Việc ngân hàng thương mại hạ mức trần lãi suất huy động 14% khiến cho doanh nghiệp sản xuất và nhà đầu tư đều khấp khởi mừng. Song, theo phân tích của nhiều chuyên gia, kể cả giảm lãi suất, thì riêng doanh nghiệp bất động sản vẫn khó có thể triển khai dự án bởi tỷ suất đầu tư/tỷ suất lợi nhuận quá nhỏ.

Thực hiện chỉ đạo Ngân hàng nhà nước, hai tuần qua nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt hạ lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh về mức 17-19%.


Lãi suất hạ đã đem nhiều tín hiệu vui với các doanh nghiệp sản xuất nhưng riêng đối với bất động sản - một trong lĩnh vực vừa thoát khỏi danh sách phi sản xuất thì lại không có gì đặc biệt. Theo tìm hiểu riêng phóng viên thì hầu hết doanh nghiệp vẫn khá thờ ơ bởi họ cho rằng lãi suất giảm không dễ cải thiện tình hình khó khăn hiện nay.


Ông Edward Chi - Tổng giám đốc Công ty đầu tư Minh Việt cho rằng, với mức lãi suất huy động giảm 14% thì lãi suất cho vay trên thị trường vẫn đang phổ biến mức 19-20%. Do vậy, dù giảm nhưng không tác động nhiều thị trường bất động sản.

“Với mức lãi suất hiện nay để nói doanh nghiệp có muốn vay hay không phải xét phương diện thời gian vay ngắn hạn hay dài hạn. Vay để tạm qua chắc chắc sẽ có doanh nghiệp vay. Còn vay trung và dài hạn đối với LS hiện nay nhiều DN không dám vay bởi mức lãi suất/ tỷ suất đầu tư là rất cao. Nếu tính vay 17% trong 3 năm là 51%. Liệu một dự án bất động sản có thể lãi 50% không khi mà giá vật liệu, điện nước, nhân công tăng cao như hiện nay” ông Chi nói.

Theo tính toán của doanh nghiệp bất động sản, thời gian hoàn vốn của dự án bất động sản là 3 năm, trung bình chỉ số ROA (Tỷ số lợi nhuận trên tài sản) đặt mức 6-7%. Lấy 6 chia 3 năm lợi nhuận được 18-20% chưa chia rủi ro tiền tệ, trượt giá,… Vậy thì kể cả vay 14% doanh nghiệp không thể triển khai dự án.

Thực tế, lãi suất chỉ là 1 trong 12 chi phí lớn nhất để cấu tạo nên cái nhà. Thời gian qua, lãi suất cao khiến các doanh nghiệp phải xoay sở tìm mọi cách để bán được nhà. Thậm chí có doanh nghiệp giảm giá liên tục mà không bán được hàng.

Theo khiến nghị nhiều chuyên gia tài chính, đối với bất động sản không nên giải quyết theo hướng cho vay thêm nữa. Thị trường sẽ buộc thanh lọc để tìm ra doanh nghiệp nào khỏe sẽ tồn tại, doanh nghiệp nào yếu bị loại. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ở mức 20% trong khi 6 tháng đầu năm con số này đạt 7%. Vì vậy, từ giờ đến cuối năm vẫn còn 13% do vậy cần phân phối thật hợp lý để cho các ngành đều phát triển ổn định.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính cho rằng, việc đổ vốn mạnh vào lĩnh vực bất động sản trước đây đang đẩy các Ngân hàng thương mại rơi vào vòng xoáy khó khăn. Tỉ lệ nợ xấu BĐS trên tổng nợ xấu khoảng 8,3% tính đến tháng 6/2011. Bất ổn của thị trường bất động sản khiến nợ bất động sản có nguy cơ trở thành nợ xấu, trong đó tỉ lệ cho vay bất động sản cao chủ yếu lại ở các NHTM quy mô nhỏ.

Theo Anh Đào (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.