Hình minh họa
Tỉnh tiếp giáp với Hà Nội có thêm khu công nghiệp gần 3.000 tỉ đồng
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 19/11/2024 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đồng Văn VI, tỉnh Hà Nam.
Theo chấp thuận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Hà Nam là nhà đầu tư Dự án. Dự án được triển khai ở xã Tiên Ngoại, xã Yên Nam và xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam với diện tích 250 ha, tổng nguồn vốn đầu tư là 2.975,581 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
Các Bộ có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
UBND tỉnh Hà Nam chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo và các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; tiếp thu ý kiến của các Bộ; tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án...
Thanh Hóa sắp có khu công nghiệp rộng gần 180ha, vốn đầu tư 1.320 tỷ, trải dài 4 xã
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 1431/QĐ-TTg ngày 19/11/2024 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp WHA Smart Technology - Thanh Hóa, đồng thời chấp thuận các nhà đầu tư gồm: WHA Industrial Development 2 (SG) Pte. Ltd; Nhà đầu tư thứ 2; Công ty TNHH WHA Industrial Management Services Việt Nam; Công ty cổ phần WHAUP Nghệ An.
Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Quy mô sử dụng đất của dự án 178,51 ha. Địa điểm thực hiện dự án tại các xã Hoằng Quỳ, Hoằng Quý, Hoằng Xuyên và Hoằng Cát, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.320 tỷ đồng, tương đương 55 triệu USD, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 216 tỷ đồng, tương đương 9 triệu USD.
Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày tổ chức kinh tế thực hiện dự án do nhà đầu tư thành lập được Nhà nước bàn giao đất. Nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường theo đúng quy định.
Tỉnh có siêu dự án 2,4 tỷ USD khởi công kho xưởng hơn 1.300 tỷ đồng
Ngày 19/11, Công ty TNHH MV EARTH khởi công dự án Logicross Hải Phòng với tổng mức đầu tư hơn 1.328 tỷ đồng tại Khu phi thuế quan và Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (khu 1), phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP.Hải Phòng.
Khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp 88.000m2 kho xưởng, đóng góp quan trọng vào năng lực cung ứng và vận chuyển hàng hóa của khu vực.
Theo Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa quan điểm xác định sẽ hình thành các trung tâm dịch vụ lớn mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính, logistics ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Trong đó, Quy hoạch chung TP.Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định mạng lưới logistics của Hải Phòng khoảng 2.200 - 2.500ha, gồm: Trung tâm logistics quốc tế và cấp vùng ở khu vực Đình Vũ - Cát Hải; các trung tâm logistics cấp thành phố, trung tâm logistics chuyên dụng, trung tâm logistics hỗ trợ gắn với các đầu mối giao thương chính. Ngoài ra, bố trí các khu logistics gắn với khu vực sản xuất công nghiệp, cảng sông, cảng biển và các trung tâm, đầu mối vận tải khác tại quận Hải An, Dương Kinh, huyện Kiến Thụy, An Dương, Tiên Lãng...
Hiện thành phố có 14 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với chiều dài 265km; 17 tuyến đường thủy nội địa địa phương với chiều dài 191km; 16 cảng thủy nội địa; có Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi được quy hoạch đạt công suất 13 triệu khách và 250.000 tấn hàng hóa/năm vào năm 2030; tầm nhìn tới năm 2050 đạt 18 triệu hành khách/năm và 500.000 tấn hàng hóa/năm.
Thành lập Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng
Theo đó, thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM và Trung tâm tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng. Lựa chọn phát triển các Trung tâm tài chính có ranh giới địa lý và đối tượng điều chỉnh được xác định theo tiêu chí rõ ràng; theo mô hình "kết hợp" với các chính sách đặc thù, vượt trội theo lộ trình; Trung tâm tài chính được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội hơn so với quy dịnh hiện hành, mang tính cạnh tranh, nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Thành lập các cơ quan để quản lý Trung tâm tài chính, gồm: cơ quan quản lý, điều hành; cơ quan giám sát; cơ quan giải quyết tranh chấp. Việc thành lập các cơ quan này triển khai thực hiện theo đúng quy định và thông lệ quốc tế.
Về áp dụng các chính sách xây dựng Trung tâm tài chính và lộ trình triển khai, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, từ nay đến năm 2030: ban hành và tổ chức thực hiện ngay 08 nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và cần áp dụng ngay. Đồng thời, thí điểm 06 nhóm chính sách thông dụng tại các Trung tâm tài chính lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
-
Bất động sản 24h: Cửa ngõ TP. Biên Hòa sắp có 2 nút giao giúp giải tỏa ách tắc giao thông?
Đề xuất hơn 6.000 tỉ xây hai nút giao cửa ngõ TP. Biên Hòa; Tiền Giang phấn đấu khởi công Khu tái định cư thuộc dự án cầu hơn 5.000 tỉ đồng trong năm nay; Tìm nhà đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ hơn 230 tỉ trên cao tốc Vân Phong – Nha Trang... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.