Hình minh họa
Hé lộ thời gian dự kiến xây sân bay quốc tế thứ 2 của Hà Nội
Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với đồ án “Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”. Trong đó, đồ án đề xuất xây dựng sân bay thứ 2 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam.
Theo nội dung đồ án, dự trữ không gian, hạ tầng để phát triển sân bay thứ 2 – Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, vùng Thủ đô và Quốc gia hướng tới phát triển cao, kết nối quốc tế. Vị trí, phạm vi, quy mô cụ thể sẽ được cơ quan tư vấn chuyên hành nghiên cứu báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định. Thời gian dự kiến đầu tư xây dựng sân bay thứ 2 vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2050.
Theo đồ án, khu vực dự kiến xây dựng sân bay thứ 2 có diện tích chiếm đất khoảng 1.700ha.
Bổ sung gần 967 tỷ đồng cho dự án tái định cư sân bay Long Thành
Dự án thu hồi, bồi thường, tái định cư sân bay Long Thành được đồng ý kéo dài tới hết 2024. Đồng thời bổ sung 966,749 tỷ đồng từ dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án.
Cũng theo nghị quyết kỳ họp 6, Quốc hội đồng ý giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/1 đến 30/62024. Giảm 2% thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (giảm còn 8%).
Trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ là viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Diễn biến mới tại dự án nâng cấp sân bay Biên Hòa để đón 5 triệu khách vào năm 2030
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định sửa đổi quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, thay thế quy mô, cấp sân bay Cảng hàng không Biên Hòa tại mục 15 phần II Phụ lục I cấp 4C bằng cấp 4E; thay thế quy mô, cấp sân bay Cảng hàng không Biên Hòa tại mục 18 phần II Phụ lục II cấp 4C bằng cấp 4E.
Theo quy hoạch, sân bay quân sự Biên Hòa được quy hoạch thành sân bay quốc nội để khai thác lưỡng dụng với công suất khai thác đến năm 2030 là 5 triệu hành khách/năm và đến năm 2050 đạt 10 triệu hành khách/năm.
Theo tìm hiểu, sân bay Biên Hòa được xây dựng từ trước năm 1955, phục vụ cho mục đích quân sự. Sân bay này thuộc địa phận TP. Biên Hòa và cách TP.HCM khoảng 30km. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt sân bay Biên Hòa được quy hoạch là sân bay quốc nội khai thác lưỡng dụng (quân sự và dân sự).
Chủ tịch TP.HCM giao trách nhiệm cụ thể, đẩy nhanh tiến độ 3 dự án hạ tầng đặc biệt quan trọng
Đối với dự án metro số 2 Bến Thành – Tham Lương, giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với UBND quận 3 triển khai kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về bồi thường giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2, thẩm định giá và hoàn chỉnh hồ sơ, phương án và ban hành giá bồi thường để giải ngân trước 31/12.
Tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương dài hơn 11 km với 9 ga ngầm, một ga trên cao và một depot tại Tham Lương, quận 12. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 47.900 tỉ đồng, trong đó hơn 4.350 tỉđồng thực hiện giải phóng mặt bằng. Báo cáo mới đây của Ban quản lý dự án đường sắt số 2 cho biết, sau 13 năm triển khai đến nay dự án mới chỉ giải quyết bồi thường được 87% mặt bằng. Hiện chỉ có quận 1, quận 12 và Tân Phú là những địa phương có dự án đi qua hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Đón hơn 1,2 triệu lượt khách quốc tế trong tháng 11/2023
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11 đạt hơn 1,2 triệu lượt người, tăng 10,9% so với tháng trước và gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước và là tháng đón lượng khách quốc tế cao nhất kể từ đầu năm 2023, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước và bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 11 tháng đầu năm 2023 với 3,2 triệu lượt (chiếm 28,5%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 1,5 triệu lượt. Tiếp theo là thị trường Đài Loan (thứ 3): 758 nghìn lượt, Mỹ (thứ 4):658 nghìn lượt, Nhật (thứ 5): 527 nghìn lượt. Ba vị trí tiếp theo trong top đầu đều thuộc khu vực Đông Nam Á: Thái Lan (442 nghìn lượt); Malaysia (419 nghìn lượt); Campuchia (359 nghìn lượt). Thị trường Úc xếp ở vị trí thứ 9 (353 nghìn lượt), Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 10 (352 nghìn lượt).
-
Bất động sản 24h: Người dân gửi tiền vào ngân hàng tăng mạnh
Thông qua Luật Kinh doanh bất động sản, mua nhà trên giấy đặt cọc tối đa 5% giá bán; Thay đổi về phân lô, bán nền trong Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi vừa thông qua; Đề xuất nâng giá trị tiền đặt cọc khi đấu giá tài sản lên 20 - 30%... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.