Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VaRS) vừa công bố báo cáo quý 1.2022, cho biết đã có những dấu hiệu tích cực của thị trường các tỉnh, trong đó nổi bật là sự gia tăng về giá ở một số phân khúc.

Đã có những dấu hiệu tích cực của thị trường các tỉnh.

Tại Hà Nội, trong quý 1.2022 có 42 dự án nhà ở được chào bán, tập trung phần lớn ở các quận, huyện vùng ven do ưu thế về quỹ đất. Nhiều dự án đã được triển khai bán hàng từ 2 năm nay.

Giá bất động sản nhà ở tại Hà Nội cuối quý 1 tăng 4,5-6% so với đầu năm.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VaRS, cho biết mặt bằng giá vẫn tiếp tục cao do dòng tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư chưa tìm được “bến đỗ” khi các biến số kinh tế vĩ mô thiếu tích cực.

Ngoài ra, giá nguyên vật liệu tăng cao do tình hình địa chính trị phức tạp cũng tác động đáng kể đến giá cả bất động sản trên phạm vi toàn quốc, trong đó có Hà Nội.

Dự kiến vốn đầu tư công năm 2022 của Hà Nội là 51.000 tỉ đồng, tăng hơn 30% so với mức giải ngân năm 2021.

Ngoài ra, danh mục 39 dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 của TP. Hà Nội đã được báo cáo, thông qua Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội. Đây là tiền đề tích cực cho sự phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nguồn cung bất động sản trong năm 2022.

Theo ghi nhận của VaRS, các dự án bất động sản xung quanh vành đai 2,5, 3, 3,5, 4, cầu Vĩnh Tuy được hưởng lợi từ những dự án hạ tầng được Hà Nội ưu tiên.

Đối với bất động sản công nghiệp, đây là một điểm sáng đáng chú ý khi Hà Nội và các tỉnh lân cận vẫn là điểm thu hút đầu tư nước ngoài.

Trước đó, báo cáo thị trường bất động sản quý 1.2022 của Bộ Xây dựng cũng cho thấy giá đất nền tại Hà Nội, nhất là các khu vực đường Vành đai 4 cũng ghi nhận tăng vọt.

Cụ thể, đoạn qua huyện Hoài Đức, gần cụm công nghiệp Dương Liễu, cầu vượt Song Phương có giá hơn 100 triệu đồng/m2; khu vực gần dự án Vinhomes Wonder Park Đan Phượng giá khoảng 150 triệu đồng/m2; khu vực đầu cầu Nhật Tân phía Đông Anh có giá khoảng hơn 200 triệu đồng/m2 với những lô đẹp mặt đường lớn.

Tại khu vực Trung du và miền núi phía bắc, thống kê của VaRS cho biết có khoảng 50 dự án nhà ở đang được chào bán với tỷ lệ hấp thụ khoảng 31%.

Các dự án có tỷ lệ hấp thụ tốt: Mường Khến Heritage (120 sản phẩm), KĐT Phồn Xương (100 sản phẩm), Long Châu Star (120 sản phẩm), Nhà ở xã hội Bắc Kỳ (131 sản phẩm), Hanaka Từ Sơn (80 sản phẩm).

Các dự án nghỉ dưỡng có vị trí ở khu vực Hoà Bình và khu vực Thanh Thuỷ (Phú Thọ). Hiện tại các chủ đầu tư đang đóng bảng hàng chưa chào bán ra thị trường.

Trong quý 1.2022, thị trường bất động sản khu công nghiệp tại vùng trung du miền núi phía bắc không có nguồn cung mới. Nguồn cung sắp tới đến từ các dự án như: KCN Gia Bình (Bắc Ninh), KCN Yên Phong II (Bắc Ninh).

Tỷ lệ lấp đầy bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì ở mức trên 80% (bằng so với quý 4.2021).

Tại khu vực Tây Nam Bộ, quý 1 ghi nhận có 24 dự án nhà ở với khoảng 1.500 sản phẩm được chào bán ra thị trường; giao dịch đạt được khoảng 582 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ đạt gần 40%.

Một số dự án điển hình trong quý 1 có giao dịch tốt có thể kể đến như KDC Vạn Phát Sông Hậu (Hậu Giang), KĐT Cát Tường Western (Hậu Giang), Tây Đô Plaza (Hậu Giang), Stella Mega City (Cần Thơ), KDC Phước Thới (Cần Thơ), TNR Stars Chợ Mới (An Giang), Grand World TP Phú Quốc (Kiên Giang), West Lakes Golf & Villas (Long An)...

Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng có 8 dự án tiếp tục chào bán trong quý 1 với khoảng 120 sản phẩm giao dịch thành công. Tỷ lệ hấp thụ khá khiêm tốn so với nguồn cung khoảng hơn 1.000 sản phẩm.

Giá sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc dao động từ 8-100 tỉ đồng/căn.

Một số dự án điển hình có giao dịch tốt như Grand World TP Phú Quốc, Khu đô thị Meyhomes Capital TP Phú Quốc, Hòn Thơm Paradise Island...

Tình hình mua bán đất thổ cư, đất trong dân vẫn diễn ra khá sôi nổi. Tuy nhiên, thanh khoản nhanh vẫn tập trung ở một số sản phẩm căn nhỏ, diện tích dưới 40m2, trong hẻm nhỏ thuộc nội đô thành phố, mức giá từ 2 tỉ đồng trở xuống.

Đặc biệt tại khu vực quận Ninh Kiều, tập trung nhiều trường học và cơ quan hành chính, thu hút người dân nhập cư có nhu cầu nhập hộ khẩu quận trung tâm thành phố để làm việc và cho con cái đi học. Mức giá các sản phẩm này trung bình tăng từ 10-15%/năm.

Tại Vũng Tàu, phân khúc nhà ở giá 5-10 tỉ đồng đối với nhà phố và 2-3 tỉ căn hộ chung cư vẫn có nhu cầu lớn, do lực lượng người lao động từ ngoại tỉnh chưa có nhà vẫn còn cao.

Đặc biệt tỉnh này đang ngày càng thu hút nhiều lao động về các khu công nghiệp nên nhu cầu nhà ở với mức giá vừa phải vẫn còn lớn.

Ngoài công nghiệp, kinh tế mũi nhọn của địa phương này vẫn là du lịch, dịch vụ.

Lượng khách du lịch nội địa đông đảo đổ về Vũng Tàu dịp lễ tết, cuối tuần khiến các khách sạn, nhà nghỉ, căn hộ, biệt thự homestay... thường xuyên trong trạng thái “cháy phòng”.

Về căn hộ thương mại (shophouse), phân khúc này chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu sản phẩm tại Vũng Tàu, khoảng 3-5% trong các dự án. Tính thanh khoản tốt, tỷ lệ tăng giá 15-20%/năm tuỳ vào dự án. Tuy nhiên, việc khai thác tối đa hiệu quả các căn shophouse chỉ ở những dự án trung tập, tập trung đông dân cư sinh sống.

Tại Lâm Đồng, mặc dù thị trường có những tín hiệu tích cực, nhưng một số mặt trái xuất hiện tại địa phương này thời gian qua đã khiến thị trường một phen nhiễu loạn.

Cụ thể, nhu cầu về bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản sinh thái của các hộ gia đình thế hệ Y tại các thành phố lớn tăng đáng kể sau thời gian phong tỏa vì Covid-19.

Các doanh nghiệp bất động sản lớn như Novaland, Hưng Thịnh, T&T Group, Him Lam, Ecopark, Văn Phú – Invest, Happy House Việt Nhật... đều dành quỹ đất tại đây để triển khai dự án du lịch, nghỉ dưỡng quy mô.

Tuy nhiên, mặt trái của tình hình tăng trưởng phân khúc bất động sản sinh thái là việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng đến tình hình phát triển chung của tỉnh.

Chủ đề: Bất động sản 2022,
Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.