Trong đại dịch Covid-19, nhu cầu về các mảnh đất trong thế giới ảo, được gọi là metaverse, đã tăng vọt. Các siêu thị bất động sản ảo như Decentraland, The Sandbox, Cryptovoxels và Somnium Space hay các công ty trò chơi như Atari đều có metaverse của riêng mình.
Các nền tảng thực tế tăng cường đang cho phép các giao dịch bất động sản hiện tại là sự cải tiến từ các trò chơi ở thời Internet còn sơ khai như The Sims hay gần đây là Second Life. Nhưng có một sự khác biệt, đó là thế giới ảo hiện nay được xây dựng trên công nghệ block chain và sử dụng loại tiền điện tử riêng.
Cơn sốt bất động sản trên metaverse bùng nổ khi mọi người nhìn thấy tiềm năng của các lĩnh vực ảo cùng sự phát triển của các loại tiền kỹ thuật số. Nhiều loại tài sản ảo đã được giao dịch thành công trước cả cơn sốt đất ảo. Đầu năm nay, một bức tranh NFT được đấu giá thành công tại Christie’s với giá gần 70 triệu đô la.
Thế giới bất động sản ảo gần đây cũng chứng kiến một số giao dịch đáng kinh ngạc. Quyền sở hữu đối với Ngôi nhà sao Hỏa, một ngôi nhà bằng kính có thiết kế đẹp mắt nhưng hư cấu trên hành tinh đỏ do nghệ sĩ Krista Kim thiết kế, đã được bán với giá 500.000 đô la vào tháng 3/2021. Để so sánh, giá niêm yết trung bình của một ngôi nhà trong thế giới thực tại Mỹ là 380.000 đô la vào tháng 5/2021, theo dữ liệu của Realtor.com.
Niềm tin vào hệ sinh thái ảo
Nhiều người mua bất động sản ảo tin tưởng vào một tương lai trong đó những người trẻ tuổi di cư đến thế giới này để tham dự các buổi hòa nhạc ảo có các nghệ sĩ nổi tiếng ngoài đời thực, hay trưng bày và mua sắm các bộ sưu tập tác phẩm NFT. Họ dự đoán các thương hiệu lớn sẽ thiết lập các trung tâm mua sắm trực tuyến. Người dùng có thể mua sắm giày ảo cho nhân vật ảo đại diện của họ trong trò chơi, cũng như những đôi giày thực vận chuyển đến tận nhà.
Trên thực tế, một số điều mà họ tưởng tượng đã diễn ra. Rapper Travis Scott đã tổ chức một buổi hòa nhạc trong trò chơi điện tử trực tuyến Fortnite vào tháng 4/2020 và nhận được hơn 45 triệu lượt xem.
Những người hâm mộ không gian mạng cũng mong muốn tạo ra những ngôi nhà trong mơ được trang bị tất cả các tiện nghi mà họ không thể mua được trong thế giới thực. Trong một số trường hợp, họ thậm chí có thể vay thế chấp hoặc trả tiền cho một người xây dựng để phát triển một “ngôi nhà” ảo.
Khoảng 8,6 triệu đô la bất động sản đã được bán kể từ tháng 4 trong The Sandbox, một metaverse được tạo ra cho các game thủ.
Một số metaverse, như Upland và SuperWorld, đã tạo ra các không gian ảo dựa trên các địa điểm trong thế giới thực. Ở những nơi này, người mua có thể trở thành chủ nhân các phiên bản ảo của những bất động sản có thực, như Tòa nhà Empire State.
Đất ảo, giá trị thực
Mặc dù metaverse không phải là xu hướng chủ đạo, nhưng các nhà đầu tư đang đặt cược rằng chúng sẽ thu hút một lượng lớn người trẻ tuổi. Theo lý thuyết, một khi metaverse phát triển cơ sở người dùng mạnh mẽ, họ sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp muốn mở cửa hàng ảo hoặc các doanh nhân muốn làm những điều lớn lao mà không bị giới hạn bởi các quy định về đất đai như quy hoạch vùng hay chiều cao công trình.
Michael Gord, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Global Digital Assets Group cho biết công ty này đang mua bất động sản ảo tại các vị trí đắc địa của các metaverse và kỳ vọng sẽ cho các thương hiệu lớn thuê lại để kinh doanh. Họ cũng có kế hoạch ra mắt một quỹ đầu tư bất động sản ảo để thu hút vốn.
Đất ảo cũng có giá trị bởi giới hạn về diện tích trong thiết kế metaverse và không thể mở rộng thêm.
Tất cả 90.000 lô đất ảo của Decentraland, mỗi lô có diện tích 52 feet x 52 feet, tương đương khoảng 2.704 feet vuông, đã được bán trong các cuộc đấu giá vào năm 2017 và 2018. Các lô đất ảo này đang được niêm yết trên các sàn thứ cấp với giá từ vài nghìn tới vài trăm nghìn đô la.
Cũng giống như trong thế giới thực, vị trí các bất động sản cũng rất quan trọng. Một nơi có tần suất khách ghé thăm cao, chẳng hạn như khu hộp đêm, sòng bạc hoặc sân vận động thể thao, sẽ có giá trị hơn là vùng ngoại ô hẻo lánh với chỉ một siêu thị kề bên.
Zuppinger của website về NFT NonFungible.com, nói: “Nếu bạn là một thương hiệu và bạn đang cố gắng tiếp cận Thế hệ Millennial và Thế hệ Z, thì việc xuất hiện ở các metaverse là vô cùng cần thiết. Các công ty có thể thử nghiệm mọi thứ và tương tác với khách hàng mà không bị giới hạn về địa lý”.
Thế hệ trẻ là khách hàng chính
Sự phát triển của metaverses cho thấy rằng biên giới giữa thực và ảo đang biến mất nhanh hơn nhiều người nghĩ, đặc biệt là với thế hệ Z và Millennial.
Thế hệ Z hiện vẫn chưa tiêu thụ một lượng lớn bất động sản ảo vì họ không có hàng chục nghìn đô la để đầu tư. Nhưng các chuyên gia dự báo họ sẽ chuyển dần các hoạt động giải trí và đầu tư vào các metaverse. Đó là lý do tại sao các thương hiệu muốn tiếp cận thế hệ trẻ cần quan tâm tới bất động sản ảo.
Chuyên gia Jason Dorsey cho biết: “Thế hệ trẻ ít tin tưởng vào thị trường chứng khoán truyền thống hơn các thế hệ trước. Họ cũng ít tin tưởng vào hệ thống ngân hàng và thể chế của chính phủ. Nhiều người trong số họ cởi mở hơn với việc đầu tư vào tiền điện tử, mua NFT và mua đất ảo”.
Sự giao thoa của bất động sản ảo và bất động sản thực
Nhiều đại lý bất động sản đang tìm cách bán cả nhà ảo và nhà vật lý.
Vào tháng 4/2021, Shane Dulgeroff đã rao bán nhà của mình tại thành phố Thousand Oaks, bang California và nhà NFT trên OpenSea, một thị trường trực tuyến cho NFT và các tài sản kỹ thuật số khác. Giá chào bán là khoảng 1,4 triệu đô la tính theo giá trị tiền điện tử Ethereum.
Dulgeroff đã nhận được một lời đề nghị tương đương với khoảng 1,1 triệu đô la, nhưng quyết định giữ lại để chờ giá lên cao hơn. Anh cũng đưa hai ngôi nhà lên nhiều sàn giao dịch khác để thu hút nhiều người mua tiềm năng hơn, dù chưa nhận được thêm lời đề nghị nào. Vì vậy, anh dự định sẽ bán đấu giá lại trên một nền tảng bất động sản do mình đang phát triển theo công nghệ blockchain.
Dulgeroff cho biết: “Mọi việc đang ở giai đoạn sơ khai, nhưng công nghệ đằng sau NFT có khả năng thay đổi cách thức giao dịch bất động sản trong tương lai”.
Không phải tất cả mọi người đều lạc quan
Có rất nhiều người hoài nghi về việc trả nhiều tiền hơn cho các bất động sản ảo hơn là những ngôi nhà trong thế giới thực. Họ cho rằng bất động sản ảo không gắn liền với bất kỳ thứ gì có giá trị trong thực tế. Vì vậy, khi các metaverse không còn phổ biến, hàng đống tiền bỏ vào các bất động sản ảo sẽ biến mất. Một số người thậm chí lo ngại về tình trạng bong bóng bất động sản ảo trên các metaverse.
“Bong bóng sẽ xảy ra khi thị trường không có giá trị nội tại mà chỉ dựa vào đầu cơ”, Mark Stapp, giáo sư chuyên ngành bất động sản tại Đại học Bang Arizona, cảnh báo.
Edward Castronova, một nhà kinh tế học và giáo sư truyền thông tại Đại học Indiana Bloomington, cho biết: “Mọi người đang chạy theo xu hướng nhất thời. Khi bất động sản ảo không còn được yêu thích, chúng trở nên vô dụng và tất cả những gì bạn sở hữu chỉ là một mã NFT không có giá trị”.
-
Các nhà đầu tư bắt đầu đổ tiền vào bất động sản ảo
Nền kinh tế mới của thế giới ảo dựa trên blockchain là nơi đất đai, các tòa nhà, hình đại diện và thậm chí cả tên gọi có thể được mua và bán dưới dạng NFT, thường thu về hàng trăm nghìn đô la.
-
Dân số già mở ra cơ hội cho dịch vụ nhà dưỡng lão
Dịch vụ nhà ở dưỡng lão đã phát triển ở nhiều quốc gia. Nhưng tại Việt Nam, loại hình dịch vụ này ít được nhắc đến. Mặc dù vậy, giới quan sát thị trường cho rằng với tốc độ dân số già của Việt Nam, loại hình nhà ở này sẽ phát triển trong thời g...
-
Doanh nghiệp đầu cơ, ôm đất, “tiếng kêu” về giá bất động sản ngày càng nhiều
Pháp lý không minh bạch và tình trạng đầu cơ đã khiến giá cả bất động sản không ngừng tăng, kể cả trong bối cảnh dịch tái phát nghiêm trọng.
-
Một số xu hướng mới của thị trường bất động sản cao cấp
Trong vài tháng qua, thị trường bất động sản cao cấp trên toàn cầu đã dần quay trở lại quỹ đạo. Tuy nhiên, các thay đổi từ nhu cầu của khách hàng, yêu cầu thích nghi với tình trạng bình thường mới và xu hướng số hóa sẽ mang lại những xu hướng mới cho...