Sân vận động Chi Lăng đang cần được "giải cứu"
Hầu hết các "khu đất vàng" này đều có liên quan đến những "đại gia địa ốc", ngân hàng tên tuổi đang lâm vào thế khó khăn trong mấy năm nay. Hệ quả của nó là nhiều khu đất bỏ hoang giữa trung tâm thành phố.
Điển hình như Sân vận động Chi Lăng, trước đây, khu đất này dự kiến sẽ hình thành nên khu phức hợp do Tập đoàn Thiên Thanh đầu tư nhưng nay đã thuộc quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước, do tập đoàn này vi phạm trong quản lý kinh tế đang trong quá trình xử lý pháp luật.
Các cơ quan chức năng tại thành phố và Ngân hàng Nhà nước đều đánh giá khó có thể tìm đơn vị thay thế tiếp tục đầu tư.
Những "khu đất vàng" khác thuộc quyền lợi và trách nhiệm đầu tư của Công ty CP Địa ốc Viễn Đông Việt Nam với vốn đăng ký 3.400 tỷ đồng. Sau hai lần khởi công hoành tráng, hiện trường chỉ được "ngụy trang" bằng vài đống vật liệu hoen rỉ.
Những dự án "vàng" khác thuộc về Công ty CP Địa ốc Đông Á, Công ty CP Địa ốc Vũ Châu Long. Các dự án đều chậm tiến độ 5 - 7 năm và trực tiếp làm cho mỹ quan đô thị của Đà Nẵng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ở vị trí trung tâm.
Do các chủ dự án đều đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Đà Nẵng nên việc xử lý hậu quả chậm triển khai đầu tư là rất khó khăn, có thể nói là bế tắc.
Và cũng sẽ không dễ dàng nếu ở thời điểm này hoàn trả lại số tiền mà chủ đầu tư đã đóng cho ngân sách thành phố. Đồng thời, công tác xúc tiến tìm kiếm những chủ đầu tư mới cũng chưa khả quan do nguồn vốn đầu tư quá lớn.
Ông Nguyễn Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ quyết tâm "giải cứu" bộ mặt đô thị.
Theo đó, dự án "đất vàng" đầu tiên là bãi đỗ xe ngầm 247 tỷ đồng thuộc Công ty CP Địa ốc Viễn Đông đã được thu hồi và trở về công năng cũ là công viên nhỏ giữa trung tâm thành phố.
Công trình này chắc chắn sẽ hoàn thiện trước tết Âm lịch. UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức họp với Ngân hàng Nhà nước để "giải cứu" dự án Sân vận động Chi Lăng với con số kinh phí chuyển nhượng quyền sử dụng đất 1.500 tỷ đồng, từ bỏ ước mơ xây dựng một khu phức hợp khổng lồ làm điểm nhấn kiến trúc như trước đây.
Việc bồi hoàn sẽ theo các quy định của pháp luật và diễn ra trong nhiều năm. Nếu được "giải cứu", Sân vận động Chi Lăng sẽ được sửa chữa và trở về chức năng sân vận động giữa trung tâm Đà Nẵng.
Với những dự án còn lại, quan điểm của UBND TP. Đà Nẵng là vẫn dành cho nhà đầu tư cơ hội cuối cùng về các phương án giải quyết. Tuy nhiên, việc xử lý cần thời gian dài do cả hai phía đều khó khăn trong việc tìm tương lai cho dự án.
Do đó, UBND TP. Đà Nẵng đang yêu cầu các chủ dự án tạm thời tôn tạo cảnh quan thành các khu công viên cây xanh, hoặc bố trí các khu bán hàng lưu niệm tạm thời phục vụ du khách để cải thiện bộ mặt văn hóa và mỹ quan ở khu vực trung tâm.
Song song đó, việc tìm kiếm các nhà đầu tư mới để hợp tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án "khủng" này cũng là phương án được chính quyền Đà Nẵng hướng tới, đồng thời là cơ hội cho những doanh nghiệp có năng lực tài chính.
-
Đà Nẵng nhận bài học đắt giá từ quy hoạch sân vận động Chi Lăng?
Chủ trương thu hồi Sân vận động Chi Lăng để sửa chữa là hợp lý nhưng cũng là một bài học đắt giá về quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ.
-
Đà Nẵng: Sân vận động Chi Lăng...nằm im thêm 5 năm nữa
CafeLand - Chính quyền thành phố Đà Nẵng vừa có chủ trương đầu tư lợp lại mái che khán đài sân vận động Chi Lăng để phục vụ các giải đấu bóng địa phương và trong nước, trong thời hạn duy trì ít nhất... 5 năm nữa.