Sau đây là những đánh giá chung về tình hình hoạt động của các thị trường nhà đất nổi bật trên thế giới trong năm qua:
1. Mỹ
Ảnh minh họa
Thị trường nhà đất Mỹ trong năm qua đã chứng kiến sự phát triển nóng sốt không kém năm 2012. Giá nhà liên tục ghi nhận các đợt tăng kỷ lục ở nhiều thành phố lớn.
Tháng 1/2013, chỉ số S&P/Case-Shiller bất động sản Mỹ tại 20 thành phố đã tăng 8,1% so với mức 6,8% của tháng 12/2012. Sự tăng trưởng trên đã vượt qua mức dự báo 7,9% của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Bloomberg.
Theo đó, giá nhà tại 20 thành phố đã tăng 1% trong tháng 1. Trong đó, Phoenix và San Francisco là 2 thành phố có mức tăng cao nhất với 1,9%, sau đó là Atlanta tăng 1,8%, Las Vegas, Tampa, Florida tăng 1,7%.
Tháng 6/2013, báo cáo của công ty S&P/Case-Shiller thông qua chỉ số tổng hợp về giá nhà nhận định, giá nhà ở 20 thành phố của Mỹ trong tháng này đã tăng hơn 2,5% so với tháng trước và là mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ năm 2000.
Quý 4/2013, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị Mỹ đã công bố số liệu cho thấy, nhu cầu về nhà ở tiếp tục đẩy doanh số bán nhà mới trong tháng 10 và tháng 11 lên mức cao nhất kể từ năm 2008.
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù thị trường nhà đất của Mỹ vẫn còn nhiều khó khăn song các số liệu mới nhất ở trên đã cho thấy xu hướng tích cực trong năm 2014, giúp củng cố hơn nữa nền kinh tế Mỹ.
2. Anh
Tháng 1/2013, thị trường nhà ở London bất ngờ được tung ra ồ ạt đã đẩy giá nhà tại đây tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008, theo Rightmove. Theo đó, giá nhà chào bán tại thủ đô London đã tăng 3,6% so với tháng trước với mức trung bình khoảng 480.890 bảng Anh (764.000 USD). Mặt khác, giá nhà đã tăng 9,7% so với một năm trước đó, đây là mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 2/2010.
Trong tháng 8, báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Hometrack Ltd cho biết, giá nhà tại Anh lại tiếp tục tăng và đây cũng là mức tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 6 năm qua khi nhu cầu đã vượt qua nguồn cung nhà ở trên thị trường.
Bên cạnh đó, các báo cáo từ CBRE cũng như Jones Lang LaSalle cũng cho biết thêm, với chi phí thuê mỗi m2 văn phòng là 259,36 USD, phía Tây trung tâm của London là thị trường văn phòng đắt nhất thế giới, vượt qua thị trường trung tâm của Hồng Kông với giá thuê là 234,3 USD/m2.
Phát biểu tại tại hội nghị về kinh tế cuối tháng 11/2013, Phó Thủ Tướng Anh - Nick Clegg cho biết, Anh có thể sẽ áp đặt một loại thuế mới cho các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài trước sự gia tăng quá lớn của giá nhà tại Anh. Hiện tại, mức thuế cho bất kỳ khoản lợi nhuận từ việc bán một tài sản mà không được xem là nhà của chính họ là 28%. Tuy nhiên, các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài vẫn được miễn khoản này. Sự điều chỉnh này đang được chính phủ Anh cân nhắc kỹ càng.
3. Trung Quốc
Thị trường bất động sản Trung Quốc luôn được nhắc đến với sự phát triển quá nóng dẫn đến giá bị đẩy lên cao bất thường cùng hàng loạt các thành phố “ma” trải dài khắp cả nước.
Do đó, chính phủ Trung Quốc đã ban hành khá nhiều chính sách nhằm kiềm chế giá bất động sản trong năm 2013. Cụ thể như, cấm bán căn hộ thứ hai cho người hộ khẩu ngoại tỉnh, tăng thuế đối với bên bán hàng, tăng lãi suất và hạn chế mua nhà ở thứ hai…
Theo số liệu của China Index Academy, đầu tư bất động sản của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm tăng 20,3% so sới cùng kì năm trước, doanh thu của 10 công ty phát triển nhà hàng đầu của Trung Quốc tăng 44% đạt 490 triệu nhân dân tệ (79,8 triệu USD) trong 6 tháng đầu năm nay.
Mặt khác, số liệu công bố của Cục Thống kê Trung Quốc ngày 15/7, kinh tế Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng chậm lại, nhưng doanh số bán nhà lại không ngừng tăng lên.
