Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn có nhiều yếu tố nên thận trọng.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên phạm vi toàn cầu, 11 tháng qua của năm 2020 là một khoảng thời gian khó khăn đối với các khách sạn ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, với phần lớn có kết quả hoạt động kinh doanh sụt giảm đáng kể và một số ít quyết định đóng cửa tạm thời.
Công suất thuê phòng và mức giá phòng trung bình ngày (ADR) giảm mạnh, ước tính doanh thu phòng của khu vực giảm hơn một nửa.
Ở Việt Nam, tình hình hoạt động của các khách sạn 11 tháng qua cũng sụt giảm nhiều so với khu vực, doanh thu phòng giảm hơn 2/3 so với năm trước. Chỉ số ADR trong tháng 10 của cả nước đã giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái, và so với đầu năm, chỉ số này đã giảm gần 40%.
Riêng tại TP.HCM, kể từ đợt giãn cách xã hội vào tháng 4/2020, công suất phòng hiện vẫn đang nằm dưới mức 20% và thấp hơn hầu hết các thành phố khác tại khu vực Châu Á, giảm mạnh so với công suất 72% đạt được vào năm 2019.
Trong hai tháng vừa qua, Hà Nội ghi nhận công suất thuê phòng gần 35% nhờ vào các doanh nghiệp địa phương đang dần phục hồi các hoạt động kinh doanh, nhu cầu lưu trú dài hạn tăng lên cũng như các cơ sở lưu trú đăng ký cung cấp dịch vụ cách ly.
Dù kết quả hoạt động kinh doanh sụt giảm, trong tháng 10 vừa qua, Hà Nội và TP.HCM đã ghi nhận mức công suất phòng cao nhất kể từ đợt giãn cách xã hội vào tháng 4/2020.
Việc phát triển vaccine và những kết quả đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã củng cố niềm tin cho Việt Nam trong quá trình hồi phục thị trường du lịch nghỉ dưỡng.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, đánh giá các điểm đến ven biển ghi nhận dấu hiệu phục hồi từ tháng 5 với lượng khách tốt và lượng đặt phòng tăng.
Tuy nhiên, việc tái bùng phát dịch ở Đà Nẵng đã ảnh hưởng nặng nề đến mùa du lịch cao điểm của khu vực này. Các khách sạn thành phố ghi nhận sự hồi phục của mảng kinh doanh MICE và hội nghị trong vài tháng qua, giúp nhiều khách sạn cải thiện về mặt doanh thu.
Một số khách sạn đưa ra mức giá dịch vụ thấp hơn so với thông thường nhằm gia tăng sức hút với nhóm khách du lịch có ngân sách thấp hơn, dẫn đến việc giá phòng trung bình có xu hướng giảm.
Ngoài ra, các khách sạn cũng đã tích cực đưa ra các chương trình kích cầu du lịch mới như Du lịch tại chỗ (staycation). Tuy nhiên, chương trình này chỉ thực sự hiệu quả ở một nhóm nhỏ khách sạn.
Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho biết, sau khi dịch được kiểm soát, thị trường ghi nhận nhu cầu đặt phòng dần hồi phục trong 3 tháng qua.
Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn đang nỗ lực để đạt được mức công suất 20%. Nha Trang và Phú Quốc ghi nhận công suất phòng cao hơn, đặc biệt là vào cuối tuần nhờ các gói ưu đãi kích cầu du lịch.
Mặc dù vậy, ông Gasparotti cho rằng, toàn thị trường nghỉ dưỡng nói chung sẽ khó vượt qua ngưỡng công suất 25%, ngoại trừ một số khu nghỉ dưỡng nằm ở các điểm đến lân cận các thành phố lớn có thể đạt cao hơn mức trung bình thị trường từ 10 đến 15 điểm phần trăm.
“Thị trường phục hồi khá chậm, mặc dù có nguồn cầu nội địa nhưng vẫn chưa được xem là đủ ổn định để có thể tác động rõ rệt đến hoạt động của khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Hiện nay, nguồn cầu chỉ thực sự tăng vào cuối tuần, còn các ngày trong tuần vẫn còn khá thấp”, ông Gasparotti đánh giá.
Theo chuyên gia này, hầu hết các khách sạn đều tập trung cắt giảm chi phí để có thể đạt được điểm hòa vốn hoạt động, chỉ một số rất ít có thể kỳ vọng đạt kết quả khả quan cho năm 2020.
“Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn kỳ vọng tình hình năm 2021 có khả năng phục hồi và chủ yếu tập trung vào quý 3, quý 4, khi các hạn chế đi lại có thể được nới lỏng và khách du lịch kết hợp hội nghị hội thảo (MICE) cũng như khách du lịch cá nhân từ các khu vực lân cận khôi phục hoạt động du lịch. Điều này sẽ hỗ trợ cho quá trình hồi phục của thị trường khách sạn và khu nghỉ dưỡng”, ông Gasparotti nhận định.
Về các ca lây nhiễm trong cộng đồng gần đây ở TP.HCM, ông Gasparotti cho biết, một vài khách sạn ở TP.HCM và khu vực phía nam đã nhận được một số yêu cầu hủy phòng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh MICE và hội nghị sẽ chịu tác động nhiều hơn khi một vài sự kiện phải tạm ngưng hoặc hoãn lại do e ngại về tình hình dịch bệnh.
Ca nhiễm Covid-19 gần đây tại TP.HCM phần nào gây nên hoang mang và lo lắng trong cộng đồng, song với những kinh nghiệm chống dịch trước đó, các cơ quan ban ngành đã và đang nhanh chóng triển khai các biện pháp chống dịch nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan và kiểm soát dịch tốt hơn.
“Chính vì vậy chúng tôi vẫn có cái nhìn tích cực về triển vọng phục hồi của thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam trong thời gian tới”, ông nói.
-
Bất động sản 2021: Nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào đâu?
CafeLand - Sau một năm với nhiều biến động đầy khó khăn, thị trường bất động sản nhìn chung vẫn duy trì được sự ổn định. Bước sang năm 2021, giới chuyên gia dự báo thị trường sẽ chứng kiến những xu hướng dịch chuyển dòng tiền của nhà đầu tư, nhiều phân khúc có thể sẽ bị thay thế.
-
Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi ra sao trong năm 2025?
Sau một khoảng thời gian trầm lắng tương đối dài, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 2025 được dự báo có thêm nhiều tín hiệu tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi. Trong đó là những dấu ấn nổi bật về tăng trưởng khách du lịch năm 2024 và những kỳ vọ...
-
Thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng nhiều nơi gần như đóng băng
Trong báo cáo thị trường tháng 11, DKRA cho biết phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và các vùng lân cận tiếp tục duy trì trạng thái ảm đạm.
-
Bao giờ bất động sản nghỉ dưỡng mới “tan băng”?
Mặc dù nguồn cung ghi nhận có tăng nhẹ nhưng thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp. Lượng giao dịch tập trung ở những sản phẩm có giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn.