Ảnh minh hoạ.
Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với đồ án “Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”.
Trong đó, đồ án đề xuất xây dựng sân bay thứ 2 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam.
Theo nội dung đồ án, dự trữ không gian, hạ tầng để phát triển sân bay thứ 2 – Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, vùng Thủ đô và Quốc gia hướng tới phát triển cao, kết nối quốc tế. Vị trí, phạm vi, quy mô cụ thể sẽ được cơ quan tư vấn chuyên hành nghiên cứu báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Thời gian dự kiến đầu tư xây dựng sân bay thứ 2 vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2050.
Theo đồ án, khu vực dự kiến xây dựng sân bay thứ 2 có diện tích chiếm đất khoảng 1.700ha.
Kết nối phát triển sân bay phía Nam với đô thị Phú Xuyên được quy hoạch theo mô hình đô thị sân bay, để hình thành trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường không, đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị), đường thủy (sông Hồng), đường bộ (cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, Quốc lộ - Tây Bắc, Quốc lộ 1, trục phía Nam), trở thành đầu mối giao thông quan trọng của vùng phía Bắc, đô thị cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội.
Nhằm triển khai cảng hàng không quốc tế thứ hai của Thủ đô, Hà Nội đưa ra đề xuất cần dự trữ hành lang phát triển các trục phía Nam, đường sắt đô thị nối từ trung tâm ra sân bay phía Nam và trục giao thông liên kết Đông-Tây để phát huy lợi thế của đầu mối giao thông quan trọng phía Nam.
Trong giai đoạn chưa triển khai đầu tư dự án sân bay phía Nam, Hà Nội cũng đề xuất cần có các biện pháp quản lý phát triển phù hợp để đảm bảo điều kiện mặt bằng cho phát triển dự án trong tương lai, đồng thời tạo điều kiện cho người dân được khai thác sử dụng tạm để sản xuất, sinh sống, đảm bảo điều kiện phát triển thuận lợi của người dân hiện trạng.
Theo bản vẽ của đồ án quy hoạch, cảng hàng không quốc tế thứ 2 của thành phố có vị trí ở huyện Ứng Hòa và một phần huyện Phú Xuyên, phía nam đường quy hoạch cao tốc Tây Bắc Quốc lộ 5, phía tây giáp đường trục phát triển kinh tế phía Nam; chức năng hỗ trợ cho CHKQT Nội Bài, phục vụ cho vận tải khách trong vùng Thủ đô.
Cảng đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO, công suất 30 - 50 triệu hành khách/năm và một triệu tấn hàng hóa/năm; quy mô diện tích khoảng 1.500 ha. Hướng đường cất hạ cánh dự kiến theo hướng 11 - 29.
Hệ thống giao thông kết nối có hai tuyến đường cao tốc, hai tuyến đường trục đô thị, một tuyến đường sắt đô thị (ít ga) và tổ chức chạy tàu nội vùng trên hướng Bắc - Nam để kết nối.
Theo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, vị trí triển khai cảng hàng không quốc tế thứ hai có ưu điểm là nằm trên trục không gian phía nam kết nối đô thị trung tâm với khu vực sân bay thứ 2; liên kết với đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa, tạo động lực phát triển khu vực phía nam.
Bên cạnh thông tin liên quan đến sân bay quốc tế thứ hai, Hà Nội cũng đề xuất điều chỉnh xác định rõ Cảng hàng không Gia Lâm (phường Bồ Đề, quận Long Biên) là cảng hàng không khai thác lưỡng dụng giữa quân sự và dân dụng, khai thác dân dụng theo mô hình hàng không chung với các tàu bay dân dụng cỡ nhỏ, tàu bay chuyên dùng.
Còn đối với sân bay Hòa Lạc (huyện Thạch Thất), sân bay Miếu Môn (huyện Mỹ Đức và huyện Chương Mỹ) phục vụ mục đích quân sự, có thể phát triển khai thác lưỡng dụng với hàng không chung phục vụ dân sự khi có yêu cầu.
-
Đồng Nai kêu gọi đầu tư khu đô thị 293ha và loạt trung tâm logistics quanh sân bay Long Thành
UBND tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực thương mại dịch vụ, logistics tỉnh Đồng Nai và khai thác lợi thế khu vực quanh sân bay Long Thành năm 2023.