15/01/2024 5:28 PM
Hé lộ 18 vấn đề lớn của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được thống nhất trình kỳ họp bất thường; Đề xuất 6.200 tỉ đầu tư cao tốc nối liền Đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên; Mặc định giá trị đất lúc nào cũng tăng dần là không hợp lý... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hình minh họa

Đường ven biển gần 1.300 tỉ “kéo gần” Phan Thiết với Kê Gà, La Gi đang làm tới đâu?

Dự án đường ven biển 719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2020. Dự án có quy mô dài 25,6km, rộng nền đường 28m và rộng mặt đường 16m. Tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh và nguồn thu từ khai thác quỹ đất hai bên đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 11/2023, HĐND tỉnh Bình Thuận đã thông qua nghị quyết phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường ven biển Phan Thiết – Kê Gà tăng lên thành 1.275 tỉ đồng.

Theo Ban quản lý dự án, đường 719B hiện đã thông tuyến 8km kết nối QL1A đến nút giao xã Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam) đi xã Tiến Thành (TP.Phan Thiết). Dự kiến đến trước Tết Nguyên đán 2024 sẽ hoàn thành thông tuyến đoạn từ đầu tuyến (giao QL1A) đến cầu Suối Nhum tại Km17+667,76 kết nối với tuyến đường ĐT.719.

Hé lộ 18 vấn đề lớn của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được thống nhất trình kỳ họp bất thường

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 16 chương, 260 điều, bỏ 05 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật) so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Đối với những nội dung lớn xin ý kiến tập trung thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận, trao đổi, rà soát kỹ lưỡng, các cơ quan hữu quan đã thống nhất chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung về: (1) Về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; (2) Về không mở rộng phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 28);

(3) Về trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; (4) Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm đối với tài sản gắn liền với đất (Điều 34); (5) Về điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 45);

Đề xuất 6.200 tỉ đầu tư cao tốc nối liền Đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận vừa trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 có chiều dài 27km.

Dự án nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có điểm đầu kết nối với tuyến N2 tại thị trấn Mỹ An (huyện Tháp Mười), điểm cuối tại nút giao An Bình (đầu cầu Cao Lãnh). Trong giai đoạn 1, dự án có bề rộng nền đường 17m, 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, song sẽ giải phóng mặt bằng để phục vụ mở rộng 6 làn cho sau này.

Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 6.200 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay ODA từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc 4.462 tỉ đồng (tương đương hơn 188 triệu USD); vốn đối ứng của Việt Nam 1.747 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong 5 năm, khi hiệp định vay có hiệu lực.

Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh khi hoàn thành kết nối thông suốt toàn tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành (Bình Phước) - Cà Mau góp phần giảm tải cho quốc lộ 1, đồng thời liên thông với các cao tốc trục dọc, ngang ở miền Tây.

Mặc định giá trị đất lúc nào cũng tăng dần là không hợp lý

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) đề nghị không quy định phương pháp định giá đất thặng dư, bởi phương pháp này dựa trên cơ sở giả định, ước tính. Do đó mức độ tin cậy chưa cao đối với các khu vực hạn chế thông tin để làm căn cứ ước tính.

Theo đại biểu, mặc dù giá trị thửa đất có triển vọng tăng lên theo thời gian, nhưng việc mặc định giá trị đất lúc nào cũng tăng dần là không hợp lý. “Giá trị thửa đất có thể đi xuống vì nền kinh tế suy thoái, gặp các yếu tố bất lợi. Đơn cử như hiện nay, thị trường bất động sản gần như đóng băng thì phương pháp này không đo lường chính xác được các yếu tố rủi ro tác động bất lợi đến nền kinh tế”, bà nói.

Đại biểu tỉnh Bình Dương còn cho rằng, việc tính toán các yếu tố giả định nêu trên rất phức tạp, kết quả định giá không chắc chắn, thiếu chính xác, có sai số lớn, cùng 1 thửa đất nhưng chỉ cần thay đổi 1 chỉ tiêu trong các yếu tố giả định là sẽ thay đổi kết quả định giá. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới chậm trễ, vướng mắc trong việc xác định, thẩm định, quyết định giá đất cụ thể trong thời gian qua.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.