Tháng 8/2013, thông tin từ trang web của chính phủ Trung Quốc cho biết, nước này đang hướng đến một sự phát triển ổn định với cơ chế dài hạn cho thị trường bất động sản. Theo đó, chính quyền trung ương sẽ hạn chế các biện pháp thắt chặt, thay vào đó địa phương sẽ có những chính sách điều chỉnh riêng phù hợp với tình hình riêng của từng nơi.
Tháng 10/2013, Chính quyền Trung Quốc tiến hành thử nghiệm thu thuế bất động sản trong bối cảnh giá nhà tăng liên tục tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc.
Tuy nhiên, bất chấp việc “tháo hơi” cho bong bóng bất động sản của chính phủ, 4 thị trường bất động sản lớn của Trung Quốc vẫn đạt được doanh số tăng kỷ lục trong tháng 11/2013.Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Trung Quốc, thị trường bất động sản ở 4 thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến tăng vọt khoảng 181,72% so với năm trước, doanh thu ước tính khoảng hơn 472 tỷ NDT.
4. HongKong
Ảnh minh họa
Thời điểm đầu năm 2013, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh đã công bố nhiều chính sách mới nhằm mục đích hạ nhiệt cơn sốt bất động sản tại khu tự trị này.
Cụ thể, Hong Kong đã đưa ra hàng loạt các biện pháp hạ nhiệt thị trường như tăng thuế trước bạ và cắt giảm vay nợ nhà đất. Chính phủ đã mạnh tay cắt giảm giá nhà từ tháng 10/ 2009, nhưng liên tiếp phải đối mặt với các chỉ trích khi mà giá vẫn tiếp tục tăng. Giá nhà đã tăng 2% vào tháng một và 120 % từ năm 2008.
Tháng 2/2013, Doanh số bán nhà tại Hong Kong sụt giảm sau khi Chính phủ nước này tăng gấp đôi thuế trước bạ với tài sản có giá trị hơn 2 triệu HKD (258.000 USD).
Tháng 3/2013, chính quyền Hong Kong đã cam kết hỗ trợ nguồn cung đất và dành riêng 580 triệu USD ngân quỹ hàng năm trong vòng 5 năm tới để tìm kiếm các khu vực xây dựng mới, hy vọng tháo gỡ tình trạng thiếu hụt đất hiện nay.
Ngoài ra, Kết quả một cuộc khảo sát thường niên vừa công bố của trường Đại học Trung Văn Hong Kong về chất lượng cuộc sống ở đặc khu hành chính này cho thấy, thu nhập của các hộ gia đình Hong Kong đã không thể theo kịp tốc độ leo thang của giá nhà ở và khoảng cách này đã bị nới rộng nhất từ trước đến nay.
5.Singapore
Báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản Singapore của Savills cho biết, trong giai đoạn từ quý 1/2012 đến quý 3/2013 ở phân khúc các dự án mới mở bán, người mua nhà đang ưa chuộng các căn hộ diện tích nhỏ từ 60 – 80 m2.
Ngoài ra, Singapore còn áp dụng tiêu chuẩn xây dựng mới đối với các công trình xây dựng tại nước này, chuyển từ tiêu chuẩn Anh (British Standards) sang tiêu chuẩn Châu Âu (Eurocodes).
Đáng chú ý, vào tháng 7/2013, các ngân hàng và tổ chức tài chính tại Singapore sẽ xem xét tất cả cả các nghĩa vụ nợ khác của người vay trước khi cấp một khoản vay bất động sản. Cơ quan tiền tệ Singapore cho biết, từ ngày 29/6, các tổ chức tài chính không phải cung cấp bất cứ khoản vay bất động sản nào vượt quá tổng tỷ lệ nợ từ 60%. Quy định cho vay bất động sản mới này sẽ là biện pháp thứ 7 của đảo quốc sư tử trong việc nỗ lực quản lý trị trường địa ốc 4 năm qua.
6. Thái Lan
Là thị trường bất động sản mới nổi trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã có thị trường nhà đất phát triển rất mạnh mẽ và bài bản từ khá lâu. Giá nhà tại đây được ghi nhận đã có sự bùng nổ và ngày càng khó kiểm soát nhất là ở các thành phố lớn.
Thị trường căn hộ Bangkok vẫn duy trì đà tăng trưởng trong quý cuối cùng năm 2013 bất chấp sự suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị đang diễn ra. Theo cổng thông tin tìm kiếm bất động sản HipFlat, giá bất động sản tại các quận trung tâm vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt. Giá căn hộ tăng được nhận định là do tác động của việc tăng giá đất đã thúc đẩy chi phí xây dựng tăng cao, HipFlat nhận định.
Jones Lang LaSalle cũng nhận định, thị trường bất động sản Thái Lan đã có sự đi lên mạnh mẽ mặc điều kiện bất lợi và xu hướng đi xuống của kinh tế thế giới.