Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã và đang triển khai xây dựng hàng loạt dự án giao thông trọng điểm quốc gia, cùng một số dự án đường tỉnh quan trọng khác. Theo nhận định, trong những năm tới, mạng lưới giao thông ở Đồng Nai sẽ được kết nối đồng bộ, hiện đại. Đây sẽ là một lực hút đối với các nhà đầu tư nhạy bén.

Ưu thế từ các dự án hạ tầng trọng điểm

Theo quyết định số 1327/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ ngày 24/8/2009 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trong đó Khu vực Đông Nam Bộ các dự án quốc lộ 1A, quốc lộ 1K, quốc lộ 20, quốc lộ 51, quốc lộ 56 đều được quy hoạch hoàn thiện đến năm 2020. Trong đó dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn tránh Biên Hòa (khởi công ngày 24-7-2010) có chiều dài 17,4km, điểm đầu tại khu vực nhà thờ Trà Cổ, huyện Trảng Bom, điểm cuối giao với quốc 51, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Tuyến tránh Tp.Biên Hòa sau khi xây dựng xong sẽ giải tỏa áp lực lưu thông trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua Tp.Biên Hòa. Đồng thời nối hệ thống giao thông khu vực với trục quốc lộ 1, quốc lộ 51, đường vành đai Tp.Biên Hòa và sân bay quốc tế Long Thành. Cùng với quốc lộ 1A là quốc lộ 51, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2012.

Ngoài ra một dự án được quan tâm đặc biệt là dự án như đường cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Theo thiết kế, tuyến đường cao tốc này đi qua địa phận quận 2, quận 9 thuộc Tp.HCM và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại văn bản ngày 10-1-2007. Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án đầu tư xây dựng ngày 13/2/2007 và điều chỉnh dự án tại quyết định ngày 8/8/2008.

Vào ngày 28/8, đại diện ban quản lý dự án đường cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây cho biết, qua gần hai năm khởi công, dự án cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây, dài gần 55km, đã triển khai được 6/7 gói thầu xây dựng. Ban quản lý dự án phấn đấu đến năm 2013 sẽ đưa toàn bộ công trình vào sử dụng. Như thế việc dự án này được hoàn thành và đưa vào sự dụng đúng tiến độ sẽ tạo được sự kết nối cho các khu vực kinh tế năng động đang trên đà phát triển mạnh của Tp.HCM và Đồng Nai. Đây thực sự là một lợi thế về hạ tầng mà hầu hết nhà đầu tư khi nhắm đến thị trường Đồng Nai đều quan tâm.

Cùng với dự án cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây là dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Bộ Giao thông vận tải đã được giao quyền phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo nội dung Công văn số 3487/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải. Dự án đi qua địa phận 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu dài 77,56 km, trong đó phần tuyến cao tốc dài 69,66 km và tuyến nối từ Phú Mỹ ra Quốc lộ 51 dài 7,9 km. Dự án sẽ được chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu triển khai xây dựng sau khi hoàn thành Tiểu dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 51 vào tháng 8/2012.

Nằm trong hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam đang được nỗ lực triển khai cho kế hoạch thông xe vào năm 2020 là dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Theo thiết kế, quy mô tuyến đường đã được xác định theo quy hoạch là đường cao tốc loại A, cấp 120, vận tốc thiết kế 120km/h. Khi đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, tuyến đường sẽ giao cắt với các tuyến quốc lộ 56, đường vào hồ Suối Vọng, đường tỉnh 765, quốc lộ 1 A, đường vào hồ Gia Ui. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng nên cho triển khai sớm dự án này để giảm thiểu mật độ giao thông trên tuyến quốc lộ 1A.

Bên cạnh các dự án giao thông quốc gia, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn có những dự án đường tỉnh cũng đang thi công như: ĐT767 từ ngã ba Bùi Chu (Trảng Bom) vào Trị An, ĐT768 - ngã ba Gạc Nai – Tp.Biên Hòa đi Vĩnh Cửu, đoạn II ĐT769 - QL51 đến phà Cát Lái (Nhơn Trạch) đều là những tuyến đường huyết mạch, khi hoàn thành sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội trong khu vực phát triển.

Ngoài ra, góp phần thay đổi diện mạo của Long Thành nói riêng và Đồng Nai nói chung, còn phải kể đến là dự án Sân bay quốc tế Long Thành. Dự án này được thực hiện theo quyết định số 909/QĐ-TTG được thủ tướng phê duyệt ngày 14/06/2011. Về quy hoạch khu sân bay, từ nay đến năm 2014 là giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thu xếp tài chính, khởi công vào năm 2015.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, trong khoảng 5 năm tới, hệ thống giao thông ở Đồng Nai thuộc diện hiện đại với những điểm kết nối, giao cắt một cách đồng bộ, hợp lý, góp phần vào sự phát triển kinh tế của Đồng Nai và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bất động sản Đồng Nai – Lợi thế từ các dự án hạ tầng trọng điểm

Sân bay quốc tế Long Thành là một trong những công trình góp phần làm thay đổi diện mạo mới cho bất động sản Đồng Nai. Ảnh: Nguồn internet

Đồng Nai – Diện mạo mới trong tương lai gần

Chính những công trình trọng điểm quốc gia về giao thông của chính phủ đã tạo một lực đẩy cho sự phát triển chung của Đồng Nai. Bởi Đồng Nai là tỉnh công nghiệp lớn với hàng loạt khu công nghiệp với gần 35 quốc gia đã mạnh dạn đầu tư vào vùng đất này khi sớm thấy được tiềm năng hiện hữu của tỉnh. Theo đó, dễ dàng lý giải vì sao có nhiều công ty kinh doanh bất động sản như Tập đoàn Đất Xanh, Tín Nghĩa, Sonadezi, Donacorp,… mạnh dạn đầu tư vào Đồng Nai.

Chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào một diện mạo mới của Đồng Nai bởi vì ít ai ngờ vùng đất đầm lầy, không có giá trị cao về mặt kinh tế phía Nam Tp.HCM nay lại có thể trở thành một khu đô thị mới hoành tráng và hiện đại như Phú Mỹ Hưng hiện nay. Chính sự thành hình của đô thị Phú Mỹ Hưng là một nhân tố quan trọng tạo nên sự thay đổi ngoạn mục đó, chúng ta có thể tin vào những khu đô thị mới kiểu mẫu tại Đồng Nai một ngày không xa cũng sẽ làm được điều như Phú Mỹ Hưng đã từng làm.

Nguyệt Cầm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.