản thì việc khởi sắc sẽ rất khó khăn.

4. Chủ đầu tư, người mua nhà và giới đầu tư phải tin tưởng quy hoạch là chắc chắn

Quy hoạch hiện nay rất không ổn định, hay thay đổi và thường xuyên treo. Đã qua rồi thời đón sóng theo quy hoạch, giới đầu tư vẫn thờ ơ không còn “bám đường, bám cầu”… nữa. Bởi họ đã nhìn ra vấn đề cơ bản: việc chờ đợi quy hoạch thay đổi không thể thay thế nhu cầu ăn – ở - làm việc – mua sắm thiết thực trước mắt của mỗi người mua nhà. Không thể ăn bánh vẽ và ngồi chờ đợi.

Quy hoạch phải ổn định. Người mua cần an cư lạc nghiệp. Nhà đầu tư mong muốn hạ tầng đẹp hơn và ít xáo trộn hơn để giảm các chi phí, dễ bán hàng. Tất cả cần lắm một niềm tin từ hai từ “Quy hoạch”.

Khi bạn chưa tin tưởng, bạn sẽ không rút tiền ra khỏi ví.

Những dòng chảy ngầm nhỏ và mạnh mẽ thực tế vẫn tiếp tục hoạt động dưới lớp băng của thị trường bất động sản. Chắc chắn rằng sẽ rất cần một con tàu phá băng mang hai chữ “Niềm tin”. Thuyền trưởng của con tàu này sẽ là ai đây?

Đỗ Đỗ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.